ThienNhien.Net – Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) đang đầu tư hàng trăm triệu đô la vào các dự án khai thác mỏ lớn, bất chấp tác động tiêu cực về môi trường và xã hội của những dự án như vậy đã được ghi nhận trong lịch sử.
Tháng 5 vừa rồi, các công ty khai thác mỏ Rio Tinto và Chinalco đã ký một thỏa thuận hỗ trợ pháp lý và tài chính trị giá 20 tỉ USD với IFC cho dự án mỏ Simandou Guinea. Theo đó, IFC sẽ nắm giữ 5% cổ phần của mỏ Simandou, dự án vốn có tiềm năng trở thành một trong những mỏ quặng và dự án cơ sở hạ tầng lớn nhất của châu Phi.
Tuy nhiên, dự án này đang bị chỉ trích mạnh mẽ vì không có ý nghĩa giảm nghèo rõ rệt, trong khi đó lại tiềm tàng nguy cơ tham nhũng và lạm dụng nhân quyền, không có đánh giá tác động xã hội và môi trường cùng với những kế hoạch bồi thường thiệt hại rất đáng ngờ.
Hiện dự án đã bị trì hoãn bởi những cáo buộc tham nhũng.
Tại Mông Cổ, siêu dự án khai thác mỏ Oyu Tolgoi cũng đang gây nhiều tranh cãi. Tháng 4 vừa rồi, các nhóm dân sự xã hội tại Mông Cổ đã gửi thư đến Hội đồng quản trị của WB bày tỏ mối quan ngại về tình trạng khó khăn mà các cộng đồng chăn thả gia súc ở địa phương hiện đang gặp phải. Theo đó, dự án khai mỏ Oyu Tolgoi được cho rằng đã gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng, làm biến mất các đồng cỏ chăn thả gia súc và nguồn nước sạch của người dân, buộc họ phải từ bỏ sinh kế truyền thống.
Bức thư cũng kêu gọi WB đình hoãn việc dải ngân khoản vay 400 triệu USD cho đến khi các tác động và khía cạnh kỹ thuật của dự án được xem xét cẩn trọng.
Tại Armania, người dân làng Gndevaz và Jermuk, với sự hỗ trợ của 9 tổ chức phi chính phủ địa phương tháng 4/2014 cũng gửi đơn khiếu nại đến CAO, cơ quan chịu trách nhiệm giải trình của WB liên quan đến việc IFC đầu tư 1,2 triệu USD vào mỏ vàng Amulsar.
Mỏ này được khiếu nại rằng đã gây ô nhiễm nguồn nước và tác động tiêu cực đến các loài được liệt kê trong Sách Đỏ, vi phạm luật pháp quốc gia và các tiêu chuẩn hoạt động của IFC.