ThienNhien.Net – Nhằm bảo vệ môi trường (BVMT), xử lý triệt để ô nhiễm môi trường đang có chiều hướng gia tăng tại các làng nghề, tỉnh Bắc Ninh triển khai thực hiện Đề án tổng thể Bảo vệ môi trường làng nghề đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, đến hết năm 2015, toàn tỉnh thống nhất thông tin về số lượng và hiện trạng sản xuất, hiện trạng môi trường các làng nghề, Cụm công nghiệp làng nghề trên địa bàn. Hoàn thành việc đánh giá mức độ ô nhiễm tại các làng nghề, phân loại các cơ sở sản xuất trong các làng nghề theo loại hình sản xuất và nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; Xử lý triệt để 6 làng nghề nằm trong danh mục các làng nghề ô nhiễm môi trường cần xử lý theo Chương trình mục tiêu Quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường, gồm:Làng nghề tái sản xuất giấy Phong Khê, xã Phong Khê, làng nghề sản xuất bún Khắc niệm, xã Khắc Niệm, thành phố Bắc Ninh. Làng nghề tái chế nhôm Mẫn Xá, xã Văn Môn, huyện Yên Phong; Làng nghề đúc đồng Đại Bái, xã Đại Bái, huyện Gia Bình; Làng nghề tái chế thép Đa Hội, phường Châu Khê, Thị xã Từ Sơn; Làng nghề đúc đồng Quảng Bố, xã Quảng Phú, huyện Lương Tài.
Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ công khai và cập nhật thường xuyên danh sách, thông tin về thực trạng các làng nghề được công nhận, làng nghề chưa được công nhận và làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, quản lý chặt chẽ công tác BVMT tại các làng nghề, cơ bản kiểm soát được tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề; không phát sinh làng nghề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng mới. Tất cả các cơ sở sản xuất còn tồn tại trong các làng nghề chưa được công nhận có biện pháp xử lý chất thải theo quy định hoặc di dời vào Cụm công nghiệp làng nghề hoặc chấm dứt hoạt động. Phấn đấu đến năm 2030, các làng nghề trên địa bàn tỉnh được công nhận, thống nhất quản lý và tuân thủ đầy đủ các điều kiện về BVMT.Khắc phục triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề trên địa bàn tỉnh.
Kinh phí thực hiện bảo vệ và xử lý triệt để ô nhiễm môi trường làng nghề cho các đơn vị sẽ được tỉnh phân bổ từ nguồn ngân sách của trung ương, địa phương và vốn ODA, vốn ưu đãi tín dụng và vốn góp của các cơ sở sản xuất.
Trước mắt, trong năm 2014, tỉnh điều tra, thống kê, kiểm kê, phân loại làng nghề trên địa bàn theo 8 loại hình sản xuất (chế biến lương thực, thực phẩm; thủ công, mỹ nghệ; nhuộm, thuộc đa; tái chế chất thải; gia công cơ kim khí; sản xuất vật liệu xây dựng; chăn nuôi, giết mổ gia súc và loại hình khác).
Rà soát các điều kiện BVMT đối với các làng nghề trên địa bàn tỉnh, lập kế hoạch khắc phục và triển khai thực hiện đối với các làng nghề chưa đáp ứng các điều kiện về BVMT, quản lý chặt chẽ việc công nhận các làng nghề đảm bảo các điều kiện về BVMT theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Hiện nay, Bắc Ninh có 62 làng nghề đã được công nhận, là một trong số ít các tỉnh có làng nghề nhiều nhất cả nước, tạo côngăn việc làm vàđóng góp đáng kể về giá trị sản xuất khu vực công nghiệp ngoài quốc doanh của tỉnh. Tuy nhiên, các làng nghề đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiêm môi trường trong quá trình hoạt động.