ThienNhien.Net – Thực hiện chỉ đạo của Giám đốc Công an TP Hà Nội, Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (PC49) – Công an TP Hà Nội đã ra quân quyết liệt, ngăn chặn hiệu quả các hoạt động khai thác cát lậu. Tính từ giữa tháng 5 đến nay, Ðội 3 (PC49) đã bắt, xử lý 10 tàu, cùng chủ tàu và hàng chục đối tượng khai thác cát trái phép.
Ðại tá Doãn Hữu Châu, Trưởng phòng PC 49 cho biết: Từ trung tuần tháng 5 đến nay, PC49 đã phối hợp Văn phòng Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt bão TP Hà Nội và công an một số địa bàn bắt quả tang 10 tàu hút trộm cát trên trục sông Hồng.
Qua tìm hiểu thực tế, khi lực lượng chức năng đưa vào “tầm ngắm”, các đối tượng hút trộm cát liên tục thay đổi phương thức hoạt động, từ thời gian, địa điểm đến phương tiện khai thác cát trái phép. Thượng tá Phùng Quang Hiển, Phó Trưởng phòng PC49 chia sẻ: Khu vực sông Hồng tại địa bàn huyện Phúc Thọ, Ðan Phượng, Mê Linh có bãi bồi rộng khoảng 500 m tính từ chân đê đến mép sông Hồng. Lòng sông khu vực trên rộng và nước chảy chậm, nhất là vào mùa khô. Lợi dụng đặc điểm đó, các đối tượng sử dụng tàu cuốc, tàu gắn thiết bị để múc cát, hút cát có công suất lớn, khai thác cát trái phép. Trong khi đó, lực lượng PC49 gặp rất nhiều khó khăn trong việc truy quét. Một thực tế là, phương tiện thủy PC49 chưa có, thường xuyên phải mượn phương tiện của các đơn vị khác. Thêm nữa, nhiều đối tượng nhận nhiệm vụ cảnh giới, sẽ thông báo ngay cho chủ tàu khai thác cát để trốn tránh lực lượng chức năng. Tinh vi hơn, các tàu khai thác trái phép thường hoạt động về đêm, càng làm cho công tác đấu tranh, triệt phá gặp nhiều khó khăn.
Thượng úy Nguyễn Hồng Dũng, trinh sát Ðội 3 (PC49) cho biết: Liên tục trong nhiều ngày trinh sát, lực lượng đã nắm bắt quy luật hoạt động của “cát tặc” và xây dựng kế hoạch, phối hợp cùng các cơ quan chức năng, bắt quả tang 10 vụ hút trộm cát trên sông Hồng. Trong số này, có 4/4 phương tiện đồng loạt bị bắt quả tang đang hút trộm cát tại địa bàn phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, trong tối 3-6. Mới đây nhất, ngày 11-6, bắt một tàu tại phường Thượng Cát…
Ngày 6-6 vừa qua, Công an huyện Ðan Phượng, TP Hà Nội đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Ðỗ Văn Thế (SN 1965), Nguyễn Thị Vấn (vợ Thế, SN 1972, cùng ở Trung Châu, Ðan Phượng); Phí Văn Tuấn (SN 1983) và Phí Văn Miết (SN 1983) cùng ở Yên Dũng, Bắc Giang về tội vi phạm các quy định về khai thác tài nguyên. Theo thông tin được biết, Phí Văn Tuấn, cùng hai công nhân làm thuê khai thác cát đen trái phép bán cho bãi kinh doanh vật liệu xây dựng của vợ chồng Ðỗ Văn Thế, Nguyễn Thị Vấn. Lực lượng chức năng đã lập biên bản, tạm giữ công cụ, phương tiện khai thác cát đen và kinh doanh vật liệu xây dựng, gồm: một tàu thủy nội địa, ba đầu nổ, hai sên hút cát, hai máy xúc, một băng chuyền và gần 6,8 nghìn m3 cát.
Lý giải vấn đề cát đen luôn được khai thác trái phép với nhiều thủ đoạn tinh vi, Thượng tá Hiển thông tin: Nguồn “cung” từ cát tặc bao giờ cũng rẻ và tiện lợi hơn nhiều so với cát có nguồn gốc rõ ràng. Với giá mua từ 30 nghìn đồng/m3 từ tàu khai thác, giá bán đến người dân là hơn 110 nghìn đồng, lợi nhuận có thể làm các đối tượng dùng mọi thủ đoạn để qua mặt cơ quan chức năng.
Theo tài liệu điều tra, vợ chồng Thế – Vân sử dụng khoảng 8.000 m2 đất bãi tiếp giáp sông Hồng, xã Trung Châu để kinh doanh vật liêu xây dựng. Thế mua thuyền gắn máy rồi dán số đăng ký giả để khai thác cát trái phép. Từ đầu năm 2013 đến nay, vợ chồng Thế lần lượt thu gom cát từ tàu của Miết và Tuấn. Do chủ tàu đều là người tỉnh khác, không nắm rõ dòng chảy nên Thế đã “chỉ điểm” các mỏ cát cánh to để Miết, Tuấn khai thác. Thế còn tạm ứng tiền ăn, cung cấp dầu cho “cát tặc” hoạt động. Cơ quan chức năng xác định, các đối tượng đã liên kết khai thác trộm khoảng 87.000 m3 cát đen trên sông Hồng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng chảy, làm sạt lở đê kè, ô nhiễm môi trường.
Luật Khoáng sản ban hành từ năm 2010 đã quy định rõ, việc cấp phép khai thác khoáng sản bắt buộc phải thông qua đấu giá để bảo đảm sự minh bạch; đồng thời doanh nghiệp phải có nghĩa vụ với Nhà nước khi khai thác khoáng sản. Một doanh nghiệp kinh doanh cát sỏi khẳng định, không phải doanh nghiệp nào, bến bãi nào cũng tiếp tay cho cát tặc. “Chúng tôi muốn được kinh doanh một cách đàng hoàng, được thu mua, giao dịch cát mà không phải e dè, lo lắng. Nhưng, ở Hà Nội đến thời điểm này có được bao nhiêu địa chỉ cung cấp chính danh như vậy?”.
“Ngân sách mỗi năm chi cả tỷ đồng để hút, khơi luồng lạch; thời gian mỗi điểm khơi dòng mất cả tháng. Giá mà chúng tôi được hút cát ở những điểm đó. Vừa sẵn cát, lại làm đủ trách nhiệm thuế với Nhà nước” – Chủ doanh nghiệp này nói.
Dù nạn khai thác cát trái phép đã giảm đáng kể, tuy nhiên, nếu không có sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan liên quan cùng PC49, nguy cơ sạt lở hệ thống đê kè trọng yếu phòng, chống lũ lụt, biến đổi dòng chảy, gây mất an toàn giao thông đường thủy và ô nhiễm môi trường sẽ càng trở nên trầm trọng. TP Hà Nội cần sớm tổ chức đấu thầu khai thác mỏ cát ở các tuyến sông để việc khai thác bảo đảm các yếu tố môi trường, dòng chảy, đem lại nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.