ThienNhien.Net – Kinh tế – xã hội vùng Tây Nguyên phát triển ổn định, chuyển biến tích cực, tuy nhiên có nhiều bất ổn.
Sáu tháng đầu năm 2014, kinh tế – xã hội vùng Tây Nguyên phát triển ổn định, chuyển biến tích cực, tuy nhiên có nhiều bất ổn liên quan đến thủy điện, phá rừng và di dân tự do. Đây là những kết luận được đưa ra tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2014 của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên tổ chức hôm qua (28/6) tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai với sự tham gia của lãnh đạo nhiều Bộ, ngành và 5 tỉnh Tây Nguyên. Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nguyên dự và chỉ đạo hội nghị.
Sáu tháng đầu năm 2014, tăng trưởng GDP toàn vùng Tây Nguyên đạt khoảng 10,3%, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 1,4 tỷ USD. Các chương trình, dự án vùng dân tộc thiểu số được các cấp, các ngành chủ động thực hiện hiệu quả. Trong 6 tháng, hoạt động tín dụng chính sách đã tạo điều kiện cho trên 31.000 hộ nghèo có vốn để phát triển sản xuất, tăng thu nhập.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã được quan tâm và triển khai tích cực, làm chuyển biến đời sống kinh tế – xã hội ở nông thôn. Đến nay, toàn vùng đã có 15 xã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới.
Cũng trong 6 tháng qua, trên địa bàn Tây Nguyên nổi lên nhiều vấn đề nóng. Việc xử lý những tồn đọng, hạn chế tại một số thủy điện vẫn còn nhiều vướng mắc. Nhiều hạng mục trong các khu tái định cư thủy điện kém chất lượng, không đáp ứng yêu cầu. Nổi cộm là Thủy điện An Khê – Ka Nak tại tỉnh Gia Lai đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt đến sản xuất và sinh hoạt của hàng nghìn hộ dân ở phía hạ nguồn.
Dự án thủy điện Thượng Kon Tum đến nay vẫn chưa hoàn thành chuyển đổi đất và triển khai xây dựng hồ điều tiết nước cho thành phố Kon Tum. Công tác đảm bảo an toàn các hồ chứa thủy điện, thủy lợi còn nhiều bất cập và có nhiều nguy cơ liên quan đến vỡ đập.
Ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu ý kiến: “Tây Nguyên có gần 1.400 hồ đập và tỷ lệ mất an toàn khá cao vì chúng ta xây dựng hệ thống hồ đập trong giai đoạn đất nước còn khó khăn. Lúc đó, nhiều hồ đập nhỏ là do các hợp tác xã xây dựng cho nên chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật không đảm bảo và nguy cơ rất cao. An toàn hồ đập không chỉ là nâng cấp các hồ đập, mà còn phải nâng cao năng lực quản lý. Những việc đó có thể làm được ngay, do đó, các Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn cần tăng cường quản lý an toàn hồ đập trong năm nay, vì năm ngoái nguy cơ hồ đập bộc lộ rất lớn”.
Việc ổn định đời sống cho các hộ dân tộc thiểu số phía Bắc di cư tới Tây Nguyên và tình trạng thiếu đất sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương, cũng là những vấn đề lớn. Hơn 32.000 hộ dân tộc thiêủ số thiếu đất sản xuất, với khoảng 20.000 ha đã dẫn đến tình trạng phá rừng lấy đất sản xuất diễn ra phức tạp. Cùng với đó, tình trạng phá rừng, vi phạm lâm luật, chống người thi hành công vụ diễn biến phức tạp, có lúc nghiêm trọng. Lấn chiếm, phá rừng làm rẫy, sang nhượng đất đai trái phép diễn ra ở nhiều nơi. Mô hình công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng phòng hộ trên địa bàn bộc lộ nhiều bất cập, dẫn đến rừng bị tàn phá đến mức báo động.
Phát biểu kết luận hội nghị, Đại tướng Trần Đại Quang biểu dương, đánh giá cao những nỗ lực và thành tựu trong phát triển kinh tế – xã hội của các tỉnh Tây Nguyên 6 tháng đầu năm 2014. Liên quan đến những vấn đề đang diễn biến phức tạp, Bộ trưởng yêu cầu 5 tỉnh Tây Nguyên tập trung các giải pháp tháo gỡ, giải quyết triệt để.
Bộ trưởng Trần Đại Quang đề nghị các Bộ, ngành, cấp ủy chính quyền các tỉnh Tây Nguyên cụ thể hóa thành chương trình hành động để lãnh đạo, tổ chức thực hiện một cách đồng bộ, chặt chẽ và nghiêm túc những vấn đề đã thống nhất trong hội nghị.
Bộ trưởng cũng đề nghị Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên phối hợp với các ban Đảng theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các Bộ, ngành và các tỉnh Tây Nguyên trong việc thực hiện, đảm bảo có kết quả những nhiệm vụ, chương trình công tác năm 2014 của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và những kết luận tại hội nghị.