ThienNhien.Net – Sau khi loại bỏ các dự án xi măng không hiệu quả, Bộ Xây dựng vẫn phải bổ sung những dự án tiềm năng vào để xem xét.
Trao đổi với VOV.VN, ông Lê Văn Tới – Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết: Việc loại bỏ khỏi qui hoạch 9 dự án xi măng và Bộ Xây dựng đang tiếp tục rà soát đưa khỏi qui hoạch không có nghĩa là không còn cơ hội cho các nhà đầu tư có năng lực, nguyện vọng muốn đầu tư vào lĩnh vực này.
“Nếu DN có những vị trí tốt, khi làm có lợi cho cả xã hội thì không có lý do gì Bộ Xây dựng lại không đi xem xét. Nhà nước thì nhỏ mà xã hội thì lớn nên sự phát hiện cũng như nghiên cứu của xã hội bao giờ cũng đa dạng hơn. Sau đây chúng ta vẫn phải bổ sung những dự án tiềm năng vào để xem xét”.
PV: Xin ông cho biết, các loại dự án nào sẽ bị loại bỏ khỏi qui hoạch? Có ý kiến cho rằng, thực tế thì còn nhiều dự án đang vấp phải khó khăn không thể triển khai được nhưng chưa bị “rờ đến”?
Ông Lê Văn Tới: Cuối năm 2012, Bộ Xây dựng đã rà soát các dự án xi măng dự kiến đưa vào hoạt động trong giai đoạn 2012 đến 2015. Qua rà soát, Bộ Xây dựng đã đề nghị và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý đưa 9 dự án xi măng ra khỏi Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011- 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 theo Quyết định số 1488 ngày 29/8/2011 (gọi tắt là Quy hoạch 1488).
Từ giai đoạn 2005- 2010, nhằm tạo điều kiện cho các chủ đầu tư xi măng lò đứng chuyển đổi công nghệ, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý đưa vào Quy hoạch phát triển xi măng một số dự án lò quay có công suất nhỏ (dưới 2500 tấn clanke/ngày). Trong số đó có nhiều dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng trước năm 2012, phát huy được hiệu quả, tạo công ăn việc làm cho số lao động đang hiện hữu của doanh nghiệp.
Một số dự án do chủ đầu tư không đủ năng lực về tài chính, không thuận lợi về sản xuất và tiêu thụ, hoặc do các lý do chủ quan khách quan khác, không được triển khai như kế hoạch. Do sự chậm trễ, kéo dài nhiều năm, trong khi công nghệ xi măng trên thế giới và Việt Nam không ngừng phát triển, các dự án với công suất dưới 2.500 tấn clanke/ngày đến nay đã lạc hậu về các chỉ tiêu, như tiêu hao năng lượng và suất đầu tư cao, các chỉ tiêu về bảo vệ môi trường không đảm bảo. Đó là 9 dự án đã được đưa ra khỏi Quy hoạch 1488. 9 dự án này cũng có điểm giống nhau là chủ đầu tư chưa chuyển tiền, hoặc đặt cọc tiền mua thiết bị.
Hiện nay, Bộ Xây dựng cũng đang rà soát các dự án có kế hoạch triển khai trong giai đoạn 2016- 2020. Qua đó có thể loại bớt một số dự án không đủ điều kiện triển khai ra khỏi Quy hoạch và đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận tiến độ cụ thể một số dự án.
PV: Với việc loại bỏ khỏi qui hoạch một số dự án xi măng, nhiều người lo ngại sẽ xảy ra khủng hoảng thiếu xi măng. Quan điểm của Bộ Xây dựng về vấn đề này?
Ông Lê Văn Tới: Cả nước hiện nay có 71 dây chuyền xi măng lò quay đang sản xuất với tổng công suất là 73,45 triệu tấn. Theo kế hoạch, khoảng giữa và cuối năm 2014 sẽ có 04 nhà máy xi măng mới được dưa vào hoạt động (Công Thanh, Đồng Lâm, Thạch Mỹ, Trung Sơn) với tổng công suất là 7,5 triệu tấn. Như vậy vào năm 2015 dự kiến công suất các nhà máy xi măng trên cả nước sẽ vào khoảng 81 triệu tấn. Nguồn cung này cũng sẽ không thay đổi cho tới cuối năm 2016, cũng có thể là cuối năm 2017 (khi nhà máy xi măng Xuân Thành 2 đi vào sản xuất).
