ThienNhien.Net – Trong những năm gần đây, biến đổi khí hậu đang trở thành mối đe dọa lớn đối với người dân các xã vùng ven biển của huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định. Điều đáng nói, do nhận thức về phòng-tránh bão của người dân còn hạn chế, nên không ít gia đình đã gặp biến cố về người và tài sản.
Để hạn chế những rủi ro nêu trên, Ủy ban nhân dân huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định đã phối hợp với Trung tâm bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng (MCD) triển khai lắp đặt hệ thống cảnh báo sớm-một trong số những mô hình tiêu biểu góp phần giảm nhẹ rủi ro thiên tai, giúp nông dân yên tâm bám biển.
Tín hiệu vui ở vùng… cửa biển
Giao Thủy là huyện đồng bằng ven biển của tỉnh Nam Định, có chiều dài 32 km đường bờ biển, nằm trải dài qua 5 xã Giao Thiện, Giao An, Giao Lạc, Giao Xuân và Giao Hải.
Huyện Giao Thủy hiện có hai cửa sông lớn, nơi sông Hồng và sông Sò đổ ra biển, cùng với vùng đất bãi bồi ven biển là những điều kiện thuận lợi để phát triển các ngành kinh tế biển như: Khai thác-nuôi trồng thủy sản, du lịch và đóng tàu.
Tuy nhiên, bên cạnh những tiềm năng phát triển kinh tế biển, huyện Giao Thủy cũng đang đứng trước những khó khăn, thách thức do thiên tai gây ra. Đáng lo ngại hơn, Giao Thủy là vùng cửa biển nên thường xuyên phải hứng chịu rủi ro từ các cơn bão, gây thiệt hại lớn về người và tài sản đối với người dân khu vực.
Nhận thức được mối quan ngại nêu trên, năm 2013, huyện Giao Thủy đã triển khai mô hình cảnh báo sớm (thông qua hệ thống loa đài phát thanh địa phương) tại xã Giao Hải-nơi chịu tác động mạnh mẽ nhất của biến đổi khí hậu, nhằm giúp người dân nắm bắt tình hình thời tiết, diễn biến đường đi của các cơn bão để kịp thời có phương án ứng phó.
Chia sẻ với phóng viên Vietnam+ về hiệu quả của mô hình cảnh báo sớm, ông Đỗ Ngọc Huỳnh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Giao Hải cho rằng, cảnh báo sớm là mô hình “giảm nhẹ thiên tai,” giúp bà con vùng “túi bão” ứng phó với biến đổi khí hậu rất hiệu quả.
“Còn nhớ, cách đây vài năm, trên địa bàn xã chỉ có 1-2 cái loa phát chung cho cả xã nên có những bản tin thời tiết không đến được bà con. Đáng buồn hơn, cũng vì thiếu những bản tinh cảnh báo, dự báo về tình hình bão nên không ít gia đình đã phải ngậm ngùi nhìn tài sản bị nhấn chìm cùng bão biển.
Thế nhưng, từ khi Ủy ban Nhân dân huyện Giao Thủy phối hợp với Tổ chức Oxfam và MCD triển khai dự án tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu đến, Giao Hải đã có hẳn một hệ thống loa phát thanh đồ sộ.
Đến nay, cả xã đã có 31 loa phát thanh phủ sóng thông tin đến 18 xóm trên toàn xã. Nhờ đó, bà con đã nắm bắt được những thông tin về diễn biến của các cơn bão, kịp thời ứng phó và phòng tránh thiên tai,” ông Huỳnh phấn khởi nói.
Những bản tin giúp dân yên tâm bám biến
Là “ông đài” có thâm niên 30 năm gắn bó với nghề dự báo, ông Phạm Văn Phương, Trưởng phát thanh xã Giao Hải chia sẻ, trước đây khi chưa có hệ thống loa kiên cố, mỗi khi bão đến, người dân trong vùng thường chạy toán loạn và gặp rất nhiều biến cố, thiệt hại về người và tài sản.
Tuy nhiên, từ ngày áp dụng mô hình cảnh báo sớm với hệ thống loa đặt kiên cố tại các xóm, có trang thiết bị hiện đại cùng với các bản tin đầy đủ hơn, người dân xã Giao Hải đã dần nắm bắt được tình hình thời tiết, kịp thời ứng phó với diễn biến các cơn bão.
“Cho đến nay, mỗi ngày, trạm phát thanh xã Giao Hải phát sóng 3-5 bản tin thời tiết. Riêng đối với mùa mưa-bão, các bản tin từ Trung ương và tỉnh gửi về đều được trạm phát sóng liên tục 24/24 giờ. Nhờ đó, những rủi ro thiên tai, thiệt hại do bão gây ra đã giảm đi nhiều,” ông Phương nhấn mạnh.
Chia sẻ về những tâm tư sau nhiều năm gắn bó với công việc phát thanh viên ở vùng cửa biển-nơi người dân thường xuyên phải gồng mình chống bão, “ông đài” Phạm Văn Phương bảo, làm công việc dự báo này không khác người “làm dâu trăm họ.”
“Những năm trước, cũng vì địa phương thiếu hệ thống loa phát thanh và trang thiết bị phát sóng, nên có những bản tin của buổi sáng, mãi đến buổi chiều mới tới tai người dân. Thế nên, có khi nắm bắt thông tin không kịp thời, người dân lại khiển trách nhà đài phát thông tin không chính xác,” ông Phương tâm sự.
Tuy nhiên, vị Trưởng phát thanh xã Giao Hải cũng khẳng định, ông rất yêu cái nghề phát thanh viên cơ sở. Bởi một lẽ, niềm vui lớn nhất đối với “ông đài” sinh ra và lớn lớn ở vùng biển này là được truyền tải những bản tin thời tiết tới người dân, để giúp bà con cả đời bám lấy biển yên tâm hơn mỗi khi bão đến.
Được biết, để giúp nông dân nhận thức được tác động của biến đổi khí hậu và đưa ra giải pháp ứng phó hiệu quả, hiện nay, Ủy ban Nhân dân huyện Giao Thủy đang phối hợp với Tổ chức Oxfam và MCD thực hiện dự án tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của các cộng đồng ven biển với tổng kinh phí gần 400.000 đô la Australia.
Ở góc độ cấp tỉnh, Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định cũng đã thành lập Ban chỉ đạo ứng phó với biến đổi khí hậu tỉnh. Dự kiến, đến năm 2015, tỉnh này sẽ thực hiện 16 dự án ưu tiên ứng phó với biến đổi khí hậu, với tổng kinh phí dự tính trên 550 tỷ đồng.
Với sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền địa phượng và các tổ chức phi chính phủ, người dân tỉnh Nam Định nói chung và xã Giao Hải (huyện Giao Thủy) nói riêng đã yên tâm hơn mỗi khi bão đến, cũng như mạnh dạn đầu tư, phát triển những tiềm năng vốn có của mình.