ThienNhien.Net – Hơn một tháng qua, người dân địa phương và người từ những nơi khác đổ xô vào các cánh rừng thuộc huyện Sông Hinh (Phú Yên) đốn hạ cây ươi thu hái trái kể cả cây non.
Ươi bay…
Theo chân anh Trần Văn Th, một người chuyên hái ươi ở xã Ea Trol (huyện Sông Hinh), sau một hồi băng rừng lội suối chúng tôi đến chỗ có nhiều cây ươi. Anh Th chăm chú nhìn dưới lớp lá rừng tìm trái ươi theo cách thủ công.
Ngước nhìn tán cây “thác đổ” (tán lá nghiêng nhiều nhánh rũ xuống như thác chảy), anh Th đoán được hướng ươi bay; trong chốc lát anh Th cầm lên tay mấy trái ươi.
Loại trái này có đặc điểm khác lạ là ra quả sát nách cùng chung cuốn với chiếc lá đài. “Chiếc lá đài như tấm áo mưa che toàn bộ trái ươi. Vì cùng chung cuốn với chiếc lá đài nên khi trái ươi chín rụng thì chiếc lá đài rụng theo.
Chiếc lá đài khi còn ở trên cây có nhiệm vụ che mưa, khi rụng giống như cái dù, vì vậy không như những trái cây khác rụng thẳng xuống đất mà trái ươi rụng “kèm theo” chiếc lá đài giống như cái dù khi gặp gió bay ra xa, có khi rơi cách 5 đến 7m nên vậy gọi là ươi bay”, anh Th giải thích.
Ươi bay có giá cao gấp hơn 3 lần ươi non. Tuy nhiên do nhiều người đổ xô đi tìm nên không ai “cầm lòng” lượm ươi bay theo cách truyền thống mà đổ xô hái ươi non. Thế nhưng thân cây ươi lại cao chót vót nên không ai tài nào hái được.
Cây ươi thường mọc ở núi cao, khu vực rừng già hiểm trở. Khu rừng già thường có những cây to cao, nhưng một khi có cây ươi đến tuổi ra trái thì chúng vươn lên cao theo hướng nắng. Cây ươi cao 10 đến 20m, thân thẳng đuột như trụ điện, có cây lớn thân to bằng thùng phuy một người ôm không xuể. Vì thế, muốn hái ươi phải cưa đứt gốc.
Tuy nhiên không phải ai cưa cây ươi cũng đổ một cách suôn sẻ, có cây đứt gốc nhưng vướng dây leo hoặc vướng tán lá cây lớn bên cạnh nên không đổ xuống đất mà dựng đứng. Vì vậy có người đổ mồ hôi hột cưa cây nhưng không hái được trái, bỏ lại rừng sâu cả cây ươi chết đứng vì đã đứt gốc.
Chúng tôi “chinh phục” các khu rừng cao ở xã Ea Trol và chứng kiến nhiều cây ươi “thân lìa khỏi gốc” mà xót xa trước sự tàn phá của con người. Trước tình trạng nhiều người đổ xô vào rừng đốn hạ cây ươi, UBND xã Ea Trol đã thành lập tổ kiểm tra chốt chặn không cho người vào rừng hái ươi.
Ông Trần Duy Tấn, Hạt Trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Sông Hinh cho biết:
“Trước tình trạng người dân địa phương đến khu vực rừng huyện Sông Hinh để khai thác ươi trái phép, mới đây chúng tôi đã tham mưu cho UBND huyện Sông Hinh có công văn gửi Ban quản lý rừng phòng hộ, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, UBND các xã, thị trấn trong huyện tăng cường công tác quản lý và bảo vệ rừng, kiểm tra ngăn chặn tình hình phá rừng, khai thác vận chuyển gỗ và thu hái trái ươi. |
Tuy nhiên những cánh rừng từ xã Ea Trol đến xã Sông Hinh nằm ven trục giao thông phía Tây Phú Yên nên cánh hái ươi dễ dàng băng tắt vào rừng. Chủ tịch UBND xã Ea Trol, Nay Y Bình cho biết: “Xã đã tuyên truyền vận động nhân dân không nên đốn hạ cây ươi để thu hái quả trái pháp luật. Đồng thời địa phương chỉ đạo đội liên ngành của xã truy quét việc mua bán vận chuyển trái ươi, lập danh sách các đầu nậu tổ chức thu mua trái ươi trái pháp luật để xử lý”.
