ThienNhien.Net – Trong 6 năm, một huyện có hơn 1000 người chết, một thị trấn có 115/562 người tử vong do bệnh ung thư (xấp xỉ 21%). Những con số thống kê giật mình trên thuộc huyện Kinh Môn (Hải Dương).
Trên địa bàn huyện hiện có hàng chục nhà máy sản xuất xi măng, hàng loạt cơ sở khai thác đá, kinh doanh than sử dụng phương thức lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường. Phải chăng đây chính là nguyên nhân dẫn đến sự “sống mòn” của người dân? Trong khi chờ đợi cơ quan chức năng lúng túng tìm câu trả lời, người dân đành phải loay hoay tự cứu mình.
Sáu năm, hơn 1000 người chết vì ung thư
Khoảng 10 giờ trưa, dù trời không nắng và đêm trước mới có trận mưa giông lớn nhưng cả thị trấn Minh Tân (huyện Kinh Môn) vẫn bao trùm không khí oi ngạt. Chị Đào Thị Huỳnh – chủ quán nước gần Trạm thu phí cầu Đá Vách (thị trấn Minh Tân) lấy vạt áo quệt mồ hôi trên trán, nói: “Vì mưu sinh nên chúng tôi mới phải ra đây ngồi hứng bụi. Mỗi ngày “cày” được vài chục nghìn tiền bán nước cho cánh công nhân nhưng chả biết đã mắc bệnh ung thư gì chưa vì không có tiền đi khám bệnh. Nhiều người ở đây khi thấy triệu chứng đi khám đều đã ở giai đoạn cuối, vô phương cứu chữa”.
Tiêu biểu như gia đình cụ Phùng Văn Qua (thôn Hạ Chiểu, thị trấn Minh Tân) trong vài năm mà có tới 5 người con lần lượt qua đời, trong đó 3 người con trai là Phùng Văn Thế (58 tuổi), Phùng Văn Quân (45 tuổi) và Phùng Văn Sơn (40 tuổi) đều chết do ung thư.
Theo số liệu thống kê của Trạm Y tế thị trấn Minh Tân, từ năm 2003 đến đầu năm 2014, thị trấn có 562 người tử vong thì có tới 115 trường hợp do ung thư, chiếm xấp xỉ 21%. “Tuy nhiên, đây chỉ là con số thống kê bề nổi. Chỉ những bệnh nhân đến trạm khám chữa, nhờ thay băng, tiêm thuốc giảm đau thì trạm mới nắm được, còn những người lên Hà Nội điều trị rồi chết ở đó hoặc về nhà chờ chết thì trạm y tế không nắm được. Ngoài ra, người dân nơi đây thường có tâm lý giấu bệnh do sợ bị kỳ thị. Do đó, số người tử vong vì ung thư thực tế sẽ cao hơn nhiều”, ông Trần Văn Thiệu – Trạm trưởng Trạm Y tế thị trấn Minh Tân cho biết.
Ngoài Minh Tân còn có thị trấn Phú Thứ, các xã Duy Tân, Hiệp Sơn, Thái Thịnh, Thất Hùng,… cũng chung cảnh ngộ. Một số xã còn “chết tên” là “làng ung thư”, “làng ma ám”,… bởi có quá nhiều người chết liên tiếp trong một thời gian ngắn.
Ai đầu độc môi trường?
Nói về nguyên nhân những cái chết do ung thư ở địa phương mình, ông Thiệu tâm sự: “Sau khi các cơ quan truyền thông phản ánh về tình trạng ung thư hoành hành ở Kinh Môn, phía Trung tâm Y tế huyện đã yêu cầu các trạm làm báo cáo thống kê về số người mắc, số người còn sống, số người đã tử vong do ung thư để gửi về Trung tâm. Tuy nhiên gần 2 năm qua, chúng tôi vẫn chưa nhận được bất kỳ thông tin phản hồi nào. Ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng nhưng có phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến vấn nạn ung thư hay không thì chúng tôi không có đủ cơ sở để khẳng định, nhưng chắc chắn là có liên quan”.
