Công ty khai khoáng thiệt hại nặng nề vì xung đột với cộng đồng

ThienNhien.net – Xung đột với cộng đồng địa phương trong khai thác dầu mỏ và khí tự nhiên đang tiêu tốn của các công ty hàng tỷ USD mỗi năm. Theo một nghiên cứu về phí tổn do xung đột trong ngành công nghiệp khai thác thì chi phí phải bỏ ra vì các xung đột với cộng đồng của một tập đoàn được khảo sát lên đến 6 tỷ USD trong hai năm.

Nghiên cứu Conflict translates environmental and social risk into business costs” (Tạm dịch: Xung đột đã biến các rủi ro môi trường xã hội thành phí tổn của doanh nghiệp) được thực hiện với trên 45 lượt phỏng vấn sâu các quan chức cấp cao trong ngành khai thác khoáng sản và năng lượng trên toàn cầu. Theo nghiên cứu, vấn đề nước và môi trường hiện nay là nguyên do lớn nhất gây ra xung đột giữa cộng đồng với các công ty khai khoáng.

Phó giám đốc của Trung tâm Trách nhiệm xã hội Ngành Khai mỏ, đồng tác giả của báo cáo, ông Daniel Franks cho biết các cộng đồng bị ảnh hưởng không hề yếu thế và khi họ họ tập hợp lại để phản kháng có thể gây ra những thiệt hại kinh tế đáng kể cho các công ty khai thác. Ông cũng cho biết các xung đột có thể dẫn đến đổ máu và thậm chí là tử vong.

Dự án khai thác vàng Pascua Lama ở Chile đã tiêu tốn của công ty Barrick Gold – Canada 5,4 tỷ USD sau 10 năm dài phải đối phó với những cuộc biểu tình, phản đối của người dân. Công ty này đã không thể khai thác vàng và bị đình chỉ theo lệnh của tòa án.

Ở Peru, dự án khai thác mỏ đồng Conga trị giá 2 tỷ USD đã bị đình chỉ năm 2011 sau khi người dân biểu tình phản đối việc dự án phá hủy bốn hồ nước trên núi. Công ty khai mỏ Newmont Mining có trụ sở tại Hoa Kỳ đang khai thác mỏ Yanacocha gần đó đã phải xây dựng bốn hồ chứa nước thay thế cho các hồ bị phá hủy này.

 

Ảnh: Gonzalo Ortiz/IPS
Ảnh: Gonzalo Ortiz/IPS

Ông Frank cho biết, đến nay ít doanh nghiệp nhận thức được mức độ rủi ro mà mối quan hệ không được suôn sẻ với cộng đồng có thể mang lại. “Nếu các công ty muốn đảm bảo lợi nhuận, họ cần đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường và xã hội, cũng như hợp tác với cộng đồng. Đầu tư xây dựng các mối quan hệ với cộng đồng ít tốn kém hơn hẳn so với việc giải quyết xung đột. Người dân không phản đối các hoạt động phát triển, cái họ phản đối là không có cơ hội bày tỏ nguyện vọng và giám sát quá trình phát triển”

“Chúng tôi mong muốn sự phát triển có lợi cho người dân bản địa chứ không chỉ đem lợi ích cho những kẻ xa lạ nào đó” – ông Alberto Pizango, Chủ tịch Hiệp hội Interethnic vì sự phát triển Rừng mưa nhiệt đới Peru (AIDESEP) – tổ chức đại diện cho 1.350 cộng đồng khu vực rừng Amazon tại Peru bày tỏ.

Ông Pizango cho biết người dân đã cực lực phản đối việc chính phủ Peru chuyển nhượng cho các công ty nước ngoài mỏ dầu trên đất sở hữu hợp pháp của người bản địa. Sự phản kháng này sau đó đã biến thành bạo lực phía bắc Bagua năm 2009 khiến 24 cảnh sát và 10 dân thường thiệt mạng. Pizango và 52 người đứng đầu các cộng đồng thiểu số tại đây đã phải lãnh án vì tội xúi giục bạo động và 18 tội danh khác.

Nghiên cứu nói trên về chi phí giải quyết xung đột cho thấy bạo động tại Bagua là điều có thể tránh khỏi nếu các công ty và chính phủ thừa nhận quyền của người dân bản địa và hợp tác với cộng đồng địa phương.

Cải thiện mối quan hệ giữa cộng đồng với các công ty và chính phủ là điều khó khăn. Song mọi chuyện còn khó khăn hơn nếu một công ty phải hàn gắn lại mối quan hệ với cộng đồng địa phương sau khi đã xảy ra xung đột – Ông Rachel Davis, nghiên cứu sinh của Ban Sáng kiến Chia sẻ Trách nhiệm xã hội thuộc Đại học Harvard, bình luận.

Hiện nay nhiều tập đoàn khai thác lớn đã nhận thức được điều này và đang áp dụng Hướng dẫn của Liên hiệp Quốc về Các Nguyên tắc trong Thương mại và Quyền con người cũng như Chương trình khung của Hội đồng Quốc tế về Phát triển Bền vững Ngành khai mỏ và Kim loại. Tuy nhiên, riêng ngành dầu mỏ và khí đốt vẫn chưa quen với việc hợp tác và giải quyết các vấn đề của cộng đồng, ông Frank cho biết.

Bình luận về nghiên cứu, ông Jamie Kneen thuộc Tổ chức MiningWatch (Giám sát khai mỏ) của Canada cho biết, tuy là một nghiên cứu tốt nhưng báo cáo nghiên cứu chưa chỉ ra được các áp lực kinh tế và chính trị lớn hơn ẩn đằng sau khiến dự án phải đẩy nhanh tiến độ”. Theo ông, việc các nhà đầu tư muốn thu về nhiều lợi nhuận và chính phủ cũng muốn thu được lợi ích càng sớm càng tốt là nguyên nhân khiến các tập đoàn không sẵn lòng thỏa hiệp hoặc đầu tư thời gian tìm ra các phương án mà người dân địa phương có thể chấp nhận. Hơn nữa, kể cả khi các công ty có thể nhận thức được vấn đề thì họ vẫn đánh cược với vận may là xung đột sẽ không quá lớn và cố gắng che mắt nhà đầu tư. Ông cũng cho rằng không phải xung đột nào cũng có thể giải quyết vì một số cộng đồng không chấp nhận bất cứ rủi ro ô nhiễm nào với nguồn nước của họ.