ThienNhien.Net – 3 năm trước đây, thật khó tưởng tượng được câu chuyện Nặm Đăm – một bản nhỏ của người Dao ở xã rẻo cao Quản Bạ (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) lại có thể trở thành nơi thu hút khách du lịch như bây giờ. Kể từ khi người Nặm Đăm bắt tay vào làm “công nghiệp không khói”, các cơ sở kinh doanh lữ hành dưới xuôi thường xuyên đến khảo sát rồi thực hiện kế hoạch khai thác tiềm năng và đồng bào Dao bản địa cũng bận rộn phục vụ khách đến homestay bằng những câu chuyện kể về văn hóa của người dân vùng núi đá tai mèo…
Hình ảnh hoàn toàn mới…
Như một “sự lạ”, chỉ sau 3 năm kể từ khi được tỉnh Hà Giang lựa chọn làm điểm trong xây dựng Làng văn hóa du lịch cộng đồng bởi lợi thế về cảnh quan thiên nhiên cùng ý thức giữ gìn những nét văn hóa truyền thống của người Dao, bản Nặm Đăm heo hút giữa trập trùng núi đá đã “lột xác” để trở thành một trung tâm du lịch homestay (tiếng Anh: Dịch vụ du lịch lưu trú tại nhà dân – PV) nức tiếng gần xa.
Bên trong những ngôi nhà đơn sơ truyền thống của người Dao, giờ đã xuất hiện các dịch vụ homestay, sản phẩm du lịch và cả những “di sản” văn hóa độc đáo ngay trong lòng cộng đồng. Bắt đầu từ những mái nhà lợp ngói âm dương đượm màu thời gian ẩn mình dưới chân núi, những bức tường bằng đất sét cũ kỹ ánh lên vàng óng trong nắng mai hay chiều muộn, khách du lịch sẽ ngạc nhiên, bị cuốn hút theo những nét đặc trưng của cuộc sống cư dân vùng cao nguyên đá.
Thú vị hơn, trong chuyến du lịch – khám phá của mình, du khách sẽ được hòa mình vào không gian sinh hoạt hằng ngày của người dân, trực tiếp trải nghiệm cuộc sống trong những ngôi nhà truyền thống, khám phá phong tục và những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào. Đặc biệt, du khách được thưởng thức nghệ thuật ẩm thực phong phú, mới lạ với rất nhiều đặc sản…
Không manh mún, nhỏ lẻ và tạm bợ như những ngày đầu bỡ ngỡ bắt tay vào làm “công nghiệp không khói”, mô hình làng du lịch cộng đồng được đầu tư khá chuyên nghiệp đã tạo nên một diện mạo mới cho bản Nặm Đăm, đồng thời, mở ra một hướng đi mới cho 51 hộ dân nơi đây trong việc tận dụng tiềm năng dồi dào chưa được đánh thức.
Những sản phẩm du lịch độc đáo như homestay, khám phá văn hóa địa phương, trực tiếp tham gia cùng người dân sản xuất nông nghiệp, nấu ăn, tham dự lễ cấp sắc của người Dao… đã phác họa nên “làng du lịch”, một hình ảnh hoàn toàn mới của bản làng vùng cao nguyên đá.
Ông Lý Đại Duyên, Bí thư chi bộ, Trưởng ban quản lý du lịch bản Nặm Đăm bày tỏ sự vui mừng: “Kể từ khi được trên chọn bản Nặm Đăm làm điểm để xây dựng mô hình du lịch cộng đồng, những nét văn hóa truyền thống của người Dao mình không chỉ được bảo tồn, giới thiệu đến du khách, mà còn trở thành hướng đi giúp dân bản thoát nghèo trên chính bản làng…”.
Và ước mơ hội nhập
“Từ ngày làm du lịch ngay tại nhà, dân bản Nặm Đăm được học hỏi nhiều về giao tiếp, cũng như cách giữ gìn, bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc mình” – Ông Lý Quốc Thắng chủ một hộ trong tổng số 20 hộ dân ở Nặm Đăm tham gia làm dịch vụ homestay nói – “Giới thiệu bản làng mình, văn hóa dân tộc mình, núi rừng của mình cho du khách, bà con trong bản tự hào lắm”.
