ThienNhien.Net – Theo chủ trương của Nhà nước, khi thực hiện tái định cư cho người dân thì nơi ở mới phải đảm bảo tốt hơn hoặc chí ít là bằng nơi ở cũ, thể hiện cụ thể ở các tiêu chí: nhà ở, đường sá giao thông, chợ, trường học – trạm xá và đời sống, phục hồi sinh kế. Tuy nhiên, nhiều bản tái định cư thủy điện tại tỉnh Điện Biên và Lai Châu hiện đứng trước nguy cơ tái nghèo.
Tái định cư Mường Lay, “thay” không “đổi”
Tái định cư thủy điện Sơn La, thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên có 3.579 hộ dân bị ảnh hưởng và phải di chuyển lên vị trí mới từ năm 2006. Hiện nay đời sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Nhà cửa đẹp hơn, đường sá thông thoáng hơn nhưng ngặt nỗi các hộ lại nghèo hơn.
Ruộng ít, không đủ ăn
Ông Điêu Văn Vấn, Trưởng bản Na Phát, phường Na Lay, thị xã Mường Lay, cho biết: “Bản có 94 hộ, 398 khẩu tái định cư lên điểm mới từ năm 2009 nhưng hiện nay nhiều hộ ruộng ít nên không đủ ăn. Trước ở quanh lòng hồ, bản có 18 ha ruộng lúa nước trồng hai vụ, bà con không phải lo về lương thực”.
Người dân ở các bản tái định cư ở thị xã Mường Lay không khỏi lo lắng, vì cuộc sống gia đình ngày càng khó khăn hơn. Chị Lò Thị Quýt, ở bản Bó, phường Na Lay thấp thỏm nói: “Tất cả bản đều khó khăn giống nhau, tái định cư thì đường sá thuận lợi, nhà đẹp nhưng người dân chúng tôi không có ruộng, nương để sản xuất. Chính quyền không cho người dân đốt nương để trồng hoa màu, Nhà nước chỉ hỗ trợ đời sống hai năm, nên bà còn nghèo lại hoàn nghèo. Chúng tôi mong Nhà nước hỗ trợ, tạo việc làm cho dân”.
Gia đình chị Quýt có bốn khẩu, chồng lại bị tai biến nằm một chỗ, chính quyền chia cho 280 m2 chỉ đủ dựng nhà. Chỗ chăn nuôi không có nên gia đình rất khó khăn. Chị Quýt chỉ sang người ngồi bên cạnh nói, cô Lường Thị Minh này còn khổ hơn nữa. Chồng chết ba năm rồi, giờ chị phải phụ quán ăn, kiếm sống từng ngày để nuôi hai con nhỏ.
“Quyết định số 02/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư có nhiều điều khoản không phù hợp với thực tế từng địa phương. Thị xã Mường Lay và UBND tỉnh Điện Biên đã làm tờ trình xin Chính phủ cho chủ trương thực hiện đặc thù đối với địa phương. Tuy nhiên, Chính phủ vẫn chưa cho chủ trương nên tỉnh Điện Biên chưa thể thực hiện, đời sống người dân vẫn gặp không ít khó khăn”, ông Nguyễn Quốc Quân, Giám đốc Ban Quản lý Dự án di dân thủy điện Sơn La, thị xã Mường Lay cho biết. |
Trưởng bản Chi Luông 1, phường Na Lay, ông Mào Văn Đợi cho biết: “Tôi làm trưởng bản được 5 năm rồi, thấy đời sống bà con không có tương lai sau khi tái định cư thì tôi lo lắng. Tái định cư thì người dân phải có cuộc sống sung túc, khá giả hơn nhưng đằng này lại phải lo miếng cơm manh áo từng ngày. Chính quyền chia đất sản xuất cho mỗi hộ 100 – 200m2 nhưng không có nước tưới tiêu, đất đồi sỏi đá nên năng suất thấp, cộng với sâu bệnh và chuột ăn thì thu về bằng không. Đất xấu, dân có thể cải tạo được, nhưng thiếu nước thì không làm được gì cả”.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Quân, Giám đốc Ban Quản lý Dự án di dân thủy điện Sơn La, thị xã Mường Lay khẳng định: “Tái định cư Mường Lay có 5 khu, di chuyển từ năm 2006, chính sách đền bù và hỗ trợ của Nhà nước gần như hoàn thành. Mọi ý kiến phản ánh, kiến nghị về chủ trương, chính sách của Nhà nước, UBND thị xã Mường Lay đã trả lời người dân thông qua văn bản và đối thoại trực tiếp. Hiện nay, hầu như không có đơn thư kiến nghị của nhân dân nữa”.