Quyết định 1488 của Thủ tướng Chính phủ, dự báo nhu cầu xi măng năm 2015 là 75- 76 triệu tấn. So sánh giữa nguồn cung thực tế hiện nay và dự báo năm 2011 cho thấy trong vài năm tới không lo thiếu xi măng. Hơn nữa nhu cầu trong nước vào năm 2015, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế trong 3 năm vừa qua cũng đã bị sụt giảm.
Năm 2013 cả nước tiêu thụ 61 triệu tấn sản phẩm xi măng; trong đó 16 triệu tấn xuất khẩu, chiếm 26,2%. Trong 5 tháng đầu năm 2014 cả nước tiêu thụ 27,27 triệu tấn sản phẩm xi măng; trong đó xuất khẩu 6,85 triệu tấn, chiếm 25%.
Nếu nhu cầu trong nước có tăng cao đột ngột, thì một lượng xi măng xuất khẩu sẽ ngay lập tức trở lại phục vụ nhu cầu trong nước. Có thể khẳng định, doanh nghiệp sản xuất xi măng nào cũng quan tâm đến thị trường trong nước. Hầu hết các doanh nghiệp xem thị phần của họ trên thị trường nội địa là ưu tiên hàng đầu.
Thêm nữa, theo kinh nghiệm, khi thị trường ấm, tiêu thụ tốt lên, năng lực sản xuất xi măng hiện hữu của chúng ta có thể khai thác được 100% công suất hoặc trên nữa.
PV: Về việc đầu tư cho công nghệ sản xuất xi măng sẽ đặt ra như thế nào, thưa ông?
Ông Lê Văn Tới: Trong quy hoạch đã có lộ trình từng bước xóa bỏ công nghệ lạc hậu dự kiến đến năm 2015 không còn sản xuất xi măng lò đứng (đến nay các nhà máy xi măng lò đứng cơ bản đã chuyển sang các trạm nghiền xi măng hoặc chuyển đổi sang sản xuất các loại sản phẩm VLXD khác cho phù hợp).
Quy hoạch 1488 yêu cầu đối với các dự án đầu tư mới phải có công suất tối thiểu 2.500 tấn clanhke/ngày trở lên (Quy hoạch 108 không quy định). Tuy nhiên đối với các dự án ở vùng sâu, và các dự án chuyển đổi công nghệ có thể áp dụng quy mô công suất phù hợp.
Việc kiểm soát ô nhiễm môi trường của các nhà máy xi măng ngày càng được quy định chặt chẽ hơn và yêu cầu về nồng độ bụi phát thải nhỏ hơn so với Quy hoạch 108 để đáp ứng được các quy định về môi trường.
Quy hoạch 1488 quy định: “Sau năm 2005 sẽ dừng sản xuất clanhke xi măng công nghệ lạc hậu”.
PV: Việc rà soát lại qui hoạch xi măng có ưu tiên cho việc xuất khẩu hay không, thưa ông?
Ông Lê Văn Tới: Quan điểm của Bộ Xây dựng là không ưu tiên hay ưu đãi cho việc xuất khẩu. Nhưng đây là vấn đề mà Bộ Xây dựng rất quan tâm. Trong cân đối cung cầu Bộ Xây dựng cũng dự kiến khoảng 10- 15% sản lượng cho việc xuất khẩu. Nhiều nước sản xuất xi măng trong khu vực và trên thế giới cũng sử dụng phương án xuất khẩu là một giải pháp tối ưu để cân đối cung cầu trong nước, ví dụ Trung Quốc có kế hoạch xuất trong năm nay khoảng 13 triệu tấn, Thổ Nhĩ Kỳ khoảng 10 triệu tấn, Hàn Quốc và Nhật Bản mỗi nước khoảng 9 triệu tấn v.v…
PV: Xin cảm ơn ông!