ThienNhien.Net – Việt Nam có gần 70% dân số làm nghề nông, và nông nghiệp là một trong những ưu tiên về chiến lược phát triển phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên thực tế chứng minh, ngành nông nghiệp đang bất ổn khi bị bỏ quên vì thiếu chiến lược và lộ trình phát triển.
Ngành nông nghiệp bị bỏ quên
Theo số liệu công bố tại Diễn đàn Quan hệ đối tác phát triển Việt Nam, năm 2013 GDP Việt Nam đạt gần 176 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người năm 2013 tăng hơn 20%, đạt khoảng 1.960 USD. Có thể nói, những thành tựu, kinh nghiệm của 30 năm đổi mới tạo cho đất nước thế và lực mới.
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế vẫn còn không ít quan ngại. Trong quá trình đổi mới và hội nhập, Việt Nam quá tập trung phát triển kinh tế công nghiệp quên đi một nhiệm vụ song song không kém phần quan trọng đó là phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại hóa với các chính sách đi kèm. Chính vì bỏ quên ngành nông nghiệp, cho nên sau bao nhiêu năm phát triển kinh tế nông nghiệp vẫn ì ạch và lao đao. Thiếu lộ trình và chiến lược phát triển cụ thể nên đến thời điểm này ngành nông nghiệp chủ yếu tự bơi, thậm chí đang rơi vào tình trạng gia công trầm trọng.
Cụ thể, đến thời điểm hiện nay cả lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi của Việt Nam đều phát triển một cách yếu ớt khi chủ yếu là gia công. Tính riêng ngành chăn nuôi liên tục rơi vào cảnh rớt giá thê thảm khiến nông dân điêu đứng, thậm chí trắng tay. Khó khăn chồng chất khó khăn nhiều hộ buộc phải chuyển đổi mô hình chăn nuôi bằng cách đầu tư chuồng trại theo hướng hiện đại chỉ để nuôi thuê. Chăn nuôi thuê cho các doanh nghiệp nước ngoài như CP, Emivest, Japfa… thì gánh nặng về giá thức ăn gia súc sẽ được giải quyết, rủi ro về giá đầu ra cho sản phẩm không còn do doanh nghiệp đã hợp đồng bao tiêu sản phẩm.
Nhìn nhận thực tế bấp bênh trong phát triển của ngành chăn nuôi, PGS. TS Nguyễn Đăng Vang, Hội chăn nuôi Việt Nam cho rằng, ngành chăn nuôi của Việt Nam chưa được quy hoạch, thiếu chủ động, không ổn định lâu dài. Vì vậy, sự thiếu chủ động và mất cân đối khủng khiếp xảy ra khi 70% là chăn nuôi gia công cho các công ty nước ngoài, 30% nuôi cho thị trường.
Thiếu tổ chức sản xuất trong nước
Khó khăn tương tự lĩnh vực chăn nuôi, trái cây liên tục bị rớt giá. Càng vào mùa thì tỷ lệ rớt giá càng cao. Đầu tháng 6 vừa qua, tại Hậu Giang nhiều hộ bỏ cả vườn cây ăn quả chín rụng úng thối đầy gốc, chấp nhận thua lỗ còn hơn thuê mướn nhân công thu hoạch thì thu không đủ chi. Cụ thể, nếu như trước đây, các nhà vườn ở tỉnh này làm giàu từ trồng dâu bòn bon, hàng năm giá dao động 8.000-10.000 đồng/kg thì hiện nay loại trái cây này thương lái thu mua chỉ 1.000 đồng/kg. Dù giá rớt thê thảm nhưng lại khó tiêu thụ. Ông Lư Khải Hoàng, ở ấp Nhơn Thuận 1, xã Nhơn Nghĩa A, huyện Châu Thành A, cho biết: hơn 20 gốc dâu bòn bon của ông đạt năng suất khoảng 2 tấn quả, nhưng từ đầu vụ đến nay không bán được quả nào. Đến nay, dâu bòn bon đã rụng hơn một nửa, chấp nhận bỏ không thu hoạch vì tiền thuê nhân công cao hơn.
Một ví dụ nữa chính là cây cao su. Giá mủ cao su gần đây sụt giảm trầm trọng khiến nhiều người dân miền Đông Nam Bộ hoang mang chặt bỏ cây cao su. Theo ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt thì tình trạng này diễn ra khá nghiêm trọng tại hai tỉnh Tây Ninh và Bình Phước. Và không phải đến bây giờ mà giá cao su giảm đã kéo dài suốt trong cả năm 2013.
Theo các chuyên gia kinh tế, sự bất ổn của nền kinh tế nông nghiệp chủ yếu do chỉ tập trung phát triển chiều rộng bằng việc mở rộng diện tích, quy mô, áp dụng nhiều hơn đầu vào (phân bón, thuốc trừ sâu) trong khi chưa thực sự hình thành được nền nông nghiệp cao, nông nghiệp hàng hóa. Ngoài ra, thiếu tổ chức sản xuất trong nước (quy hoạch và tổ chức thị trường) gây bất ổn thị trường và hình thành xu hướng dư thừa sản phẩm là chủ yếu. Sự đầu tư của nhà nước cho lĩnh vực nông nghiệp gồm: sản xuất, nghiên cứu, từ đào tạo đến lo đầu ra cho nông sản chưa tương xứng (thiếu công nghệ chế biến) buộc người nông dân phải tự bơi. Chính vì vậy, mới có câu chuyện dưa hấu “nằm dài” ở cửa khẩu Tân Thanh; vải thiều Bắc Giang, Hải Dương đỏ đường trong khi nông dân “đỏ mắt”…. Người ta nói nhiều, đầu tư nhiều vào công nghiệp nặng, công nghiệp chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ sinh học, công nghệ phần mềm. Song không nhận ra nông nghiệp mới thực sự là thế mạnh của Việt Nam mà chỉ coi nông nghiệp như bệ đỡ của nền kinh tế.