Lào đồng ý thực hiện tham vấn cho đập thủy điện Don Sahong

ThienNhien.Net – Trong cuộc họp lần thứ 20 cấp Hội đồng Ủy hội sông Mê Kông (MRC) ngày hôm qua tại Thái Lan, Chính phủ Lào đã tuyên bố sẽ thực hiện quy trình Thông báo, tham vấn và thỏa thuận trước (PNPCA) đối với dự án đập thủy điện Don Sahong.

Trước đó, tháng 9 năm ngoái Lào gửi thông báo đến MRC về kế hoạch xây dựng con đập Don Sahong tại khu vực gần biên giới với Campuchia với quan điểm cho rằng đập này chỉ là đập dòng nhánh và không cần phải thực hiện PNPCA.

Đến nay, dù không còn cho rằng Don Sahong chỉ là đập dòng nhánh nhưng Chính phủ Lào cũng không thừa nhận rằng Don Sahong là đập dòng chính. Tuy nhiên, để “giữ tinh thần hợp tác của Hiệp định Mê Kông và đáp ứng mối quan ngại của các nước láng giềng Lào sẽ chính thức tiến hành PNPCA”, Ông Viraphonh Viravong, Thứ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ của Lào, tuyên bố tại cuộc họp của MRC.

Khu vực dự kiến xây dựng đập Don Sahong (Ảnh: Phnompenh Post)
Khu vực dự kiến xây dựng đập Don Sahong (Ảnh: Phnompenh Post)

Nhận định về điều này, bà Ame Trandem, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á của Tổ chức Sông ngòi Quốc tế phát biểu: “Lào cuối cùng đã khẳng định trách nhiệm của mình đối với Hiệp định Mê Kông và luật pháp quốc tế thông qua quyết định thực hiện PNPCA. Tuy nhiên, chúng tôi lo ngại rằng dường như Lào vẫn giữ ý định xây dựng con đập theo kế hoạch thay vì sử dụng quy trình tham vấn như một cơ hội để các nước láng giềng đưa ra quan điểm về việc có hay không xây dựng đập.”

Quan ngại của bà Ame Trandem là có cơ sở, bởi vì ngay tại cuộc họp của MRC hôm qua, ông Viraphonh Viravong trong bài phát biểu của mình vẫn khẳng định Lào coi thủy điện là ưu tiên hàng đầu để phát triển kinh tế và: “Với sự ủng hộ và đóng góp mang tính xây dựng của các quốc gia láng giềng, Chính phủ Lào sẽ tiếp tục xây dựng dự án một cách có trách nhiệm và bền vững”.

Từ quan ngại đó, IR kêu gọi Chính phủ Lào dừng việc xây dựng tại khu vực Don Sahong và hợp tác một cách có thiện chí để có được những đánh giá thực chất về dự án theo quy trình PNPCA.

IR cũng kêu gọi MRC có các hoạt động cải cách cần thiết để có một quy trình PNPCN ý nghĩa. Bởi lẽ, quy trình này trước đó đã thất bại với dự án thủy điện Xayaburi khi con đập được xây dựng bất chấp sự phản đối từ Campuchia và Thái Lan.

Trong một diễn biến khác, tuần này Tòa án Tối cao Thái Lan đã thụ lý đơn kiện của người dân Thái Lan chống lại Công ty điện lực Thái Lan (EGAT) và các công ty khác trong hợp đồng mua 95% lượng điện từ đập Xayaburi.

Theo quy định trong Quy chế Thông báo, Tham vấn trước và Thỏa thuận (PNPCA) của Ủy hội Sông Mê Công, quy trình Thông báo là một trong ba điều kiện tiên quyết riêng biệt đối với việc phát triển các loại hình dự án sử dụng nước khác nhau ở Hạ lưu Sông Mê Công. Quy trình thông báo là yêu cầu bắt buộc đối với các dự án sử dụng nước quanh năm bên trong hạ lưu và với các dự án chuyển dòng giữa các lưu vực trên các phụ lưu của Sông Mê Công, cũng như đối với việc sử dụng nước vào mùa mưa trên dòng chính. Các thông tin từ quy trình này giúp các nước thành viên lên kế hoạch cho các dự án sử dụng nước khác.Hai quy trình khác là Tham vấn trước và Thỏa thuận. Quy trình Tham vấn trước áp dụng đối với các dự án đề xuất sử dụng nước trên dòng chính vào mùa khô, chuyển dòng nước từ dòng chính sang các lưu vực khác trong mùa mưa và chuyển dòng nước dư thừa sang các lưu vực khác vào mùa khô. Quy trình Thỏa thuận cụ thể là yêu cầu bắt buộc đối với các dự án chuyển dòng nước từ dòng chính sang các lưu vực khác vào mùa khô (Theo MRC).

 

Bạch Dương