ThienNhien.Net – Trường ĐH Cần Thơ và ĐH Wageningen (Hà Lan) đã kết hợp tổ chức hội thảo về “Giải pháp phát triển nông nghiệp và môi trường thích ứng với BĐKH ở ĐBSCL”.
GS Roel Bosma, ĐH Wageningen (Hà Lan) cho biết: DA đã xây dựng nhiều mô hình nghiên cứu ở tỉnh Sóc Trăng, tìm ra một số biện pháp, giải pháp trữ nước mưa vào mùa khô và bảo vệ hệ sinh thái vùng bờ biển. ĐBSCL có đặc điểm sinh thái đa dạng, vùng mặn có thể phát triển nuôi trồng thủy hải sản; vùng lợ có thể phát triển lúa – tôm.
Riêng vùng ngọt phần lớn diện tích đồng ruộng chỉ tăng thêm 10 cm nước mặt ruộng sẽ có lượng trữ nước rất lớn. Trong điều kiện thích ứng với BĐKH có thể giữ nước ngọt trong mùa lũ, điều tiết nước trong mùa khô…
TS Văn Phạm Đăng Trí, Khoa Môi trường – tài nguyên thiên nhiên (ĐH Cần Thơ) cho rằng: “Nguồn nước biến động do nhiều yếu tố. Sự thay đổi nước từ thượng nguồn sông do tan băng, phát triển đập thủy điện làm chuyển đổi dòng chảy, tác động lũ, khô hạn ảnh hưởng đến môi trường.
Bên cạnh đó tác động do đắp đê bao SX lúa 3 vụ ở khu vực thượng nguồn, xây dựng các khu công nghiệp dọc dòng sông, khai thác nước ngầm… đều ảnh hưởng đến lưu lượng, chất lượng nước mặt và điều kiện tự nhiên trong vùng”.
Ông Nguyễn Minh Thạnh, Phó GĐ Sở NN-PTNT Cần Thơ cho biết, lưu lượng nước trên sông Hậu đang giảm sút. Qua số liệu quan trắc của trạm đo thủy văn trên sông Hậu tại TP Cần Thơ trong 10 năm (2000 – 2010) cho thấy lưu lượng giảm từ 266 tỷ m3/năm còn 199 tỷ m3/năm, giảm 67 tỷ m3.
Theo các kết quả nghiên cứu, nếu nước biển dâng 30 cm sẽ giảm 50.000 ha lúa, giảm 120.000 tấn lúa. Nước biển dâng cùng với phát triển đập thủy điện sẽ có thể gây hạn cực đoan, SX lúa giảm 500.000 ha, tức giảm 1 triệu tấn lúa. Nuôi tôm nước lợ cũng bị giảm năng suất do nhạy cảm với môi trường…
Từ số liệu được các cơ quan chuyên ngành khí tượng, thủy văn cung cấp, Văn phòng công tác BĐKH TP Cần Thơ phân tích: “Lưu lượng nước có khuynh hướng giảm, trong khi đó thủy triều tăng, dẫn đến nguy cơ nước biển xâm nhập sâu vào đất liền, ảnh hưởng tới nguồn nước cung cấp cho các hoạt động SX và sinh hoạt. Việc xác định nguy cơ xâm nhập mặn và các giải pháp ứng phó cần được thực hiện ngay”.
Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL (Trường ĐH Cần Thơ), trong giai đoạn 2000-2011 SX lúa ở ĐBSCL đã có sự thay đổi, mức độ thâm canh lúa tăng mạnh, làm tăng nhu cầu sử dụng nước tưới ở vùng đầu nguồn sông Cửu Long.
Trong khi đó ở vùng ven biển phát triển nuôi tôm nước lợ dẫn tới hệ lụy cạnh tranh trong sử dụng nước, ô nhiễm môi trường và rủi ro kinh tế, giảm diện tích rừng ngập mặn. Vùng trồng màu thiếu nước tưới phải sử dụng nước ngầm…
Dự báo trong tương lai, tổng lượng mưa không thay đổi, lượng mưa trong mùa mưa có thể tăng nhưng mùa khô giảm; nhiệt độ mùa khô tăng, nước bốc hơi làm cho chuyển đổi SX ở vùng ngọt, lợ gặp khó.
Trước tác động BĐKH, các nhà khoa học đã đưa ra giải pháp thích ứng khả thi như trữ nước, tiết kiệm nước, phát triển ô thủy lợi và thay lúa 3 vụ = lúa 2 vụ + cá/trồng màu làm tăng hiệu quả sử dụng nước cho đất lúa trước nguy cơ khô hạn, xâm nhập mặn.
Vùng trồng màu phụ thuộc vào nước mưa, nước giếng, thiếu nước trong mùa khô sử dụng nước ngầm cần có giải pháp tăng trữ nước ao, tưới tiết kiệm hoặc đa dạng SX theo các mô hình trồng cỏ nuôi bò, gia cầm, trùn quế.
Vùng nước lợ có thể áp dụng giải pháp sử dụng ao lắng trong nuôi tôm, nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa và sử dụng bờ bao trồng hoa màu. Vùng rừng ngập mặn có thể SX tôm – rừng…