Săn tìm “hậu duệ khủng long” ở Đồng Sơn – Kỳ Thượng – Kỳ 1

Niềm vui khi tìm thấy “Hậu duệ của khủng long”…

ThienNhien.Net – Năm 2012, Đoàn cán bộ Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (IEBR) phối hợp với các nhà nghiên cứu Vườn thú Cologne (CHLB Đức) phát hiện trong Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn – Kỳ Thượng (Hoành Bồ) có loài cá cóc hiện đang được đề nghị đưa vào sách đỏ Việt Nam. Đây là loài sinh vật được coi là “hậu duệ khủng long”, rất có giá trị về nghiên cứu khoa học và cho đến nay mới chỉ tìm thấy ở Việt Nam…

Cả Marta và Mona đều không ngại ngần khi lội trong bùn lầy hôi hám để săn tìm cá cóc (Ảnh: ThienNhien.Net)
Cả Marta và Mona đều không ngại ngần khi lội trong bùn lầy hôi hám để săn tìm cá cóc (Ảnh: ThienNhien.Net)

Từ phát hiện đó, IEBR cùng các nhà nghiên cứu Vườn thú Cologne đã có dự án khảo sát, nghiên cứu một cách đầy đủ về loài cá cóc đặc hữu này. Chuyến đi của chúng tôi vào dịp cuối tháng 5 vừa qua chính là nhằm phục vụ cho mục đích này. Một chuyến đi thật thú vị và bổ ích đối với tôi, bởi nó không chỉ cho tôi thêm sự hiểu biết về một loài sinh vật quý hiếm, mà còn thêm nhiều trải nghiệm khác nữa…

Trông các cô gái người nước ngoài này chẳng khác gì những thợ sơn tràng vùng sơn cước (Ảnh: ThienNhien.Net)
Trông các cô gái người nước ngoài này chẳng khác gì những thợ sơn tràng vùng sơn cước (Ảnh: ThienNhien.Net)

Đúng 7 giờ sáng, đoàn chúng tôi bắt đầu xuất phát từ trụ sở của Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn – Kỳ Thượng. Đoàn gồm 7 thành viên, đó là 3 cô gái: An Thị Hằng, cán bộ nghiên cứu của IEBR, Mona Van Schingen (người Đức) và Marta Bernardes (người Bồ Đào Nha) đến từ Đại học Clogen; cả ba đều thuộc thế hệ 8x. Ngoài ra còn 4 “đấng mày râu” mà trong chuyến đi chúng tôi hay nói đùa là “các vệ sĩ”, là tôi cùng 2 cán bộ kiểm lâm và 1 lái xe của Ban Quản lý khu bảo tồn. Cả đoàn đi ô tô vượt qua đoạn đường quanh co chừng hơn 30km, tới khu vực vùng lõi của Khu bảo tồn thuộc Tiểu khu 58 thì bắt đầu hành trình đi bộ xuyên rừng.

 Marta khoe với mọi người những chú cá cóc vừa mới tìm thấy trong vũng lầy (Ảnh: ThienNhien.Net)

Marta khoe với mọi người những chú cá cóc vừa mới tìm thấy trong vũng lầy (Ảnh: ThienNhien.Net)

Qua trò chuyện với các “người đẹp”, tôi biết họ đã đến Hoành Bồ từ vài ngày trước. Hai ngày vừa qua họ vào Kỳ Thượng săn tìm loài thằn lằn cá sấu và hôm nay thì sang Đồng Sơn săn tìm cá cóc. Họ bảo, cả hai loài sinh vật này đều là những “hậu duệ” của khủng long thời tiền sử. Hiện chúng gần như đã tuyệt chủng, chỉ còn rất ít sống ở Khu bảo tồn này và một vài nơi khác trên đất nước ta. Và vì thế, nó rất có ý nghĩa về mặt khoa học để đánh giá và phục vụ cho công tác bảo tồn sinh vật của Việt Nam… Cả đoàn cứ nối gót nhau đi theo lối mòn khá dốc và ngoằn ngoèo, nắng lên một cách gay gắt hơn. Tuy mới quen nhau, ngôn ngữ lại bất đồng, nhưng 2 cô bạn người nước ngoài tỏ ra rất thoải mái, tự nhiên. Các cô không ngừng pha trò khiến tôi cảm thấy sự mệt mỏi do nắng nóng giảm đi rất nhiều. Vừa đi Hằng vừa nói: “Công việc của bọn em là thế này đấy, cứ lang thang trong rừng cả ngày, xó xỉnh nào cũng rúc vào, ngó nghiêng… Vậy nên, anh đừng nghĩ tụi con gái “yểu điệu thục nữ” nhé; bọn em đi rừng không kém một anh chàng vùng sơn cước nào đâu! Mà quả đúng thế thật. Tôi đã xài hết vèo chai nước mang theo, lại còn “xin viện trợ” của hai anh cán bộ kiểm lâm nữa, nhưng vẫn thấy cổ họng khô khốc, đôi chân cứ như đeo bao cát, nặng trình trịch… Vậy mà 3 cô nàng đi cứ thoăn thoắt, chẳng thấy dấu hiệu mệt nhọc gì cả.

Đi độ vài tiếng thì Hằng bỗng dừng lại, chỉ tay xuống một vũng nước nhỏ toàn bùn, bảo gì đó với 2 cô bạn gái người nước ngoài. Họ dừng lại. Rất nhanh chóng, Marta và Monna lôi từ chiếc ba lô ra đủ thứ dụng cụ lỉnh kỉnh, bày ra một khoảnh đất cao ráo; sau đó cả hai nhảy ngay xuống đám bùn lầy nhầy mà không một chút ngại ngần, mặc dù từ đó bốc lên một thứ mùi thật khó chịu do lá cây mục và sinh vật đang phân huỷ… Mò mẫm dưới khu đầm lầy một lúc, cả ba cô gái trở lên. Lần này họ không thu được kết quả gì, có thoáng chút thất vọng nhưng họ nhanh chóng lấy lại tinh thần và tiếp tục cuộc hành trình. Thấy tôi có vẻ ngơ ngác, Mona nhiệt tình giải thích bằng tiếng Anh mà tôi chỉ hiểu lõm bõm, rằng họ nghĩ ở dưới đó có cá cóc đang sống vì loài này mùa đông thì rúc vào trong đất; chỉ khi đến mùa hè, tới thời điểm sinh sản chúng mới chui ra, xuống các vũng nước hay đầm lầy nhiều bùn… Nhưng rất tiếc là ở vũng lầy này lại không có!

Có thể nói tuy mệt, nhiều đoạn lại phải đi men theo con đường mòn chỉ đặt vừa bàn chân vắt ngang đỉnh núi khiến người không quen đi rừng như tôi cũng thấy hơi rờn rợn, nhưng bù lại, cảnh vật ở Khu bảo tồn đẹp mê hồn. Cô nàng Mona bảo: “Tôi cùng Marta đến Việt Nam nghiên cứu lần này là lần thứ 4 rồi mà mỗi lần vẫn không khỏi thích thú trước cảnh vật của đất nước các bạn. Mỗi chuyến đi là mỗi lần chúng tôi có trải nghiệm mới, được hiểu hơn về văn hoá dân tộc Việt Nam qua mỗi vùng miền. Quảng Ninh thật sự tuyệt vời, bên cạnh kỳ quan Vịnh Hạ Long lại còn có cả những cánh rừng nguyên sơ đẹp kì vĩ như thế này nữa…”. Nghe tôi với Mona “nói chuyện” với nhau, bằng cả lời nói lẫn ngôn ngữ cử chỉ hỗ trợ, Marta cũng góp vào; cô bảo: Hãy cứ coi những chuyến đi làm việc thực địa thế này như một cuộc Trekking (hình thức du lịch bằng cách đi bộ trong rừng) thưởng thức cảnh đẹp của tự nhiên, có như thế mới tạo được tinh thần thoải mái để có thể làm việc một cách có hiệu quả được…

Rồng rắn đi mãi, đến xế trưa, nắng dội gắt cả đỉnh đầu, những bước chân của mọi người trong đoàn đã có vẻ chậm lại, thì thật may mắn, chúng tôi gặp một vũng lầy cũng không khác mấy vũng lầy lúc nãy. Thế nhưng Hằng bảo, đây là nơi mà lần khảo sát trước cô đã tìm thấy giống cá cóc Việt Nam. Chẳng ai bảo ai, 3 cô nàng cứ thế trầm mình xuống bùn như trâu đầm. Mona, Marta và Hằng phân chia nhau ra mỗi người một khu vực, dùng những chiếc vợt như vợt bắt cá để sục từng tảng bùn lầy nhầy, tanh hôi lên và cẩn thận dùng tay kiểm tra xem có chú cá cóc nào không. Mỗi lần các cô sục bùn, cái mùi tanh tanh, lờm lợm xộc lên khiến tôi thực sự rất khó chịu, chỉ muốn nôn, nhưng phải cố giấu, bởi thấy họ hầu như chẳng để ý gì tới điều đó, chỉ mải mê làm việc…

Vừa kiên trì “mò cá”, Hằng vừa kể cho chúng tôi nghe về cái công việc mà tôi gọi vui là “nghịch bẩn” này. Cô bảo, để tiến hành một lần nghiên cứu sinh vật tại Việt Nam thế này thì các cô bạn người nước ngoài phải hết sức vất vả mới thực hiện được. Đó là những khó khăn về chi phí khá tốn kém, họ phải không ngừng đạt kết quả tốt trong công việc thì mới có thể xin các quỹ hỗ trợ dành cho nghiên cứu khoa học, nếu thiếu kinh phí thì chính bản thân họ phải bù thêm vào. Bởi thế, họ quý trọng từng giây phút làm việc… “-Nếu ngại bẩn thì lặn lội vào đây làm gì cho mất công!” – Hằng nói. Sục sạo gần tiếng đồng hồ, ai cũng bê bết bùn sình, thì bỗng chợt Marta reo lên: “Hey,one”! Thì ra cô nàng đã tóm được một chú cá cóc. Phía bên này Mona và Hằng cũng không kém khi liên tục tóm liền lúc 3, 4 chú và còn phát hiện ra cả những ổ trứng của chúng nữa. Tôi tiến lại gần để quan sát chú cá cóc trên tay của Marta. Có thể thấy loài cá ở Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn – Kỳ Thượng có hình dạng khá giống thằn lằn, dài khoảng 7-8cm, đầu rộng, tuyến mang tai gồ cao, phình rộng, hơi xiên về phía sau, gờ giữa sống lưng có những cái u lồi khá lớn chạy dọc hai bên sườn từ phía sau chi trước đến gốc đuôi. Da lưng, sườn và vùng dưới cằm có những nốt sần nhỏ, bụng có những nếp nhăn chạy ngang. Đuôi dẹp theo chiều thẳng đứng, mút đuôi nhọn. Mặt lưng và bụng có màu nâu sẫm. Mép bàn chân, bàn tay, mép bụng và riềm dưới đuôi có màu cam. Theo các cô gái cho biết, đây là loài chỉ có ở một số tỉnh phía bắc Việt Nam, như Quảng Ninh, Bắc Giang; trong đó số lượng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn – Kỳ Thượng là nhiều hơn cả…

(Còn nữa)
————————-
Kỳ 2: Phòng thí nghiệm giữa rừng già