ThienNhien.Net – Việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã đạt được những thành quả đáng kể, đóng góp quan trọng vào nhiệm vụ quản lý bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh.
Triển khai đồng loạt tại các lưu vực thuỷ điện
Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (PES-payments for environmental services) là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta nhằm chủ trương xã hội hoá nghề rừng, từng bước xói đói giảm nghèo cho các hộ dân tại khu vực miền núi. Việc triển khai thực hiện chính sách chi trả DVMTR theo Nghị định 99/2010/NĐ-CP ngày 24.9 .2010 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đạt được sự đồng thuận cao của tất cả các cấp, các ngành từ tỉnh đến chính quyền tại các địa phương và sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, do vậy công tác chi trả DVMTR đã đạt được những kết quả đáng kể, đem lại hiệu quả cao trong công tác bảo vệ rừng.
Sau khi chính sách ra đời, tỉnh Quảng Nam đã được các tổ chức nước ngoài hỗ trợ thực hiện thí điểm để từ đó làm cơ sở triển khai trong toàn tỉnh. Cụ thể như năm 2011, Dự án Tài chính bền vững khu vực Trường Sơn (Dự án WinRock International) hỗ trợ thực hiện chi trả DVMTR theo hình thức tiếp cận đến “hộ” tại 2 thôn: A Bông và A Xờ, xã Mà Cooih, huyện Đông Giang, với diện tích rừng giao khoán: 2.520,2 ha/111 hộ. Tiếp đến, năm 2012 và 2013, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hỗ trợ thực hiện chi trả DVMTR theo hình thức tiếp cận đến “nhóm hộ” tại 5 thôn của xã Mà Cooih, huyện Đông Giang và 2 xã Tà Pơơ và Chà Vàl, huyện Nam Giang, với diện tích rừng giao khoán là 21.033,11ha/73 nhóm hộ.
Từ những kết quả của các dự án thực hiện thí điểm trên, tỉnh Quảng Nam đã triển khai đồng thời việc xây dựng 7 đề án chi trả DVMTR tại các lưu vực thủy điện, như Phú Ninh, Sông Kôn 2, An Điềm I – An Điềm 2, Sông Tranh 2 – Trà Linh – Tà Vi, ĐăK Mi 4, A Vương – Za Hung, Khe Diên với tổng diện tích cung ứng DVMTR là 180.543,74ha/9 huyện của tỉnh Quảng Nam.
Giữ được rừng và ổn định đời sống đồng bào
Hiệu quả trước tiên của việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR là đã tạo được nguồn kinh phí bền vững cho công tác giao khoán bảo vệ rừng ổn định, lâu dài đến người dân địa phương, làm cho rừng thực sự có chủ. Trong năm 2013, tổng diện tích lập hồ sơ giao khoán rừng thực hiện chi trả DVMTR là 177.281,33ha/827 nhóm hộ/15.911 hộ trên địa bàn 10 huyện của tỉnh Quảng Nam, được thực hiện tại 9 đơn vị chủ rừng và 3 đơn vị quản lý rừng (hạt kiểm lâm). Ngoài ra, còn 24.295,52ha rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng đã được rà soát nhưng hiện đang được lồng ghép thực hiện chi trả bởi các nguồn vốn khác, như bảo vệ và phát triển rừng, Chương trình 30a, Dự án CarBi… Phần diện tích này sẽ được đưa vào chi trả bằng nguồn DVMTR khi các dự án trên kết thúc.
Hiệu quả bảo vệ rừng cũng được nâng cao hơn, người dân thật sự xem rừng là tài sản của mình nên tích cực bảo vệ, kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi xâm phạm đến rừng. Theo kết quả nghiệm thu rừng năm 2013 thì hầu hết diện tích rừng giao khoán được bảo vệ tốt, diện tích được nghiệm thu thanh toán là 177.268,03ha.
Đối với tỉnh Quảng Nam, hầu hết diện tích thực hiện chính sách chi trả DVMTR thuộc lâm phận của các Ban Quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng: A Vương, Sông Tranh, Phú Ninh, Đăk Mi, Sông Kôn, Nam Sông Bung; Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh; Khu bảo tồn loài Sao La; Vườn quốc Gia Bạch Mã và các tổ chức không phải là chủ rừng được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng như các Hạt Kiểm lâm: Nông Sơn, Đại Lộc, Nam Trà My. Do vậy, công việc thực hiện chi trả DVMTR được tiến hành chặt chẽ, hiệu quả từ khâu chỉ đạo thực hiện chính sách của UBND tỉnh, Sở NNPTNT và phối hợp thực hiện giữa Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng, các chủ rừng đến các nhóm hộ nhận khoán bảo vệ rừng.
Theo ông Huỳnh Đức – Giám đốc Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Quảng Nam, việc triển khai chính sách chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh Quảng Nam trong thời gian qua đạt được kết quả cao là do tổ chức thực hiện tốt các hoạt động tuyên truyền chính sách chi trả DVMTR để nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, chính quyền, nhân dân địa phương và các tổ chức liên quan bằng nhiều hình thức như tập huấn, họp thôn tuyên truyền, in ấn và cấp phát các tờ rơi, áp phích, tuyên truyền trên báo, đài truyền hình…
Ngoài ra, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Quảng Nam còn phối hợp chặt chẽ, thường xuyên đôn đốc các đơn vị sử dụng dịch vụ môi trường rừng (thuỷ điện, nước sạch, du lịch) thực hiện tốt các hợp đồng đã ký kết; xây dựng các đề án chi trả DVMTR, tổ chức thực hiện giao khoán rừng làm cơ sở lập hồ sơ chi trả tiền DVMTR – đây là nhiệm vụ trọng tâm cốt lõi của việc triển khai thực hiện chính sách chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Theo kết quả nghiệm thu rừng năm 2013 thì hầu hết diện tích rừng giao khoán được bảo vệ tốt, diện tích được nghiệm thu thanh toán là 177.268,03ha. |
Trong năm 2014, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Quảng Nam tiếp tục xây dựng mới 5 đề án chi trả dịch vụ môi trường rừng tại các lưu vực thuỷ điện: Nam Sông Bung, Bắc Sông Bung, Sông Cùng, Đại Đồng, Trà My I – II để làm cơ sở giao khoán rừng (với diện tích rừng cung ứng dự kiến khoảng 85.015,83ha), nâng tổng diện tích rừng có cung ứng DVMTR trên địa bàn tỉnh lên 286.579,38 ha/410.823ha rừng tự nhiên toàn tỉnh, chiếm 70%. Đây là điều kiện thuận lợi để tỉnh Quảng Nam tiếp tục thực hiện có hiệu quả công cuộc bảo vệ rừng trên địa bản trong thời gian đến.
Qua thời gian thực hiện chi trả DVMTR, hiệu quả của chính sách đã được thể hiện rõ nét, đã tạo ra nguồn tài chính bền vững cho công tác bảo vệ và phát triển rừng; góp phần cải thiện sinh kế, ổn định đời sống của người làm nghề rừng, đặc biệt là đồng bào các dân tộc ít người ở các vùng miền núi của tỉnh Quảng Nam.