ThienNhien.Net – Báo Công an TP Đà Nẵng gần đây có bài cảnh báo về tình trạng tàn phá cây ươi để lấy hạt ở các huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam, thế nhưng ở một số nơi, chính quyền địa phương vẫn chưa có những động thái cần thiết, quyết liệt hơn để ngăn chặn tình trạng này. Hàng ngàn người dân trong và ngoài tỉnh vẫn đua nhau vào rừng để tàn phá ươi, và đã có hai người tử nạn…
Rừng ươi tứa máu
Dọc đường từ trụ sở UBND xã Tiên Lãnh (H. Tiên Phước, Quảng Nam) vào khu vực Suối Bùn, đội quân chở hạt ươi bằng xe máy hối hả ra vào rừng. Khu rừng nguyên sinh nằm trên lòng hồ thủy điện sông Tranh đã mở chi chít các lối mòn. Có mặt tại tiểu khu 556, 557 thuộc khu vực Suối Bùn, chúng tôi chứng kiến hàng trăm cây ươi đổ ngã ngổn ngang, hầu hết là ươi có chiều cao hơn 20m, đường kính tối thiểu 30cm. Anh Ngọc, một người dân địa phương cho biết, trước đây ít người vào rừng khai thác ươi do giá rẻ và chỉ đi nhặt trái ươi rụng, nhưng năm nay giá ươi cao ngất ngưởng, khiến nhiều người chuyển sang hình thức chặt phá cây lấy trái. Theo quan sát của chúng tôi, khu vực rừng đầu nguồn Tiên Lãnh giáp ranh với xã Trà Đốc (H. Bắc Trà My) và xã Phước Gia (Hiệp Đức), gần một tháng nay luôn là “điểm nóng” phá rừng ươi. Một cây ươi ngã xuống đã kéo theo hàng loạt cây rừng khác bị đốn hạ.
Thấy tôi thắc mắc hỏi không sợ cán bộ kiểm lâm bắt bớ hay sao, nhiều người cưa cây ươi vẫn bình thản trả lời rằng, nếu bắt thì bắt cả thôn, cả nghìn người. Vả lại, nếu có bị bắt tận tay, các đối tượng sẵn sàng bỏ ươi chạy khỏi hiện trường. Trước “cơn lốc” hủy diệt rừng ươi, chính quyền xã Tiên Lãnh đã thành lập 2 tổ truy quét tại tiểu khu 556, 557. Tại hiện trường, lực lượng chức năng đã thu giữ một cưa lốc, gần 100kg ươi và tiến hành lập biên bản bà Trần Thị Luận (thôn 8, xã Tiên Lãnh) đã tiêu thụ ươi không rõ nguồn gốc.
Tuy nhiên, như ông Võ Hồng Nhiệm, Chủ tịch UBND xã Tiên Lãnh thừa nhận, tình trạng phá rừng lấy ươi rất phức tạp tại vùng giáp ranh. Dù đã cử 14 cán bộ thường xuyên “canh gác rừng”, nhưng vẫn chưa ngăn chặn triệt để đối tượng vào rừng tàn sát cây ươi. “Cái khó là khi đoàn truy quét tiếp cận hiện trường, thì người dân đã chuyển qua địa bàn xã Trà Đốc, hoặc Phước Gia hoạt động, ẩn náu. Tại địa bàn, mỗi ngày có hơn 100 người dân khai thác ươi non, ươi chín. Vì cái lợi trước mắt, người dân đã bất chấp phá rừng. Văn bản hướng dẫn của tỉnh cũng chưa thực sự cụ thể, khó xác định được nguồn gốc trái ươi nào được và không được phép khai thác. Ngoài phá cây ươi, một số người còn lợi dụng đốn ngã cây rừng khác”, ông Nhiệm nói.
