ThienNhien.Net – Dự báo trong năm 2014, các khu công nghiệp (KCN) ở Việt Nam sẽ thu hút được thêm khoảng 8 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, trong khi đó, các khu kinh tế (KKT) sẽ hút thêm khoảng 2 tỷ USD vốn FDI.
Bộ Kế hoạch và đầu tư (MPI) vừa có báo cáo Tình hình hoạt động các KCN-KKT năm 2013 và kế hoạch phát triển năm 2014.
Theo thống kê của MPI, tính lũy kế đến hiện nay, trên cả nước có 289 KCN với tổng diện tích đất tự nhiên 81.000ha.
Trong đó, 191 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên 54.060ha và 98 KCN đang trong giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ bản với tổng diện tích đất tự nhiên 27.008ha.
Dự kiến trong năm 2014, tổng diện tích tăng thêm của các KCN khoảng 2.000 – 2.500 ha, nâng tổng diện tích KCN đến cuối năm 2014 khoảng 83.500 – 84.000 ha.
Đối với các KKT, số lượng và diện tích các KKT ven biển được giữ ổn định ở mức 15 KKT với tổng diện tích (mặt đất và mặt nước) là hơn 697.800 ha.
Dự kiến, năm 2014, các KCN sẽ thu hút được thêm khoảng 8 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, tiếp tục duy trì tỷ trọng 55 – 60% tổng vốn FDI của cả nước và 32.000 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước.
Điều này sẽ nâng tổng vốn đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước vào KCN đến cuối năm 2014 lên khoảng 79 tỷ USD và 505.000 tỷ đồng.
Các KKT thu hút được khoảng 2 tỷ USD vốn FDI và 25.000 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước, nâng tổng vốn đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước vào các KKT đến cuối năm 2014 lên khoảng 38,5 tỷ USD và 245.000 tỷ đồng.
Các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh của KCN, KKT dự kiến sẽ tăng nhẹ so với năm 2013.
Dự kiến doanh thu của các doanh nghiệp KCN (kể cả trong và ngoài nước) trong năm 2014 ước đạt 72 tỷ USD (tăng khoảng 2 tỷ USD so với năm 2013).
Giá trị xuất khẩu đạt khoảng 42 tỷ USD, giá trị nhập khẩu đạt 41 tỷ USD; nộp ngân sách khoảng 40.000 tỷ đồng.
Đóng góp của KCN vào kim ngạch xuất khẩu toàn quốc năm 2014 ước đạt khoảng 37%.
Các KKT đạt doanh thu 10 tỷ USD, giá trị xuất nhập khẩu ước đạt 1,5 tỷ USD; đóng góp ngân sách 23.000 tỷ đồng.
Dự kiến đến cuối năm 2014, các KCN, KKT thu hút lũy kế khoảng 2,1 – 2,2 triệu lao động trực tiếp và 80% các KCN đang hoạt động có công trình xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường.
Để phát triển các KCN, KKT, cần nâng cao nhận thức của các cơ quan Nhà nước các cấp về vai trò, vị trí của các KCN, KKT trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước;
Thống nhất chủ trương tăng cường phân cấp, giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý Nhà nước KCN, KKT trên các lĩnh vực nhằm xây dựng Ban quản lý KCN, KKT trở thành một cơ quan đầu mối quản lý nhà nước KCN, KKT ở địa phương theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Đồng thời, phát triển KCN với số lượng và quy mô phù hợp với điều kiện phát triển thực tế của địa phương, đảm bảo hiệu quả sử dụng đất KCN, kiên quyết không phát triển KCN trên đất lúa có năng suất ổn định.
Thường xuyên rà soát điều chỉnh Quy hoạch KCN cho phù hợp với tình hình thực tế; đảm bảo diện tích KCN phù hợp với Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất từng thời kỳ; không bỏ trống đất đai, gây lãng phí; không phát triển KCN khi chưa đảm bảo tỷ lệ lấp đầy KCN theo quy định.
Trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 không phát triển thêm KKT và hạn chế thành lập mới KCN để tập trung nguồn lực nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư các KCN, KKT đã thành lập.
Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách phát luật KCN, KKT: tổ chức triển khai Nghị định 164/2013/NĐ-CP, tiến tới nghiên cứu xây dựng Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt; nghiên cứu xây dựng các Đề án kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về KKT, KCN.
Đồng thời, các Bộ ngành tiếp tục phối hợp, tổ chức xây dựng, điều chỉnh, bổ sung các văn bản pháp luật chuyên ngành phải trên cơ sở thống nhất với pháp luật về KCN, KKT tránh tình trạng chồng chéo giữa các văn bản pháp luật.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, phối hợp giữa các cơ quan Trung ương và địa phương trong quản lý Nhà nước KCN, KKT trên các lĩnh vực; kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc tuân thủ pháp luật về môi trường, lao động trong KCN.
Tập trung đầu tư các KKT có tiềm năng, thuận lợi nhất; huy động tổng hợp các nguồn vốn và nhiều hình thức đầu tư như để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu, quan trọng trong các KKT để tạo điều kiện đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển các KKT.
Đẩy nhanh tiến độ các dự án động lực đã thu hút được và các cơ sở hạ tầng kỹ thuật thiết yếu trong các KKT để tạo tiền đề cho việc hình thành khu vực phát triển công nghiệp nòng cốt trong các KKT và thu hút các nhà đầu tư khác.
Xây dựng chiến lược, kế hoạch vận động xúc tiến đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; trong đó xác định cơ cấu đầu tư, dự án động lực phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương.