ThienNhien.Net – Chỉ riêng 3 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk đã có trên 10 nhà máy chế biến tinh bột sắn, chưa kể các nhà máy chế biến cồn trên địa bàn. Nhà máy đua nhau mọc lên, theo đó, diện tích sắn ở Tây Nguyên bùng phát dữ dội.
Tây Nguyên có mấy nhà máy sắn?
Tại tỉnh Đăk Lăk, trên giấy tờ có 4 nhà máy chế biến tinh bột sắn (từ đây gọi là nhà máy sắn) đang hoạt động hợp pháp, gồm: Nhà máy sắn Thành Vũ, Nhà máy sắn Buôn Ja Wân và 2 nhà máy của Cty Lương thực – Vật tư nông nghiệp Đăk Lăk. 4 nhà máy này có tổng công suất 80.000 tấn tinh bột sắn/năm (tương đương 300.000 tấn củ tươi/năm).
Ngoài ra trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk, thêm 1 nhà máy sắn nhưng kỳ lạ ở chỗ NM chưa được cấp phép nhưng đã đi vào hoạt động khoảng 3 tháng trở lại đây. Đó là Nhà máy Chế biến tinh bột sắn Cư Pui đặt tại huyện Krông Bông, công suất 100 tấn bột/ngày (tương đương 350 tấn củ tươi/ngày).
Gia Lai hiện có 4 nhà máy sắn với tổng công suất 1.640 tấn củ/năm. 4 nhà máy sắn này, có khi chỉ tiêu thụ được khoảng 40% sản lượng sắn trên toàn tỉnh, số còn lại trôi nổi tự do trên thị trường. Tỉnh Kon Tum có tổng cộng 5 nhà máy sắn, hoạt động cũng trong tình trạng trên.
Tại Đăk Lăk, hiện có 1 nhà máy cồn đang hoạt động, được biết tỉnh này đang phê duyệt để thành lập thêm 1 nhà máy cồn nữa. Công suất của 2 nhà máy cồn này, mỗi ngày “ngốn” khoảng 1.000 tấn sắn tươi. Chưa hết, nghe đâu vẫn còn nhiều dự án nữa, nhằm thành lập mới nhiều nhà máy chế biến tinh bột sắn trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên.
Thiếu nguyên liệu nghiêm trọng
Quay lại tỉnh Đăk Lăk, không kể nhà máy sắn “chui” mang tên Cư Pui công suất 350 tấn củ tươi/ngày (tất nhiên chỉ hoạt động không quá 6 tháng/năm), không kể 2 nhà máy cồn công suất khoảng 1.000 tấn củ tươi/ngày, cũng chưa tính đến lượng sắn tiêu thụ trôi nổi tự do, chỉ tính riêng 4 nhà máy sắn đang hoạt động hợp pháp thì mỗi năm đã tiêu thụ hết khoảng 300.000 tấn củ tươi.
Sắn là loại cây “phá” đất rất mạnh, nhanh làm đất bạc màu, cằn cỗi. Theo TS Trương Hồng – Phó Viện trưởng Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên thì quy hoạch vùng đất và diện tích trồng sắn thiếu khoa học là một cách “bóc lột” đất. Chỉ sau hai mùa trồng sắn, đất nơi đó sẽ bạc màu; với vùng đất đồi có độ dốc sẽ nhanh chóng bị rửa trôi… Sau, muốn trồng lại cây gì cũng khó.
Ngoài ra nhu cầu xuất khẩu sắn lát của tỉnh này khoảng 400.000 tấn củ tươi mỗi năm. Trong khi sản lượng sắn hàng năm của tỉnh Đăk Lăk là khoảng 650.000 tấn.
Như vậy, sắn nguyên liệu ở Đăk Lăk nói riêng, ở Tây Nguyên nói chung đang thiếu nghiêm trọng. Cũng như cây mía từ trước đến nay: Đã thiếu nguyên liệu thì các nhà máy – bằng mọi cách phải tăng cường tiếp thị, tăng cường cạnh tranh để có nguyên liệu phục vụ nhà máy hoạt động.
Đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc bùng nổ diện tích sắn ở Tây Nguyên trong những năm gần đây – bùng nổ đến mức địa phương và ngành không thể kiểm soát nổi (ngay cả số nhà máy sắn hiện có trên địa bàn còn không thể kiểm soát, nói gì đến việc kiểm soát diện tích sắn nông dân lén lút trồng trong rừng).
Như đã nêu ở những bài trước, việc mất kiểm soát trong việc bùng nổ diện tích sắn ở các tỉnh Tây Nguyên dẫn đến nhiều hệ lụy nan giải như: Phá vỡ quy hoạch chung của ngành nông lâm nghiệp ở địa phương; ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài nguyên rừng…
Chưa hết, thị trường tiêu thụ cũng ảnh hưởng không nhỏ. Hiện tại có khoảng 90% sản phẩm tinh bột sắn của nước ta tiêu thụ ở thị trường Trung Quốc. Thời điểm này năm 2013, các doanh nghiệp xuất khẩu tinh bột sắn sang Trung Quốc được giá 2.900 nhân dân tệ/tấn, hiện tại chỉ còn 2.600 nhân dân tệ/tấn, và theo nhiều thương gia sành sỏi ở lĩnh vực này thì, giá xuất khẩu tinh bột sắn sang Trung Quốc sắp tới còn tiếp tục hạ thấp nữa.