Phơi ươi như phơi lúa
Dạo quanh các khu vực dân cư xã Sông Hinh (xã vùng xa nhất của huyện Sông Hinh), người dân ở đây phơi ươi như phơi lúa. Trái ươi non có màu xanh khi hái về nhiều người sợ các ngành chức năng thu giữ nên phơi trong nhà, trong phòng khách khoảng 2 ngày.
Lúc đó trái ươi chuyển sang màu nâu đen giống như ươi bay (ươi khô), vịn vào “cái lý” cho rằng lượm trái rụng để qua mặt ngành chức năng rồi mới đem ra sân phơi cho thật khô. Theo kinh nghiệm người hái ươi, người “rành” chỉ cần bóp trái ươi mềm thì biết ươi non phơi khô, còn ươi bay thì cứng vỏ.
Vào vai một người đầu nậu đi mua ươi, tôi “lọt” được vào nhà bà Nguyễn Thị H, ở xã Sông Hinh. Nhiều bao tải đựng ươi chất sau gian bếp. Bà H cho biết, cách đây một tuần các đầu nậu vào đây tranh nhau mua ươi. Ươi đang phơi giữa sân chờ khô đầu nậu ập đến hốt vô bao cân tính tiền luôn. Tuy nhiên, mấy ngày nay do lực lượng chốt chặn nên lén lút, có người cân ươi sau hè nhà bếp.
Trước dòng người đổ xô vào rừng thu hái trái ươi trái phép, lực lượng chức năng của xã Sông Hinh triển khai chốt chặn, chỉ trong một tối thu giữ gần 2 tạ ươi. Ông Ka Siu Hiệp, Phó công an xã Sông Hinh cho biết: Lực lượng 10 người với 3 tổ, 1 tổ đóng trên đường và 2 tổ đi rừng. Tuy nhiên khi thấy bóng dáng lực lượng chức năng thì người hái ươi bỏ chạy vào rừng sâu, nên rất khó bắt quả tang…
Chỉ tính riêng tại xã Sông Hinh, cây ươi mọc phân bổ đều trên khu rừng rộng bạt ngàn với 23.000ha trải dài từ khu rừng thuộc tỉnh đội quản lý, đến khu rừng thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Hinh, rừng tự nhiên do xã quản lý và rừng giao cho hộ gia đình quản lý.
Ông Lê Ngọc Hải, Chủ tịch UBND xã Sông Hinh cho biết: “Khu vực rừng tự nhiên của xã Sông Hinh giao cho hộ gia đình quản lý 2.400ha. Theo quy ước, ai vào rừng nhà mình nhận khoán thì người đó là kẻ trộm, thế nhưng không chỉ ngành chức năng mà người dân nhận quản lý rừng cũng vất vả ngăn chặn nạn đốn hạ cây ươi. Mùa ươi trải dài gần 2 tháng, người hái ươi rình mò, chủ rừng khó canh giữ”.
Những người dân địa phương cho biết, nếu cây ươi chỉ chặt cành nhánh hái trái thì khoảng tháng 9 năm sau lại ra trái, còn nếu chặt gốc, cây còn sống thì cũng phải 20-30 năm sau mới đủ sức ra trái. Nhiều khi cây ươi bị chặt không gượng nổi, chết luôn. Chính vì sự tàn phá của những người hái ươi hám lợi, không ít những cánh rừng ươi ở xã Sông Hinh, Ea Trol bị đốn hạ không thương tiếc…