Tìm hiểu thêm được biết, 8/11 nhà máy sản xuất xi măng hiện đóng trên địa bàn huyện Kinh Môn vẫn sử dụng phương pháp sản xuất ướt và lò đứng lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường, chỉ có 3 cơ sở dùng phương pháp khô và lò quay giúp giảm thiểu ô nhiễm. Chưa kể đến hàng loạt cơ sở khai thác đá, kinh doanh than… Bên cạnh đó, trên địa bàn các xã ven sông Kinh Thầy chảy qua địa phận huyện Kinh Môn tồn tại tới 33 bãi tập kết, sàng tuyển than trái phép, cũng là nguồn phát thải nguy hại.
Tuy nhiên đến nay, ngoài các báo cáo định kỳ về môi trường của một số nhà máy xi măng, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng trên địa bàn không có cam kết bảo vệ môi trường, không có đánh giá tác động môi trường. Thậm chí, một số công ty từng bị người dân tố cáo gây ô nhiễm và bị UBND huyện đình chỉ hoạt động đến nay vẫn hoạt động… bình thường.
Người dân đóng cửa… cứu mình
Chị Nguyễn Thị Độ (quê ở Quảng Ninh) lấy chồng về Hiệp Sơn, huyện Kinh Môn, chồng chị là công nhân nhà máy xi măng ở Duy Tân qua đời vì ung thư phổi. Bản thân chị cũng bị ung thư gan. Sau khi chồng qua đời, buồn chán, chị đưa con về quê ngoại. Căn nhà nhỏ ở xã Hiệp Sơn đang rao bán gần 2 năm nay mà chưa có ai hỏi mua. “Nếu không bán được chắc cũng bỏ hoang thôi. Vì đất quê không có giá mà ô nhiễm, chết chóc nhiều như vậy… người ta đi chẳng được, ai dám mua làm gì” – chị Độ cho hay.
Không may mắn như chị Độ còn có người thân ở nơi khác mà đi, những người dân ở “làng ung thư” Duy Tân, Minh Tân, Hiệp Sơn,…vẫn đang từng ngày sống chung với khói bụi, nước thải và hy vọng căn bệnh ung thư quái ác không “hỏi thăm” gia đình mình.
Từ đầu năm 2013, một số xã, thị trấn của huyện đã được chính quyền hỗ trợ lắp đặt, sử dụng nước máy. Tuy nhiên, nguồn nước máy lại được “chiết xuất” từ nước sông Kinh Thầy – con sông “chết” do bị các cơ sở sản xuất quanh khu vực xả thải “đầu độc” từ nhiều năm nay. Những nhà có điều kiện đã tự cứu mình bằng cách hứng nước mưa, mua máy lọc về lọc lại rồi mới dám sinh hoạt, nấu nướng. Hết mùa mưa, hết nước mới bất đắc dĩ dùng nước máy, cũng vẫn phải lọc lại qua 2, 3 loại máy nữa mới đỡ sợ. Hộ nào không có tiền mua máy lọc đành ngậm ngùi dùng nước máy này.
Ngoài vấn đề về nguồn nước, trừ những hộ kinh doanh buộc phải mở cửa, nhiều gia đình chọn cách đóng cửa nhà cả ngày lẫn đêm và ra đường phải đội mũ, bịt khẩu trang, mặc quần áo dài để… tránh bụi.
Hàng ngàn người ở đây đã chết vì ung thư và hàng trăm người đang vật vã vì mắc bệnh, chưa kể đến số người có nguy cơ mắc mới, thậm chí mắc rồi nhưng chưa có điều kiện khám xét phát hiện bệnh… Trong lúc đó, các cơ quan chuyên môn vẫn loay hoay chưa nắm được nguyên nhân, hỗ trợ người dân phòng tránh, điều trị.
Ông Đoàn Văn Thủy – Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Kinh Môn cho biết: “Thực trạng ô nhiễm môi trường ở đây thì ai cũng rõ. Người chết vì ung thư cũng rất nhiều. Bản thân chúng tôi cũng có những dự án nghiên cứu nhằm nâng cao nhận thức phòng tránh, phát hiện và điều trị ung thư sớm… Tuy nhiên, để triển khai đề án, chúng tôi cần có nhân sự, kinh phí mà khả năng của Trung tâm thì không đủ”.
Số người chết vì ung thư tại các địa phương này vẫn tiếp tục tăng dần qua các năm trong sự hoang mang của người dân.
(Còn tiếp)