ThienNhien.Net – Chiều 23/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi).
Luật này được tập trung sửa đổi theo hướng làm rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường theo nguyên tắc Nhà nước quản lý thống nhất về bảo vệ môi trường; quyền và nghĩa vụ của các tổ chức chính trị, xã hội, các tổ chức phi chính phủ và cộng đồng về bảo vệ môi trường; xác định rõ hơn nguồn lực tài chính cho bảo vệ môi trường và nhiệm vụ được chi từ kinh phí sự nghiệp môi trường; bổ sung thêm nội dung mới về biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường; gắn kết bảo vệ tài nguyên và bảo vệ môi trường với biến đổi khí hậu; nhấn mạnh tăng trưởng xanh, khuyến khích phát triển công nghiệp và đô thị sinh thái; khuyến khích sản xuất và tiêu thụ thân thiện với môi trường.
Một trong nội dung đáng chú ý là luật quy định giao Thủ tướng quy định rõ danh mục phế liệu nhập khẩu, trong đó chỉ cho phép nhập để làm nguyên liệu sản xuất; không nhập để buôn bán trong nước. Để bảo vệ môi trường, phải có ký quỹ nhập khẩu phế liệu.
Luật cũng quy định cụ thể, chặt chẽ về nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ. Việc cho phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ sẽ góp phần giải quyết một phần vấn đề nguyên liệu cho sản xuất, nhất là thép phế liệu.
Trước đó, khi thảo luận về vấn đề này, một số đại biểu có cùng quan điểm cho rằng dự thảo luật nên bỏ quy định cho nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng, vì không thể biến Việt Nam thành bãi rác phế liệu. Tuy nhiên, nhiều ĐB cũng tán thành việc Chính phủ cho phép nhập khẩu một số loại tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ vì mục đích kinh tế và giải quyết việc làm. Vì vậy, không nên cấm tuyệt đối như Luật bảo vệ môi trường 2005, bởi Việt Nam vẫn cần nguyên liệu phục vụ cho sản xuất.
Tuy nhiên, ĐBQH đề nghị Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) cần phải có quy định nghiêm ngặt để bảo vệ môi trường cũng như những quy định cụ thể hơn nhằm kiểm soát hoạt động nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng.
Về ý kiến đề nghị quy định rõ mức độ ô nhiễm, suy thoái môi trường nghiêm trọng trong luật để có cơ sở làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, giải trình của Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội cho rằng, Luật không quy định cụ thể nhưng sẽ nêu trong Nghị định hướng dẫn triển khai luật.
Luật cũng quy định về quỹ bảo vệ môi trường. UBTV cho rằng, Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam đã được thành lập từ năm 2002. Luật bảo vệ hiện hành cũng có quy định về quỹ này, đã có 48 tỉnh thành được quỹ hỗ trợ để triển khai các dự án bảo vệ môi trường; nguồn chi từ quỹ không trùng với nội dung chi của ngân sách Nhà nước về bảo vệ môi trường vì thế luật sửa đổi vẫn giữ quỹ này.