ThienNhien.net – Thế giới hiện có khoảng 10 triệu công nhân mỏ và nhiều người trong số họ đang phải làm việc trong những điều kiện khắc nghiệt và vô cùng nguy hiểm. Chưa kể, các tác động từ nghề khai thác mỏ cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến nhiều loại bệnh nguy hiểm.
Khai thác mỏ là một trong những công việc vô cùng nguy hiểm. Hiện nay có rất ít nguồn thống kê đáng tin cậy về con số tử vong và thương vong của lao động ngành mỏ. Tuy nhiên, theo ước tính của các hiệp hội khai thác, hiện có khoảng 10 triệu người kiếm sống bằng nghề khai mỏ trên thế giới và mỗi năm có khoảng 12.000 người bị tử vong do sập hầm, cháy nổ, hỏa hoạn, lũ lụt và các tai nạn khác.
Tổ chức quốc tế IndustriALL có trụ sở ở Geneva đại diện cho 50 triệu lao động tại 140 quốc gia trong lĩnh vực khai thác và năng lượng cũng cho biết, hàng chục nghìn người đang mắc phải các bệnh do điều kiện làm việc như bụi phổi, mất khả năng nghe…
Tai nạn nghiêm trọng đa phần xảy ra ở khu vực khai mỏ không được kiểm soát, nơi tập trung nhiều người nghèo và chủ yếu ở các nước đang phát triển. Tỷ lệ thương tật và tử vong của các nhóm này ít được báo cáo, theo Tổ chức Lao động Quốc tế Liên Hợp Quốc (ILO).
Trung Quốc sở hữu một phần ba số mỏ than của thế giới và số lượng thợ mỏ tại quốc gia này cũng chiếm tới một nửa thế giới, đồng thời cũng là quốc gia xảy ra những vụ tai nạn tồi tệ nhất. Theo Thống kê, 1049 người Trung Quốc đã chết trong tai nạn do nổ bom mìn khi khai thác năm 2013, giảm 24% so với năm 2012 và chỉ là một phần nhỏ so với con số hơn 7.000 người tử vong vào năm 2003. Tuy nhiên, các tổ chức nhân quyền cảnh báo rằng số liệu thực còn có thể cao hơn rất nhiều do thông tin chưa chính xác từ những công ty khai thác ngoài tầm kiểm soát.
Phần lớn tai nạn nghiêm trọng trong những năm gần đây của Trung Quốc xảy ra tại các mỏ tư nhân. Ít nhất 104 người đã thiệt mạng trong một tai nạn ở tỉnh Hắc Long Giang năm 2009; một vụ nổ giết chết 45 người tại mỏ than Xiaojiawan ở tỉnh Tứ Xuyên và một vài ngày sau đó 14 thợ mỏ đã tử vong tại tỉnh Giang Tây. Năm ngoái, một vụ lở đất cũng đã khiến 83 người mắc kẹt trong mỏ Gyama ở Tây Tạng.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng nổi tiếng là quốc gia có nhiều tai nạn trong khai thác than. Theo IndustriALL, trong 73 năm qua, hơn 3.000 thợ mỏ đã thiệt mạng tại Thổ Nhĩ Kỳ. Năm 1992, 270 người đã chết trong một tai nạn ở tỉnh Zonguldak.
Nghiên cứu từ Trung Quốc, Ấn Độ và châu Âu cho thấykhai thác mỏ cũng gián tiếp gây ra hàng trăm ngàn ca tử vong sớm mỗi năm.
Theo nghiên cứu năm 2011 của chuyên gia ô nhiễm không khí người Mỹ do Greenpeace ủy thác thực hiện, lượng khí thải từ các nhà máy than ở Trung Quốc gây ra 250.000 trường hợp tử vong trong năm 2011.
Nghiên cứu tương tự đối với 111 nhà máy than lớn của Ấn Độ cũng xác định rằng các nhà máy than chịu trách nhiệm gây ra 80.000–120.000 ca tử vong sớm và 20 triệu trường hợp hen suyễn mới ở Ấn Độ.
Một nghiên cứu tại đại học Stuttgart tại Đức vào năm 2013 ước tính rằng ô nhiễm không khí từ 300 nhà máy nhiệt điện chạy than lớn nhất châu Âu gây ra 22.300 ca tử vong sớm trong một năm và chính phủ phải tiêu tốn hàng tỷ bảng Anh cho điều trị bệnh và phí tổn vì ngày công bị mất.