Tuy nhiên, không có đơn thư, không có nghĩa là người dân hết thắc mắc. Như ông trưởng bản Chi Luông 1 lại nói “bà con kêu ca nhiều, phàn nàn mãi cũng chỉ thế thôi, có được xử lý đâu, kêu mãi cũng chán”.
Bất cập chuyển đổi nghề
Tái định cư ở Mường Lay không chỉ có bất cập về thiếu đất. Không đất sản xuất, bà con nông nhàn đến mức tụ tập nói chuyện trên trời dưới đất, tối buổi lại về. Tại đây, công tác chuyển đổi nghề không cho bà con không hiệu quả. Con em dân tộc học nghề, tốn bao nhiều tiền của, công sức nhưng ra trường không xin được việc.
Anh Điêu Văn Nghiệp, 31 tuổi, tổ trưởng tổ 7, phường Na Lay, thị xã Mường Lay, cho biết: “Tổ có 50 hộ, 200 khẩu tái định cư từ năm 2010 nhưng bà con không có ruộng sản xuất, nhiều gia đình không biết chuyển đổi nghề thế nào nên đi làm thuê như đi phụ xây dựng, đi bắt tôm cá ở sông, chợ búa lặt vặt ở chợ để mưu sinh từng ngày”.
Ông Mào Văn Đợi, Trưởng bản Chi Luông 1, phường Na Lay than vãn: “Nhân dân không có ruộng, khi chuyển đổi nghề thì Nhà nước dạy nghề xây dựng, điện dân dụng thì không phù hợp. Người nông dân bao đời làm nông nghiệp, bảo dân đi xây, làm điện thì sao mà làm được, vừa không hiệu quả lại tốn kém tiền của Nhà nước”.
Trao đổi về vấn đề dạy nghề không phù hợp cho người dân tái định cư, ông Nguyễn Quốc Quân, Giám đốc Ban Quản lý Dự án di dân thủy điện Sơn La, thị xã Mường Lay chỉ trả lời “không thuộc lĩnh vực và thẩm quyền nên xin phép không trả lời. Các anh muốn biết thì hỏi UBND thị xã”.
Theo ông Quân, chính sách của Nhà nước cũng có nhiều bất cập. Khoản 1, Điều 27, Quyết định số 02, tháng 1/2007 của Chính phủ quy định: Lao động nông nghiệp sau khi tái định cư, chuyển sang phi nông nghiệp mới được hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề. Người dân học nghề trồng trọt, chăn nuôi, làm nấm thì không được hỗ trợ kinh phí chuyển đổi nghề. Mặt khác, theo quy định một lao động nông nghiệp chuyển đổi sang phi nông nghiệp thì được cấp kinh phí 5 triệu đồng, mức hỗ trợ này là quá thấp, không đủ để người dân mua công cụ lao động thì làm sao thay đổi được”.
Ông Lù Văn Ủn, sinh năm 1963, dân tộc Thái, ở bản Chi Luông 1 rất lo lắng vì con gái và con trai học trường CĐ sư phạm tỉnh về nhưng chưa xin được việc. Ông Lù Văn Phong, sinh năm 1958, dân tộc Thái có con gái và con trai học trung cấp mầm non ra trường chưa có việc, chỉ lông bông quanh quẩn ở nhà. Em Mào Văn Xoan, dân tộc Thái, ở bản Chi Luông, 24 tuổi, bố mẹ chạy vạy lo việc cho con không được nên đành đi làm thuê xa nhà. Khi chúng tôi hỏi các cháu học sinh cấp hai, cấp ba ở thị xã Mường Lay về mong muốn nghề nghiệp trong tương lai thì nhận được câu trả lời “anh chị ra trường có xin được việc làm đâu, ngày một khó, liệu sau này em theo học để thoát nghèo thì liệu có còn việc nữa không?…”.
Kỳ 2: “Đổ nợ” vì tái định cư