ThienNhien.Net – Trước năm 2012 bình quân mỗi năm Việt Nam khai thác từ 200.000-300.000m3 gỗ rừng tự nhiên. Nhưng đến năm 2013 sản lượng khai thác này chỉ còn 90.000m3 và tiến tới sẽ dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên.
Đây là thông tin được ông Cao Chí Công, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NNPTNT chia sẻ tại hội thảo đóng góp ý kiến cho dự thảo Nghị định sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp.
Hội thảo do Liên hiệp hội các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (Vusta), Tổng cục Lâm nghiệp phối hợp tổ chức.
Theo ông Công, hiện nay cả nước có 148 công ty lâm nghiệp. Trong số các công ty này có 65 công ty chuyên quản lý rừng tự nhiên, còn lại là những công ty quản lý vừa rừng trồng, vừa tự nhiên và sản xuất lĩnh vực khác (có sản xuất kinh doanh tổng hợp).
“Thực tế hiện nay đối với các công ty có rừng trồng sản xuất thì tương đối ổn định và chiều hướng phát triển tốt. Tuy nhiên, cũng xuất hiện tình trạng do chưa rõ ràng về ranh giới rừng nên nhiều công ty bị vướng vào tình trạng bị xâm chiếm, lấn đất. Nhiều đơn vị còn không dám khai thác vì sợ xảy ra tranh chấp với người dân trong khu vực”, ông Công nhìn nhận.
Ông Đặng Bá Thức, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khoa học kỹ thuật Lâm nghiệp Hà Tĩnh góp ý, vấn đề cơ bản hiện nay là nhu cầu sử dụng đất lâm nghiệp của bà con nông dân và cộng đồng dân cư sống liền kề ở các công ty lâm nghiệp là rất lớn.
Ông Thức nhấn mạnh: “Theo tôi cần đảm bảo nguyên tắc hài hòa lợi ích Nhà nước, công ty và cộng đồng dân cư ở địa phương. Nếu không có nguyên tắc này sẽ không bao giờ chấm dứt được mâu thuẫn về sử dụng đất lâm nghiệp hiện nay ở trung du và miền núi”.
Góp ý cụ thể hơn cho chính sách này, chuyên gia chính sách lâm nghiệp Vũ Long đề nghị, trong phần quy định về lao động của các công ty lâm nghiệp cần hiểu rõ thực tế đặc điểm về lao động của các công ty lâm nghiệp là lực lượng lao động thuê ngoài rất nhiều.
Theo ông Long, lượng lao động này chiếm trên 50% lực lượng lao động, đặc biệt là với các công ty trồng rừng. Do đó, cần bổ sung quy định để đảm bảo quyền lợi cho những người lao động thuê khoán ổn định, đặc biệt khi tiến hành cổ phần hóa công ty lâm nghiệp rừng trồng.
Theo ông Lê Văn Bách, Trưởng ban Chính sách về các tổ chức quản lý rừng, Tổng cục Lâm nghiệp, hiện nay Tổng cục Lâm nghiệp đang gấp rút lấy ý kiến góp ý và hoàn thiện nghị định. Dự kiến trong tháng 9 năm nay, Bộ NNPTNT sẽ trình Chính phủ nghị định này để ban hành.