Với ông Thắng, ngoài “nhiệm vụ” chính là chỉ đạo vợ và các con tiếp đón, phục vụ khách du lịch ăn uống, nghỉ ngơi, hướng dẫn họ tham quan bản làng, tham gia vào những hoạt động sản xuất truyền thống và bán cho họ những sản phẩm thủ công mỹ nghệ do chính gia đình mình làm ra, ông còn có trách nhiệm cùng với các bậc cao niên trong bản tổ chức lễ cấp sắc, lễ cúng cơm mới, cầu mùa để du khách chiêm ngưỡng và khám phá.
Cũng như ông Lý Quốc Thắng, người hàng xóm của ông là chị Lý A Dền bây giờ không chỉ biết tần tảo ruộng nương, mà còn tích cực tham gia các lớp tập huấn du lịch cộng đồng, đã rành rọt cách làm “công nghiệp không khói”. “Mình phải học để biết làm ra những sản phẩm dệt thổ cẩm đặc trưng của dân tộc Dao, biết tổ chức các buổi hát đối, hát giao duyên, hát đám cưới… phục vụ du khách. Đối với người Dao mình, người ở xa đến có ưng cái bụng thì mới cảm thấy yên lòng. Từ đầu năm đến nay, gia đình mình đã đón được hơn 50 lượt khách quốc tế…” – Chị Dền khoe.
Ở một góc nhìn khác, anh Nguyễn Tuấn Tú, nhân viên Tập đoàn Bảo Việt, nhà ở Hà Nội, hiện đang cùng gia đình thực hiện chuyến du lịch trải nghiệm ở Nặm Đăm cho rằng, sự có mặt của khách du lịch trong nước cũng như quốc tế tại các bản làng dân tộc thiểu số “nguyên bản” như Nặm Đăm một mặt, tạo ra sự thay đổi nhanh chóng và sâu sắc trong suy nghĩ của người dân địa phương về việc bảo vệ những tập quán sinh hoạt truyền thống tốt đẹp, bởi cái vốn quý giá này có thể sinh ra lợi nhuận cho chính họ.
Mặt khác, sẽ truyền cảm hứng cho du khách về những việc làm ý nghĩa mà họ đã đóng góp cho cộng đồng. “Với các thành viên của gia đình tôi, nhất là hai đứa con còn đang trong độ tuổi học sinh, thời gian trải nghiệm ở đây sẽ là những kỷ niệm khó phai. Đơn giản vì chúng đã được hòa mình vào một không gian sống hoàn toàn mới lạ với những nét sinh hoạt đậm chất vùng cao…” – Anh Tú chia sẻ.
Còn ông Bill Morgan, giảng viên trường Đại học Tổng hợp Sydney, thành viên trong đoàn khách du lịch đến từ nước Úc phát biểu cảm tưởng: “Tôi rất thích ở trong những ngôi nhà của dân bản địa bởi sự thân thiện mến khách và được sống gần gũi với môi trường thiên nhiên. Và điều thú vị hơn là được thưởng thức những món ăn độc đáo của người dân ở đây. Tôi tin rằng, du lịch cộng đồng vùng dân tộc thiểu số sẽ là một cách tiếp cận hiệu quả trong việc giáo dục truyền thông đối với các lĩnh vực bảo vệ văn hóa truyền thống, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế cho cư dân địa phương…”.
Quả như những gì các du khách tiên lượng, kể từ khi bắt tay vào làm du lịch cộng đồng, người dân Nặm Đăm không chỉ biết cách làm giàu từ chính mảnh đất của mình, mà du lịch còn làm họ thay đổi nhận thức, không còn tình trạng ăn xổi, ở thì, “biết bữa nay mà không lo bữa mai” – Theo cách nói của Trưởng ban quản lý du lịch bản Nặm Đăm – ông Lý Đại Duyên.
Ông Duyên khẳng định, bây giờ, những người cao tuổi như ông không còn phải lo bọn trẻ trong bản “ngại” mặc những bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình, hay cố tình “quên” những điệu dân ca mượt mà đằm thắm đầy bản sắc.
“Bọn con gái trong bản đã chăm dệt những chiếc khăn, chiếc áo thổ cẩm, không chỉ để mặc, mà còn để bán cho du khách. Còn bọn con trai thì chú tâm chế tác cung, nỏ, khèn, mõ trâu… làm quà lưu niệm, bán lấy tiền tích lũy cho gia đình. Vậy là ước mơ hội nhập của người Dao bản Nặm Đăm đang trở thành hiện thực…” – Ông Duyên bảo thế.