ThienNhien.Net – Lần đầu tiên, Việt Nam đã có 2 đơn vị chính thức được cấp chứng chỉ toàn phần FSC/FM/CoC quốc tế về quản lý rừng tự nhiên bền vững.
Hai đơn vị này là Công ty Trách nhiệm Hữu hạn một thành viên (MTV) Lâm trường Dakto (Daktoplanco), Kon Tum, và Lâm trường Trường Sơn thuộc Công ty TNHHMTV Lâm Công Nghiệp Long Đại, Quảng Bình được nhận Chứng chỉ quản lý rừng tự nhiên bền vững toàn phần FSC/FM/CoC của Hội đồng Quản trị Rừng Quốc tế (FSC).
Từ năm 2007, hai đơn vị có vốn sở hữu Nhà nước này được Chương trình Lâm nghiệp Việt-Đức,do Cơ quan Hợp tác Phát triển Đức GIZ thực hiện dưới sự ủy nhiệm của Bộ Hợp tác và Phát triển Kinh tế Đức (BMZ), chọn làm thí điểm thực hiện quản lý rừng tự nhiên bền vững và cấp chứng chỉ rừng.
Quản lý rừng bền vững (QLRBV) theo tiêu chuẩn của Hội đồng Quản trị Rừng Quốc tế (FSC) đòi hỏi phải đáp ứng được tính bền vững về mặt kinh tế song song với khía cạnh bảo vệ môi trường và ích lợi xã hội. Chứng chỉ FSC được xem như một công cụ chứng nhận rừng được quản lý bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế và tiếp thị hỗ trợ ngành công nghiệp chế biến, thương mại gỗ thâm nhập vào các thị trường quốc tế và đạt được giá cả tối ưu. Chính vì thế mà Chiến lược Phát triển Lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006-2020 đề ra mục tiêu đến năm 2020, 30% diện tích rừng sản xuất đạt được Chứng chỉ rừng.
Việt Nam hiện có hơn 13 triệu ha rừng với độ che phủ khoảng 90%, trong đó có khoảng 10,4 triệu ha là diện tích rừng tự nhiên và gần 3 triệu ha là rừng trồng. Nếu chúng ta áp dụng những cách tiếp cận mới được thế giới công nhận là phương thức quản lý rừng bền vững và phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam, nguồn tài nguyên quý giá này sẽ mang lại giá trị gia tăng không chỉ cho nền kinh tế quốc gia mà còn đóng góp vào sự nghiệp bảo vệ môi trường và an sinh xã hội, đặc biệt trong bối cảnh thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính và góp phần thực hiện những sáng kiến lâm nghiệp quốc tế mà Việt Nam cam kết tham gia.
Gỗ có chứng chỉ sẽ đáp ứng được các yêu cầu về mặt pháp lý đối với các sản phẩm gỗ xuất khẩu sang Hoa Kỳ (theo Luật Lacey sửa đổi) và châu Âu (theo Chương trình hành động tăng cường thực thi Luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại Lâm sản – FLEGT và Quy định về gỗ của EU). Sự thay đổi về chính sách này sẽ tạo cơ hội cho việc mở rộng diện tích rừng có chứng chỉ. Tuy nhiên, Chính phủ cần có một chương trình vĩ mô, đồng bộ hơn nhằm giải quyết những khó khăn, tồn tại trong việc quản lý rừng bề vững.
Chuỗi hành trình sản phẩm (CoC): được dùng để theo dõi nguyên liệu được chứng nhận FSC thông qua quá trình sản xuất – từ rừng tới tay người tiêu thụ, bao gồm tất cả các giai đoạn liên tục của chế biến, biến đổi, sản xuất và phân phối. Chỉ có các doanh nghiệp được Chứng nhận Chuỗi hành trình sản phẩm FSC (CoC) mới được phép dán nhãn sản phẩm với thương hiệu FSC. Vì vậy, nhãn hiệu FSC đem lại sự kết nối giữa việc sản xuất có trách nhiệm và tiêu thụ và vì thế, nó tạo điều kiện cho người tiêu dùng đưa ra các quyết định mua sắm có trách nhiệm với môi trường và xã hội. Hệ thống CoC đã hoặc sẽ là yêu cầu bắt buộc đối với các sản phẩm gỗ xuất khẩu sang Châu Âu, Anh và các quốc gia khác. |