ThienNhien.Net – Trong khi các giải pháp phòng tránh chưa thực hiện tốt vì nhiều tốn kém thì cư dân sống dọc các nhánh sông hạ lưu Mê Kông luôn đối mặt với nguy cơ mất trắng tài sản, kể cả tính mạng.
Sáng 7/6, tại kênh xáng Nàng Mau (ấp Thạnh Lợi 1, xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang), một vụ sạt lở làm 7 căn nhà đổ sụp xuống sông. Chín căn nhà khác gần đó cũng xuất hiện vết nứt.
Vẫn chưa hoàn hồn
Bà Nguyễn Thị Châu (ngụ ấp Thạnh Lợi 1) kể: “Sáng đó, tôi thấy nhà mình xuất hiện vết nứt nên kêu mọi người vận chuyển đồ đạc đi. Tuy nhiên, vừa nói xong thì nghe một tiếng ùm. Nền nhà và mọi vật dụng đều chìm xuống sông, thiệt hại gần 40 triệu đồng”.
Các cơ quan chức năng tỉnh Hậu Giang đã đến hiện trường, giúp người dân di chuyển đồ đạc. Đoạn sạt lở dài khoảng 40 m, ăn sâu vào đất liền từ 4-6 m. Tuy không thiệt hại về người nhưng vụ sạt lở đã làm 16 hộ sống ven kênh Nàng Mau bị thiệt hại nặng.
Ông Lê Văn Hổ, Chủ tịch UBND xã Tân Long, cho biết: “Dân sống ven kênh Nàng Mau đã mấy chục năm nay, đâu có chuyện gì xảy ra. Theo tôi, nguyên nhân sạt lở là do tàu, thuyền, sà lan chở cát thường xuyên qua lại đoạn sông này tạo sóng mạnh đánh vào bờ khiến xuất hiện hàm ếch”.
Ba ngày qua, tại lòng sông Tiền thuộc phường 11, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp cũng xuất hiện đoạn sạt lở dài trên 100 m, ăn sâu vào đất liền khoảng 25 m. Do khu vực sạt lở nằm sát Tổng kho Xăng dầu Trần Quốc Toản nên UBND tỉnh Đồng Tháp yêu cầu tổng kho nhanh chóng giảm tải, ngăn chặn nguy cơ bồn chứa sụp xuống sông.
Ông Nguyễn Văn Dương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết: “Đây là điểm sạt lở mới, tỉnh đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư, khẩn trương thuê tư vấn khảo sát, lập hồ sơ thiết kế và chọn nhà thầu có kinh nghiệm để khắc phục khẩn cấp sạt lở”.
Theo ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang, qua khảo sát, địa phương này có trên 100 điểm nằm trong nguy cơ sạt lở, tập trung trên các sông như Cái Côn, Mái Dầm, Ngã Sáu, Cái Dầu… (tất cả đã được cắm biển cảnh báo). Tỉnh đã gửi văn bản lên trung ương xin kinh phí hỗ trợ để xây dựng các công trình chống sạt lở nhưng đến nay chưa có phản hồi.
Tại tỉnh Cà Mau, nhiều nơi cũng có nguy cơ bị “hà bá” dìm xuống sông, như khu vực chợ của xã Tân Tiến, bến đò khách chợ Vàm Đầm (huyện Đầm Dơi); các xã Đất Mới, Hàng Vịnh, Tam Giang Đông và khu vực ven sông thuộc thị trấn Năm Căn (huyện Năm Căn)… Đáng lo là cảnh hàng trăm căn nhà đang xiêu vẹo đứng bên sông, có thể sụp mất dạng bất cứ lúc nào.
Cần tái định cư
Vào mùa mưa, tình trạng sụp lở đất diễn ra nghiêm trọng vì thủy triều xuống thấp nhất kết hợp với mưa từ trên dội xuống. Di dời dân đến nơi an toàn là một yêu cầu cấp bách nhưng việc bố trí tái định cư cho họ là điều khó khăn vì thiếu kinh phí thực hiện.
Ông Lê Văn Hổ nói: “Đối với những hộ thiệt hại nặng trong vụ sạt lở ở kênh Nàng Mau, ngành chức năng đã hỗ trợ tiền. Để những hộ này yên tâm sinh sống thì cần đưa họ vào tái định cư nhưng hiện việc này chưa thực hiện được. Mấy ngày qua, chúng tôi đề nghị những hộ dân bị ảnh hưởng bởi sạt lở không nên ngủ trong nhà để tránh điều đáng tiếc xảy ra”.
Tại tỉnh Tiền Giang, hệ thống bờ sông, kênh rạch, đê bao vùng lũ ở 4 huyện: Cái Bè, Tân Phước, Cai Lậy và Châu Thành có đến 150 điểm sạt lở với chiều dài gần 2,6 km, cần khắc phục trước mùa mưa lũ. Vì vậy, ngành chức năng của tỉnh này đã chủ động di dời nhà dân, trồng cây chắn sóng, chắn gió, nuôi lục bình phòng sạt lở. Đối với những vùng nguy cơ sạt lở cao thì cho đóng cừ tràm hoặc bạch đàn, dùng lưới B40 và bao đất ngăn lại.
Tiêu tốn hàng trăm tỉ đồngTheo tính toán, nguy cơ sạt lở tại tỉnh Hậu Giang đe dọa trực tiếp hơn 100 căn nhà; hơn 30.000 m2 đất, hoa màu, vật dụng kiến trúc và khoảng 2.000 m2 đường giao thông nông thôn, đê bao… Để phòng tránh, tỉnh này cần khoảng 800 tỉ đồng thi công các công trình liên quan.Còn tại tỉnh Tiền Giang, tính từ năm 2005 đến nay, phải chi gần 86 tỉ đồng xử lý gần 250 điểm sạt lở. Trung bình mỗi năm, địa phương này phải đầu tư hàng chục tỉ đồng khắc phục những nơi sạt lở nặng. |