ThienNhien.Net – Chính sách của các thể chế tài chính đang ủng hộ quyền lợi của doanh nghiệp chứ không phải quyền lợi của những người nông dân nghèo khi có các chính sách khuyến khích nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, tạo điều kiện lan rộng tình trạng chiếm dụng đất đai… Đó là bình luận của bà Lauren Carasik, Giáo sư Luật và giám đốc của Phòng nhân quyền Quốc tế thuộc Đại học Luật Western New England trong bài viết dưới đây.
Đến năm 2050 thế giới sẽ phải nuôi 9 triệu người. Điều này có nghĩa là để đáp ứng nhu cầu lương thực, năng suất nông nghiệp sẽ phải tăng 50% so với mức hiện nay. Việc đối mặt với thách thức này sẽ ngày càng khó khăn không chỉ vì nguồn cung thực phẩm đang bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu mà còn do hoạt động chiếm dụng đất nông nghiệp quy mô lớn.
Các ưu đãi cho sản xuất hàng hóa nông nghiệp xuất khẩu đã thu hẹp nguồn cung đất trồng trọt. Trong vòng 50 năm qua, đất trồng trọt đậu, dầu cọ châu Phi, cải dầu và mía đã tăng gấp bốn lần, chủ yếu là do nhu cầu chế biến công nghiệp.
Hoạt động chiếm dụng đất nông nghiệp quy mô lớn không chỉ là vấn đề xuất phát từ địa phương. Bởi lẽ, các thể chế tài chính quốc tế và các hiệp định thương mại tự do đã ưu đãi thuế và các khoản hỗ trợ khác cho các khoản đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào nông nghiệp, gây bất lợi cho người nông dân và người dân tộc bản địa vốn phải dựa vào đất đai để sinh tồn.
Trong khi đó, thiếu lương thực cũng là mối đe dọa an ninh toàn cầu. Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu của Liên hiệp quốc tháng 3 vừa rồi đã công bố một bản đánh giá gây chấn động. Theo đó, những biến động hệ sinh thái do con người gây ra đang làm gia tăng “nguy cơ các xung đột dưới dạng nội chiến và bạo lực”.
Tương tự như vậy, tháng 4 vừa rồi Chủ tịch Ngân hàng thế giới Jim Yong Kim cũng khẳng định “Các cuộc chiến giành nguồn nước và thực phẩm sẽ là tác động trực tiếp nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu trong 10 năm tới”.
Là một thể chế toàn cầu có sứ mệnh xóa đói giảm nghèo, WB lẽ ra nên áp dụng các chính sách bảo vệ quyền của người nghèo và các nhóm yếu thế. Tuy nhiên, ngân hàng này đã thất bại trong việc theo đuổi mục tiêu do ủng hộ nền nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa và “dung túng” cho hoạt động chiếm dụng đất đai vốn đã làm tổn hại thay vì thúc đẩy an ninh lương thực, đồng thời xâm phạm quyền về thực phẩm của người dân.
WB phát triển các chính sách tự do thương mại mới của họ thông qua dự án Doing Business, vốn có mục tiêu đánh giá “môi trường thuận tiện cho kinh doanh” ở các quốc gia trên thế giới. Cơ quan cho vay thương mại của WB là Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) đã điều phối dòng vốn nội địa và nước ngoài vào các quốc gia đang phát triển dựa trên tiêu chí xếp hạng này. Tuy nhiên ngân hàng đã sử dụng một phương pháp sai lầm và thiếu khoa học, tạo nên một cuộc đua xuống đáy. Ở đó, các quốc gia phải cạnh tranh để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, rốt cuộc là nhằm thúc đẩy lợi nhuận cho doanh nghiệp thay vì bảo vệ người nghèo và người yếu thế.
Hơn nữa, các yếu tố về quyền con người cũng hoàn toàn không có trong tiêu chí đánh giá về các quốc gia được đầu tư. WB khẳng định rằng họ đã rút kinh nghiệm từ những bài học trong các dự án đã gây ra những vụ lạm dụng quyền con người trước kia. Tuy nhiên, các hoạt động của ngân hàng này gần đây lại cho thấy điều ngược lại. Chẳng hạn, ở khu vực Bajo Aguan của Honduras, IFC đã tài trợ cho Tập đoàn Dinant, một trong những tập đoàn kinh doanh nông nghiệp lớn nhất của đất nước này, bất chấp những khiếu nại về chiếm dụng đất đai và những hoạt động đàn áp chống lại các nhà hoạt động vì quyền đất đai trong khu vực.
Không có chính sách bảo vệ phù hợp, các khoản hỗ trợ từ các thể chế tài chính có thể gây hại cho an ninh lương thực của địa phương. Một cuộc khảo sát của tổ chức Oxfam tháng 4 vừa rồi đã khẳng định, các khoản đầu tư nông nghiệp tư nhân có thể ảnh hưởng đến an ninh lương thực do các cộng đồng địa phương phải di dời, khả năng tiếp cận đất đai bị hạn chế và có thể bị phơi nhiễm với hóa chất nông nghiệp độc hại. Bên cạnh đó, các khoản đầu tư này còn có thể gây suy thoái môi trường và xâm phạm quyền sở hữu đất đai của người dân.
Đồng thời, các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng các nông trại do địa phương kiểm soát mang lại kết quả tốt hơn mô hình nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa ở rất nhiều tiêu chuẩn, bao gồm cả năng suất, quản lý môi trường và thúc đẩy liên kết xã hội.
Có thể thấy, đảm bảo an ninh lương thực cho người nghèo đòi hỏi các cách tiếp cận đa dạng và đa phương. Nông nghiệp công nghiệp hóa có thể là một công cụ trong cuộc chiến chống lại đói nghèo. Tuy nhiên các chính sách hiện thời cần phải được đánh giá cẩn trọng để tăng cường an ninh lương thực và quyền sở hữu đất đai cho người nghèo chứ không phải làm giàu cho các doanh nghiệp.
Theo đó, các thể chế liên quốc gia và chính quyền địa phương nên đầu tư vào các nông trại nhỏ bền vững và hỗ trợ các nhóm nông hộ và người bản địa chứng tỏ được khả năng quản lý đất đai của mình.
Với sứ mệnh xóa đói giảm nghèo của mình, WB phải từ bỏ các chính sách có thể làm trầm trọng tình trạng chiếm dụng đất đai, mất an ninh lương thực và xung đột, đồng thời phải đưa tiêu chuẩn quyền con người vào trong các hoạt động của mình.