Máu người đã đổ
Tại hai huyện Phước Sơn và Nam Giang, tình hình khai thác ươi theo kiểu tận diệt cũng ở mức báo động. Với giá hạt ươi tươi từ 40 đến 50.000 đồng/kg, giá hạt ươi bay là 250 nghìn đồng/kg, các loại xe khách từ Đồng Nai, Phú Yên và các tỉnh lân cận liên tục đưa người về đây khai thác ươi. Trên tuyến đường Hồ Chí Minh qua địa phận 2 xã Phước Xuân, Phước Hòa (H. Phước Sơn) ngay từ sáng sớm, cùng với hàng trăm người dân địa phương còn có hàng nghìn người đến từ các huyện đồng bằng trong và ngoài tỉnh hối hả chia thành từng tốp mang theo cưa máy đổ bộ vào các khu rừng để tìm hạt ươi. Để vào rừng, họ gửi xe cho các hộ dân ven đường với giá 20.000 đồng/chiếc.
Chính vì kiểu khai thác bằng cách cưa cho cây ngã nên thời gian gần đây đã có hai người bị cây đè chết. Cụ thể, lúc 7 giờ ngày 16-6, trong lúc chặt hạ cây ươi tại khe Là Mây (thôn 4, xã Phước Hiệp, H. Phước Sơn), ông Nguyễn Tấn Lực (1963, trú xã Hòa Mỹ Đông, H. Tây Hòa, Phú Yên) bất ngờ bị cây ngã đè dẫn đến tử vong. Trước đó trưa ngày 11-6, tại cánh rừng thuộc xã Cà Dy (H. Nam Giang), khi đang hạ cây ươi lấy hạt trong rừng sâu, ông Kring B. (32 tuổi, trú tại thôn Pà Ròng, xã Cà Dy) cũng bị cây ươi đổ xuống đột ngột và đè lên người khiến ông tử vong trên đường đưa về nhà. Còn tại H. Bắc Trà My, tối ngày 12-6, do tranh giành địa bàn hái quả ươi làm một người bị đâm thủng ruột. Nạn nhân là Trần Xuân Hiệp (30 tuổi, trú tại TT Trà My) bị Trần Văn Hướng (người dân tộc Ca Dong, trú xã Trà Giác, H. Bắc Trà My) dùng hung khí đâm bị thương. Nguyên nhân, do anh Hiệp lên khu này làm ươi và xảy ra mâu thuẫn dẫn đến ẩu đả.
Trước tình hình phức tạp trên, ngày 16-6, UBND H. Phước Sơn đã tổ chức một cuộc họp nhanh với các ngành chức năng ngay tại trạm kiểm lâm trên đường Hồ Chí Minh nhằm chấn chỉnh tình trạng trên. Ngay sau cuộc họp, đoàn công tác của huyện và các xã tiến hành kiểm tra xử lý các đối tượng mua bán ươi trái phép; thu giữ nhiều cưa máy, cưa tay và hàng trăm ký ươi xanh bị chặt hạ; phá hủy các lán trại đồng thời tuyên truyền vận động các hộ dân dọc 2 bên đường không giữ xe cho những người vào rừng chặt hạ cây ươi. Hiện tại, ngoài 2 tổ công tác liên ngành của huyện thường xuyên tuần tra kiểm soát thì các xã cũng đã thành lập nhiều tổ chốt chặn tại các điểm nóng để ngăn chặn và xử lý các đối tượng vi phạm.
Rời những “điểm nóng” trên, chúng tôi men theo đường mòn Hồ Chí Minh để về xuôi, dọc bên đường, thay vì màu vàng đỏ của những tán ươi trĩu quả lúc đầu mùa, giờ chỉ còn những gốc ươi trơ trọi. Nhìn một cây ươi to vừa bị đốn đổ gục, nhựa tứa ra đỏ quạch như máu, anh bạn đồng nghiệp tôi tiếc nuối: “Cây đó cũng phải 70-80 tuổi là ít. Dân mình cứ khai thác kiểu này thì đời sau con cháu chẳng biết quả ươi là gì”.