ThienNhien.Net – Trước ngày 30/6 tới, hơn 300 hộ dân thuộc 7 làng chài sinh sống trên Vịnh Hạ Long, Quảng Ninh, sẽ được định cư trên bờ để ổn định cuộc sống theo đề án di dời, xử lý nhà bè và tái định cư cho người dân làng chài của thành phố Hạ Long được Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh phê duyệt.
Đến nay, phần lớn người dân làng chài trên Vịnh Hạ Long đã được chuyển lên sống ở khu tái định cư trên bờ tại phường Hà Phong, thành phố Hạ Long, cách Vịnh Hạ Long 25km.
Khu tái định cư có diện tích 7,92ha, gồm 364 căn hộ, với tổng số tiền đầu tư 167 tỷ đồng. Các căn hộ tái định cư là nhà ở dạng liền kề, diện tích các căn hộ từ 77,5m2 đến 128m2 cùng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đường, cấp thóat nước, cấp điện, cây xanh công cộng.
Cuộc sống trên bờ đáp ứng đầy đủ dịch vụ giáo dục và y tế, người dân sẽ được bố trí tiếp tục làm ăn, hành nghề trên biển, phát triển sản xuất dưới sự quản lý chặt chẽ của nhà nước. Chính quyền cũng sẽ có những giải pháp bảo tồn bản sắc văn hóa làng chài và phát huy các sản phẩm du lịch đặc trưng.
Những ngày này, anh Nguyễn Văn Long, trưởng khu làng chài Cửa Vạn đang bận rộn sửa sang, ngăn lại phòng, chuyển đồ đạc lên căn nhà tái định cư được cấp tại phường Hà Phong, thành phố Hạ Long. Gia đình anh cùng phần lớn các hộ dân ở làng chài Cửa Vạn đã bàn giao nhà bè trên biển cho chính quyền, chuyển lên đây từ đầu tháng Sáu và đang chuẩn bị cho một cuộc sống mới.
Anh Long chia sẻ, người dân chài phấn khởi vì có nơi cư trú ổn định trên đất liền, con cái có điều kiện học hành tốt hơn. Tuy nhiên anh vẫn còn nhiều băn khoăn về kế sinh nhai, bảo tồn văn hóa làng chài khi chuyển lên môi trường sống mới.
Tuy nhiên, vẫn còn một số hộ chài không đủ điều kiện cấp nhà, cấp đất tái định cư sẽ gặp khó khăn khi chính quyền tiến hành cưỡng chế di dời nhà bè trong thời gian tới.
Gia đình anh Nguyễn Văn Ngọ, làng chài Cửa Vạn, không đủ điều kiện cấp nhà đất tái định cư. Song, do thuộc diện nghèo, gia đình chính sách nên thành phố có chủ trương hỗ trợ những hộ như gia đình anh được mua đất trả góp trong 5 năm và mua nhà tái định cư với giá 200 triệu đồng.
Anh Ngọ cho biết những hộ chài như gia đình anh với thu nhập khoảng 80 nghìn/ngày thì lấy đâu ra khoản tiền 200 triệu đồng trả ngay để mua nhà. Sắp tới, khi thành phố tổ chức cưỡng chế di dời, tháo dỡ nhà bè, gia đình anh gồm 5 người, trong đó có một mẹ già, hai con nhỏ sẽ không biết về đâu sinh sống.
Theo anh Nguyễn Văn Long, các làng chài được di dân đều nằm trong vùng lõi của di sản – kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long. Ngư dân phần lớn thuộc diện nghèo, tỷ lệ mù chữ cao, nhận thức xã hội, pháp luật còn hạn chế, chủ yếu là đánh bắt, nuôi trồng hải sản trên Vịnh Hạ Long từ nhiều đời nay. Khi chuyển lên sinh sống trên một môi trường mới, tất sẽ có nhiều khó khăn, thử thách với người dân chài.
Đây cũng là trăn trở của ông Nguyễn Văn Thông, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Hùng Thắng, thành phố Hạ Long – địa bàn có đến bốn làng chài và trên 450 hộ dân.
Ông Thông cho biết mối bận tâm lớn nhất của người dân khi lên bờ tái định cư là việc làm. Đây là những vấn đề quan trọng phải làm tiếp sau khi ngư dân di dời lên bờ, những bộ phận nào tiếp tục ở dưới biển làm nghề, những bộ phận nào tiếp tục đi học chuyển đổi nghề nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Hưu, người đã sống lâu năm trên Vịnh thì lại băn khoăn về bảo tồn các giá trị truyền thống của gia đình và làng chài. Theo ông Hưu, làng chài bây giờ đã thay đổi nhiều so với làng chài cổ, không còn thuyền gỗ với những cánh buồm kiểu cũ, thay vào đó là những nhà bè, lồng bè tuy nhiên cuộc sống của người dân vẫn giữ được những nét đời sống riêng biệt của làng chài từ cổ xưa.
Cuộc sống lênh đênh trên biển đã tạo ra những nét văn hóa độc đáo. Nếu di dời toàn bộ ngư dân lên bờ sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng bởi con người tạo ra văn hóa mà di sản văn hóa được hình thành từ chính phong tục tập quán lâu đời cùng nếp sống sinh hoạt của ngư dân. Trong khi, đây là những giá trị mà du khách rất muốn trải nghiệm, khám phá khi đến với Vịnh Hạ Long.
Phó trưởng Ban quản lý Vịnh Hạ Long Nguyễn Công Thái cho biết hiện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ninh, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đang hoàn thiện Đề án bảo tồn, khai thác làng chài trên Vịnh Hạ Long, xin ý kiến của các ngành để trình Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt.
Đề án sẽ xác định rõ khu vực được phép phát triển các hoạt động dịch vụ, khu vực biểu diễn nghệ thuật; xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo của riêng Vịnh Hạ Long.