16.000 tỉ đồng hỗ trợ ngư dân

ThienNhien.Net – Quốc hội đã thông qua nghị quyết trong đó có việc hỗ trợ ngư dân đóng tàu đánh bắt xa bờ; đóng tàu, trang thiết bị cho cảnh sát biển và lực lượng kiểm ngư.

Chiều 9/6, Quốc hội (QH) biểu quyết thông qua Nghị quyết về cân đối ngân sách trung ương và ngân sách địa phương năm 2013.

Mong tiền sớm đến tay ngư dân

Nghị quyết được thông qua có việc sử dụng 44.643,7 tỉ đồng (từ nguồn tăng bội chi ngân sách nhà nước 33.500 tỉ đồng và giảm chi ngân sách trung ương năm 2013 là 11.143,7 tỉ đồng) để chi cho một số khoản (bù đắp hụt thu ngân sách trung ương năm 2013, thưởng vượt dự toán thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương; hỗ trợ đầu tư cho các địa phương…).

Đáng chú ý, trong đó có việc chi 16.000 tỉ đồng trong năm 2014 để hỗ trợ ngư dân đóng tàu đánh bắt xa bờ; đóng tàu, trang thiết bị cho cảnh sát biển và lực lượng kiểm ngư. Ủy ban Thường vụ QH (UBTVQH) cho biết đến nay đã xuất hiện nhiều yếu tố bất lợi, tác động khó lường đến hoạt động kinh tế – xã hội như tình hình biển Đông. Trước yêu cầu của thực tiễn, sự bức thiết của các nhiệm vụ chi để góp phần giữ vững chủ quyền ở biển Đông, bảo đảm quốc phòng an ninh và an sinh xã hội cấp bách, UBTVQH xin QH cho phép quy định bội chi ngân sách nhà nước ở mức trần là 195.500 tỉ đồng (tương đương 5,3% GDP) như nghị quyết của QH.

Ngư dân Võ Bá Nha (tỉnh Quảng Ngãi) bên chiếc tàu vỏ gỗ bị tàu Trung Quốc đâm hỏng ca bin hồi cuối tháng 5-2014 (Ảnh: Tử Trực/nld.com.vn)
Ngư dân Võ Bá Nha (tỉnh Quảng Ngãi) bên chiếc tàu vỏ gỗ bị tàu Trung Quốc đâm hỏng ca bin hồi cuối tháng 5-2014 (Ảnh: Tử Trực/nld.com.vn)

Trước những chính sách từ phía Chính phủ và QH, ngư dân Huỳnh Tèo (ngụ xã Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) nói: “Theo tôi, nhà nước đưa ra những chính sách đó thì tốt quá nhưng làm sao để đến được với các ngư dân chuyên bám biển ở khơi xa. Trước đây, có những dự án đưa vốn tới những ngư dân không biết làm biển nên hiệu quả không cao. Chính quyền cần khảo sát để đưa vốn đến những người có nhu cầu, lao động giỏi để họ vươn khơi, bảo vệ chủ quyền. Tôi cũng lo ngại lâu nay dân mình dùng tàu gỗ, chi phí thấp, bây giờ dùng tàu sắt nếu chi phí lớn quá thì sợ lao động biển không chịu đi cùng. Lại nữa, tàu lớn chi phí lớn mà giá cá rẻ quá thì ngư dân thu nhập sẽ không cao như dùng tàu gỗ”.

Yên tâm ra khơi

Ông Huỳnh Văn Tạo (cùng ngụ xã Tam Quang) khẳng định khi nghe những thông tin này, ngư dân rất vui. “Tôi đã có 3 tàu gỗ tổng công suất 1.550 CV với 45 lao động nhưng sẽ đăng ký tham gia tiếp. Tuy nhiên, hiện huyện Núi Thành có đông ngư dân đi biển nhất tỉnh Quảng Nam nhưng lại không có cảng cá, cá khai thác về bị ép giá nên mong chính quyền hỗ trợ trong việc tiêu thụ sản phẩm; các luồng lạch tại đây đang bị cạn dần, nếu có tàu lớn thì cần phải nạo vét mới thông suốt được. Bên cạnh đó, khu neo đậu tránh trú bão An Hòa được đầu tư 80 tỉ đồng nhưng bỏ hoang vì thiết kế không phù hợp. Nếu đầu tư tàu lớn mà khi neo đậu không bảo đảm thì xót của lắm”.

Còn ngư dân Lê Tân (ngụ huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) phấn khởi: “Chủ trương của Chính phủ đóng tàu vỏ thép cho ngư dân bám biển thông qua các chính sách ưu đãi là cách làm rất hợp lòng dân. Xưa nay, chúng tôi chỉ ra khơi với tàu gỗ nên dễ hư hỏng nếu va chạm, việc đánh bắt cũng mang tính nghiệp dư nên không có hiệu quả kinh tế cao. Trong lúc Trung Quốc liên tục dùng tàu vỏ thép đâm tàu của chúng tôi thì việc được hỗ trợ để trang bị tàu vỏ thép sẽ làm ngư dân vững tin hơn, yên tâm bám giữ ngư trường”.

Ngư dân Võ Bá Nha (ngụ huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) tiếp lời: “Nếu nhà nước cho vay ưu đãi hoặc hỗ trợ chúng tôi đóng tàu vỏ thép thì quá tốt, không gì bằng. Có tàu vỏ thép, chúng tôi ra khơi đánh bắt được lâu hơn, yên tâm hơn”.

Đẩy nhanh tiến độ thi công vũng neo đậu tàu thuyền

Từ năm 2013, dự án vũng neo trú tàu thuyền với tổng vốn đầu tư trên 400 tỉ đồng đã triển khai tại huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Sau khi hoàn thành, nơi đây sẽ tiếp nhận cùng lúc 500 – 600 tàu cá vào neo đậu tránh trú bão. Sắp tới, để đẩy nhanh tiến độ thi công vũng neo đậu tàu thuyền này, trung ương tiếp tục giải ngân số tiền còn lại để sớm hoàn thành dự án. Các cơ sở chế biến, phục vụ hậu cần nghề cá cũng được triển khai xây dựng trong năm nay.

K.Ngân/nld.com.vn