ThienNhien.Net – Cách nay gần 2 năm, trong một cuộc giám sát của HĐND TPHCM về Dự án tiêu thoát nước và giải quyết ô nhiễm kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên, lãnh đạo Trung tâm Chống ngập TP cho biết: Năm 2015, khi dự án hoàn thành, tuyến kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên sẽ được hồi sinh, giống như tuyến kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè hiện nay… Thế nhưng, lời hứa ấy đã không được thực hiện và không biết đến bao giờ dòng kênh mới hồi sinh, trả lại màu xanh như ngày nào.
Biến dạng dòng kênh
Kênh Tham Lương có chiều dài hơn 20km, chảy từ sông Chợ Đệm qua địa bàn các quận Bình Tân, Tân Phú, Tân Bình, 12, Gò Vấp rồi nhập vào hợp lưu của sông Sài Gòn. Càng đi ngược về hướng thượng lưu từ cầu Tham Lương đến khu vực phường Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân), dòng kênh như hẹp lại, có đoạn chỉ rộng vài mét.
Ông Nguyễn Văn Năm, ngụ khu phố 7, phường Bình Hưng Hòa, cho biết: “Đoạn trước khu dân cư Gia Phú còn thấy dòng nước chảy, chứ đi lên khoảng nửa kilômét là coi như bị bít kín bởi rác thải, xà bần và các công trình xây dựng nhà ở của người dân lấn chiếm. Chưa kể, một lượng lớn nước thải của hàng trăm xí nghiệp và các khu dân cư xung quanh đây đều đổ hết xuống kênh, làm cho dòng chảy bị tắc nghẽn, biến dạng”.
Theo chỉ dẫn của ông Năm, chúng tôi đi theo đường số 5, đường số 11 ngược kênh Tham Lương và chứng kiến nhiều đoạn không còn nhận biết ra dòng kênh. Tại cuối con hẻm 115 đường số 11 thuộc khu phố 4, phường Bình Hưng Hòa, dòng kênh đột ngột chuyển hướng về phía Tây do đất đá, rác thải công nghiệp của các xí nghiệp, cơ sở sản xuất và hộ dân hai bên đổ tràn ra.
Bà Hồ Thị Mai, ngụ khu phố 4, nói: “Trước kia thuyền bè còn đi lại trên đoạn kênh này, giờ thì chịu, không nhận biết được đâu là kênh. Do dòng kênh bị lấp nên nhiều đoạn hệ thống cống thoát nước bị tắc nghẽn, chảy tràn ra đường, dâng vào nhà dân, nhất là lúc trời mưa. Người dân ở đây bao năm nay phải sống trong cảnh ngập lụt, ô nhiễm. Nói dự án cải tạo dòng kênh bao nhiêu năm nay mà có thấy đâu…”.
Theo ghi nhận của chúng tôi, trên suốt đoạn kênh từ cầu Tham Lương ngược lên khu vực phường Bình Hưng Hòa dài khoảng hơn 3km không có thiết bị thi công nào của Dự án Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên được triển khai. Công trình hầu như bất động. Người dân cho biết, nhiều khu vực hai bên kênh đã được giải tỏa nhưng do không có cơ quan chức năng nào quản lý, tình trạng đổ rác, nước thải, xà bần và lấn chiếm tiếp tục tái diễn, làm thay đổi dòng kênh và làm cho tình hình ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng.
Chính quyền “bó tay”
Theo UBND phường Bình Hưng Hòa, tình hình ô nhiễm môi trường trên địa bàn phường có kênh Tham Lương chảy qua là khá nghiêm trọng. Thời gian qua, UBND phường phối hợp với các ban ngành liên quan kiểm tra 46 cơ sở gây ô nhiễm và đã xử lý được 17 trường hợp, chuyển lên quận 4 vụ việc vi phạm lớn để xử lý theo thẩm quyền. Phường thường xuyên đi kiểm tra và nhắc nhở nhưng không thể ngăn chặn được các hành vi xâm hại dòng kênh.
Hiện trên địa bàn còn 48 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm chưa được di dời ra khỏi khu dân cư. Hàng ngày một lượng lớn nước thải và rác thải đã đổ trực tiếp ra dòng kênh, làm cho tình hình ô nhiễm môi trường càng thêm nghiêm trọng.
Đối với Dự án Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên, ông Lê Minh Hiếu, Phó Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa, thừa nhận, đến nay vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề phức tạp chưa được giải quyết triệt để. Dự án đi qua hầu hết địa bàn phường, bao gồm các khu phố 3, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 14, 15 với rất nhiều hộ dân chưa bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư để thi công công trình.
Thực tế này rất khó cho chính quyền địa phương trong công tác quản lý địa bàn, nhất là việc kiểm tra, xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường. Phần lớn cơ sở này nằm xen cài trong khu dân cư, khi bị kiểm tra, phát hiện hành vi gây ô nhiễm thì chuyển chỗ khác để hoạt động và không đăng ký kinh doanh theo quy định.
Những bất cập trong công tác quản lý địa bàn thuộc Dự án Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên đối với phường Bình Hưng Hòa và nhiều khu vực khác đang là vấn đề nhức nhối. Việc chậm triển khai dự án theo tiến độ đề ra không chỉ gây ra tình hình phức tạp về môi trường và quản lý địa bàn cho nhiều địa phương, mà còn làm cho dòng kênh Tham Lương không biết đến bao giờ mới được hồi sinh.