ThienNhien.Net – Tiềm năng tài nguyên biển của Việt Nam khá phong phú và có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. Chính vì vậy, việc đẩy mạnh phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ trong điều tra, nghiên cứu, khai thác tiềm năng biển là nhân tố quan trọng góp phần phát triển kinh tế, phòng tránh thiên tai, bảo vệ tài nguyên và môi trường, đảm bảo an ninh quốc phòng, chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển.
Khẳng định chủ quyền
Việt Nam có vị trí địa lý kinh tế – chính trị đặc biệt quan trọng ở Đông Nam Á với vùng biển trải dài và nguồn tài nguyên vô cùng phong phú. Nhiều chuyên gia nhận định, với những lợi thế và tiềm năng của biển, sự phát triển của nền kinh tế công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong tương lai gần của đất nước cần gắn liền với lợi thế và tiềm năng to lớn của biển.
Do đó, hoạt động khoa học công nghệ (KHCN) điều tra, nghiên cứu khoa học biển đóng vai trò to lớn, cung cấp các luận cứ khoa học về các điều kiện tự nhiên, tài nguyên biển, điều kiện môi trường biển… cho việc hoạch định chính sách, chiến lược và quy hoạch khai thác, sử dụng biển, đảo, góp phần tích cực phát triển kinh tế, phòng tránh thiên tai, bảo vệ tài nguyên môi trường, góp phần khẳng định chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển.
PGS.TS Trần Đức Thạnh, Viện Tài nguyên và Môi trường biển (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết: “Các kết quả nghiên cứu luôn được sử dụng làm cơ sở khoa học để đàm phán, đấu tranh phân định ranh giới trên biển và xác định chủ quyền lãnh hải, nhất là đối với vịnh Bắc Bộ, các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, vùng cửa sông Bắc Luân… Các tờ bản đồ địa hình trên vùng biển Trường Sa và Hoàng Sa được biên vẽ theo phân công của tổ chức IOC/WESTPAC (Phân ban Hải dương học liên Chính phủ khu vực Tây Thái Bình Dương) góp phần khẳng định chủ quyền và ở mức độ nhất định, đó là sự công nhận quốc tế đối với các vùng biển – đảo này của Việt Nam”.
Các tài liệu về hình thái địa hình, cấu trúc địa chất biển… là căn cứ khoa học quan trọng góp phần ranh giới ngoài thềm lục địa, giúp đàm phán xác định chủ quyền trên biển. Nhiều nghiên cứu đã hỗ trợ kỹ thuật, cải thiện môi trường sống của bộ đội, nhân dân trên các đảo.
Cùng đó, KHCN biển đóng góp không nhỏ cho sự phát triển kinh tế – dân sinh biển, vùng ven bờ biển và hải đảo Việt Nam. Ví dụ như ứng dụng KHCN, các đặc trưng kỹ thuật, quy phạm công trình thềm lục địa, độ an toàn và tuổi thọ công trình biển, khai thác và vận chuyển an toàn dầu thô; nâng cao hiệu quả đánh bắt xa bờ, cải tạo môi trường nuôi, nhân giống và phát triển các giống loài có giá trị cao. Đặc biệt, những nghiên cứu KHCN biển giúp bảo vệ tài nguyên môi trường biển và ngăn ngừa, phòng tránh thiên tai.
Cần chú trọng đầu tư
Không thể phủ nhận những thành quả KHCN biển đã đạt được, tuy nhiên thực tế, ngành KHCN biển đang gặp không ít khó khăn và hạn chế. TS Trần Đình Lân, Viện Tài nguyên và Môi trường biển đánh giá: “Hoạt động nghiên cứu KHCN biển còn thiếu tính chuyên nghiệp, nội dung nghiên cứu còn thiếu chiều sâu và dàn trải. Chất lượng các công trình nghiên cứu chưa đồng đều và hiệu quả ứng dụng chưa cao, không ít công trình bị lãng quên theo thời gian”.
Ngoài ra, do hạn chế lớn về phương tiện và thiết bị khảo sát, kinh phí đầu tư và trình độ, kinh nghiệm mà hiện nay, các công trình nghiên cứu cho các vùng biển sâu, xa còn rất hạn chế, phần nhiều dựa vào tài liệu khảo sát của nước ngoài… Những hạn chế này không chỉ ảnh hưởng đến khả năng phát triển kinh tế, bảo vệ tài nguyên, phòng chống thiên tai mà còn hạn chế về khả năng đảm bảo chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển.
Trong hội nhập quốc tế, xây dựng và phát triển KHCN về biển Việt Nam là điều cần thiết, là động lực phát triển kinh tế biển, góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng, chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển. Để đẩy mạnh KHCN biển, đáp ứng các yêu cầu trên, cần tổng hòa rất nhiều giải pháp. Tuy nhiên, theo PGS.TS Trần Đức Thạnh: “Đến nay vẫn chưa có một chiến lược về KHCN biển nên các nhiệm vụ đặt ra chưa được định hướng rõ ràng và thiếu tính hệ thống, dễ trùng lắp; nhiều vấn đề mới và cấp thiết nhưng triển khai chậm so với yêu cầu của thực tiễn và chưa đủ năng lực để ứng phó với những tình huống bất thường hay đột xuất.
Do đó, rất cần thiết xây dựng, định hướng chiến lược KHCN biển quy mô, tạo bước phát triển cho KHCN biển tiếp cận công nghệ cao. Cùng đó là các chính sách ưu tiên về KHCN biển như chính sách sử dụng nhân lực, chính sách và cơ chế xã hội hóa nguồn tài chính; đổi mới cơ chế quản lý và hoạt động KHCN biển, trọng tâm đánh giá kết quả nghiên cứu thông qua các sản phẩm đạt được”.
Đồng thời, cấp thiết tăng cường đầu tư phương tiện, thiết bị hiện đại cho khảo sát, giám sát và nghiên cứu như thủy phi cơ, tàu lặn, công nghệ định vị; kỹ thuật tự động hóa và tin học hóa, viễn thám, hệ thông tin địa lý, kỹ thuật khảo sát ngầm…
TS.Trần Đình Lân khẳng định: “Việt Nam cần đẩy mạnh điều tra nghiên cứu và ứng dụng theo các hướng trọng điểm và ưu tiên. Thanh tra sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường biển. Gắn kết nghiên cứu KHCN biển phục vụ kinh tế – dân sinh với bảo đảm an ninh quốc phòng và chủ quyền quốc gia trên các vùng biển đảo; tận dụng và kết hợp phương tiện hải quân để nghiên cứu biển”.
Đồng quan điểm, TS.Vũ Thanh Ca, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý biển và hải đảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nhấn mạnh: “Việc tăng cường hợp tác quốc tế sẽ là cơ hội để chúng ta học hỏi, áp dụng những tiến bộ khoa học, công nghệ, những kiến thức, kinh nghiệm về điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học và quản lý biển tiên tiến trên thế giới vào điều kiện Việt Nam. Các kết quả nghiên cứu mà chúng ta khi công bố rộng rãi, tham gia cùng các tổ chức quốc tế và khu vực cũng là những bằng chứng quan trọng giúp khẳng định với bạn bè quốc tế về các vùng biển của Việt Nam”.