ThienNhien.Net – Tình trạng khai thác trái phép đá vôi tại huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) đang diễn ra với quy mô ngày càng lớn, vừa ảnh hưởng đến môi trường, vừa gây tai nạn lao động cho con người. Trong khi những cơ sở này không phải thực hiện bất kỳ nghĩa vụ thuế nào đối với nhà nước, cũng như các biện pháp bảo vệ và phục hồi môi trường.
Công ty Xi măng Vicem Hải Phòng và Công ty CP Xi măng Bạch Đằng là hai trong rất nhiều DN đã làm đơn gửi cơ quan chức năng về việc tăng cường các giải pháp bảo vệ khoáng sản chưa khai thác của chính đơn vị họ. Giải pháp đặt ra cho các DN này là đóng cọc bê tông, rào dây thép gai xung quanh sát chân núi Ngà Voi, xã Minh Tân để quản lý và xin cấp phép khai thác mỏ đã được Sở Tài nguyên& Môi trường Hải Phòng chấp thuận. Thế nhưng những phức tạp về tình hình khai thác đá vôi trái phép vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Sau nhiều lần các DN gửi đơn kiến nghị, UBND TP. Hải Phòng đã tổ chức đoàn kiểm tra về công tác khai thác khoáng sản và chỉ đạo UBND huyện Thủy Nguyên là đơn vị giám sát ngăn chặn vấn nạn khai thác không đúng quy định trên địa bàn.
Đã đến lúc nguồn nguyên liệu từ các núi đá vôi ở địa bàn Thủy Nguyên cần được bảo vệ theo đúng quy định của Luật Khoáng sản. Chính quyền huyện Thủy Nguyên cần quan tâm và quản lý sát sao hơn nữa để tránh tình trạng chảy máu tài nguyên khoáng sản vào tay những kẻ chuyên khai thác trái phép, vừa để tránh thất thoát tài nguyên đất nước, vừa bảo vệ môi trường. |
Tại Văn bản số 125/TB – UBND ngày 15/5/2014, cũng chỉ rõ lỗi này do thực tế công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực khai thác khoáng sản tại huyện Thủy Nguyên còn nhiều yếu kém, xử lý vi phạm chưa cương quyết. Hiện tượng khai thác thổ phỉ còn diễn ra ở nhiều xã với quy mô lớn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, tai nạn lao động tại núi Ngà Voi; núi Thành Dền, núi Quỳ Khê, xã Liên Khê; núi Đồn, núi Thái Bảo xã Lại Xuân…
Ông Vũ Đình Sơn – Chủ tịch UBND xã Minh Tân – cho biết: Sau khi thực hiện Luật Khai thác khoáng sản từ năm 2006, tình trạng khai thác trái phép vẫn tái diễn. Mặc dù đã có thông báo dừng khai thác, có biên bản xử phạt hành chính (có thời điểm hoạt động này công khai tới 14 – 15 máng, 1 máng tương đương với 1 tổ sản xuất hoạt động suốt ngày đêm), nhưng thẩm quyền của xã chỉ được phạt tối đa không quá 2.000.000 đồng. Mức phạt này không thấm tháp gì so với việc từng đoàn xe đá vôi trái phép vận chuyển 24/24 giờ, chạy rầm rập suốt đêm ngày. Những đối tượng này sau khi khai thác xong đã vận chuyển và đem bán cho các lò nung vôi ở các tỉnh Thái Bình, Nam Định… Hơn nữa, lượng người ở xã còn quá mỏng, không có kinh phí hỗ trợ trong quá trình làm việc.
Để hạn chế việc khai thác trái phép, UBND TP. Hải Phòng đang chỉ đạo chính quyền địa phương triển khai nhiều giải pháp như: tuyên truyền, vận động, yêu cầu các đối tượng phải tháo dỡ, di chuyển thiết bị, đồng thời xử lý theo thẩm quyền các hành vi phá hoại; tập huấn, phổ biến nâng cao nhận thức cho cán bộ địa phương về chủ trương của Đảng và Chính phủ trong hoạt động khai thác khoáng sản và bảo vệ tài nguyên môi trường; tạm dừng đề xuất cấp phép thăm dò khai thác khoáng sản tại các vị trí mới khi chưa có quy hoạch điều chỉnh theo quy định của Luật Khoáng sản năm 2010. Giao UBND huyện Thủy Nguyên ngăn chặn các hoạt động vi phạm; tuyệt đối không mua các nguồn khoáng sản khai thác trái phép phục vụ sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp.