Myanmar trên đường minh bạch hóa ngành khai khoáng

ThienNhien.net – Lĩnh vực khai thác đã trở thành tâm điểm trong quá trình cải cách tại Myanmar dưới thời Tổng thống Thein Sein. 

Myanmar đang trong quá trình thực hiện những cải cách mạnh mẽ. Những áp lực cải cách được thúc đẩy gắn với việc phân quyền quản lý nhà nước và chia sẻ lợi ích công bằng, đặc biệt trong lĩnh vực khai thác khoáng sản.

Myanmar có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, bao gồm dầu khí, đồng, niken, vàng và đá quý. Riêng nguồn thu từ dầu khí giai đoạn 2011-2012 là gần 2 tỷ USD ở khu vực Yadana/Yetagun. Từ năm 2013 hai dự án khai mỏ quy mô lớn đã đi vào hoạt động và chính phủ đang xem xét cấp thêm 18 giấy phép khai thác khác.

Khai thác và kinh doanh ngọc bích cũng là một lĩnh vực mang lại nguồn thu quan trọng trong ngành khai thác của Myanmar vì miền Bắc Myanmar sở hữu loại ngọc bích có chất lượng tốt nhất thế giới. Theo tính toán, tổng nguồn thu từ kinh doanh ngọc bích của Myanma là 8 tỷ USD, trong đó khoảng một nửa số này thông qua con đường xuất khẩu không chính thức sang Trung Quốc.

Tổng thống Thein Sein gặp gỡ chủ tịch EITI Clair Short – Nguồn: president-office.gov.mm

Năm 2012, Tổng thống Myanmar đã ra một nghị định cam kết gia nhập EITI vào cuối năm 2013. Khung chương trình Cải cách Kinh tế và Xã hội của chính phủ Myanmar sau đó đã cam kết thực hiện các quy định của Nguyên tắc xích đạo với các tiêu chuẩn được sửa đổi năm 2013, đặc biệt chú trọng kết hợp với các ưu tiên của quốc gia và cách thực hiện sáng tạo để không chỉ đáp ứng được các yêu cầu tối thiểu của sáng kiến này.

Chương trình này đã giành được mối quan tâm không chỉ của chính phủ mà cả khu vực kinh tế tư nhân và các tổ chức xã hội dân sự. Các công ty lớn trong ngành dầu mỏ, khí ga, khai thác khoáng sản của Myanmar cũng rất quan tâm đến việc thúc đẩy tính minh bạch và trách nhiệm giải trình.

Trong khi các công ty khai thác có tiếng ở Myanmar như Total và Chevron đã có nhiều kinh nghiệm về EITI thì các công ty lớn khác như PTT Exploration and Production, Petronas và Daewoo vẫn đang trong quá trình học hỏi. Các công ty khai thác giàu tiềm năng như Shell và BG thì sẵn sàng thực thi EITI với hy vọng sẽ đạt được sự minh bạch hóa trong đấu thầu.

Có thể nói Myanmar đã có một khởi đầu khá thuyết phục trong công cuộc cải cách nhằm minh bạch hóa ngành khai thác tại quốc gia này dù còn nhiều thách thức đang chờ đợi trước mắt. Bởi lẽ, tiến trình này rất cần sự ủng hộ từ nhiều phía, bao gồm cả từ các tổ chức vũ trang tại khu vực có mỏ nơi rất dễ xảy ra vi phạm liên quan đến vấn đề chia sẻ lợi ích công bằng.