ThienNhien.Net – GS Nguyễn Ngọc Lung: “Có đến hơn nửa diện tích chuyển đổi sang trồng cao su không phải là rừng nghèo kiệt, thậm chí là rừng giàu”.
Đến nay, Tây Nguyên đã trồng mới được 72.000 hec-ta cao su trong tổng số 100.000 hec-ta được quy hoạch cho giai đoạn 2015. 70% trong số diện tích tích này được chủ yếu chuyển đổi từ rừng khộp nghèo kiệt sang trồng cao su chỉ trong vòng hơn 2 năm từ 2008-2010.
Không thể “đánh đồng” rừng khộp là…nghèo kiệt
Theo Tiến sĩ Tô Xuân Phúc, chuyên gia phân tích chính sách của tổ chức Foress Trends, rừng khộp Tây Nguyên là nét sinh thái rất riêng của vùng đất này, có giá trị về môi trường, giữ đất, giữ nước và đặc biệt là không gian văn hóa của đồng bào bản địa Ba Na, Gia Rai, Sê Đăng nơi đây. Đặc trưng của rừng khộp là mùa khô rụng lá, khô cằn như khu rừng chết nhưng khi mùa mưa tới rừng khộp như “thức dậy” với những trồi non, cây lá và muông thú.
Rừng khộp chiếm ưu thế là cây họ dầu lá rộng, cây lấy gỗ và các loại cây song, mây, tre, nứa cùng các cây dùng làm dược liệu. Đặc biệt trong 51 loài động vật quý hiếm ở Đông Dương thì tới 38 loài hiện diện ở rừng khộp Tây Nguyên. Rừng khộp Tây Nguyên được khép vào hệ sinh thái đặc trưng chỉ có ở Đông Nam Á. “Mất hệ sinh thái rừng khộp, kiểu rừng thưa lá rộng, sẽ không còn là Tây Nguyên”, Phó Chủ tịch tỉnh Đắk Lắk Đinh Văn Khiết lo ngại.
“Kiểu rừng khộp Tây Nguyên có mật độ cây tái sinh ít, cây gỗ thưa, trữ lượng thấp, thiếu tầng, xuất hi ện nhiều khoảng trống là những bãi cỏ hoặc vũng nước và đây là sinh cảnh xuất hiện nhiều loại thú móng guốc và thú ăn thịt. Đây là những kiểu rừng đặc trưng cho vùng Tây Nguyên, kiểu rừng quý hiếm cần phải được lưu giữ.” (Thông tư số 99/2006 ngày 06 tháng 11 năm 2006 của Bộ NN&PTNT) |
Theo thông tư hướng dẫn số 58 của Bộ NN&PTNT, rừng nghèo kiệt là rừng có trữ lượng dưới 100 m3 gỗ/ha. Ở Tây Nguyên diện tích rừng “định danh” là nghèo kiệt này chủ yếu là rừng khộp. Các nhà khoa học cho rằng, giá trị sinh học của rừng khộp Tây Nguyên khó có thể đo đếm được, nếu chỉ “quy” về rừng nghèo kiệt với trữ lượng gỗ dưới 100 m3 thì rừng khộp Tây Nguyên sẽ là nạn nhân của cuộc thử nghiệm theo “chủ trương” phát triển kinh tế-xã hội.
Trên các rừng khộp “nghèo”, các cây dầu chiếm tỷ lệ lớn và các loài cây gỗ họ dầu có giá trị khác chiếm tỷ lệ nhỏ. Ngược lại trên các rừng khộp “giàu”, tỷ lệ các cây dầu thấp thay vào đó tỷ lệ các cây họ gỗ cũng họ dầu nhưng không phải cây dầu chiếm tỷ lệ cao. Vì vậy, rừng khộp “giàu” thường bị nhầm lẫn với các loại rừng thường xanh. Ngoài ra, một số diện tích rừng khộp “giàu” bị khai phá quá mức trở thành kiệt quệ đôi khi bị nhầm lẫn là rừng khộp “nghèo”.
GS Nguyễn Ngọc Lung, nguyên Cục trưởng Cục lâm nghiệp cho rằng: “có đến hơn nửa diện tích chuyển đổi sang trồng cao su không phải là rừng nghèo kiệt, thậm chí là rừng giàu. Khái niệm rừng khộp giàu và nghèo đã bị đánh đổi và lợi dụng một cách đáng tiếc khiến rừng Tây Nguyên bị “triệt hạ” một cách không thương tiếc chỉ trong vòng hơn 2 năm trời.
Xem lại tiêu chí rừng nghèo kiệt?
Theo ông Nguyễn Ngọc Rân, Chi cục trưởng chi cục kiểm lâm tỉnh Gia Lai, việc xác định trữ lượng gỗ không thôi để đánh giá rừng nghèo kiệt có lẽ cũng cần nghiên cứu lại bởi rừng khộp Tây Nguyên trữ lượng gỗ thấp nhưng bù lại rất có giá trị về môi sinh, môi trường, giá trị sinh học. Thêm vào đó, ngay cả ở trong những khu rừng nghèo kiệt vẫn có những mảng rừng giầu, rừng không nghèo kiệt. “Khó có thể bớt lại 1, 2 hec-ta rừng giầu giữa khoảng rừng nghèo kiệt, vì như vậy rất khó cho cơ giới hóa. Việc điều tra, đánh giá khảo sát cũng không thể quá chi tiết, nên nhiều khi vẫn bị “đánh đồng” cả rừng nghèo kiệt và rừng không nghèo kiệt” – ông Rân thừa nhận.
Gia Lai là địa phương đứng đầu Tây Nguyên về diện tích cao su trồng mới, với hơn 35.700 hec ta. Chư Prông là một trong những huyện của tỉnh Gia Lai “tích cực” phát triển cao su. Giờ đây, thay thế những khu rừng khộp là bạt ngàn cao su. Ông Từ Ngọc Thông, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, chỉ trong vòng hơn 2 năm, diện tích trồng mới cao su trên địa bàn huyện đã lên tới 20.000 ha với 9 doanh nghiệp tham gia trồng cao su.
Về Chư Prông bây giờ là màu một xanh bạt ngàn của cao su. Những con đường mới mở, những ngôi nhà công nhân cũng bắt đầu mọc lên san sát. Ông Jơ Ma Thuần, chủ tịch hội cựu chiến binh xã Ia Mơ, xã biên giới của huyện Chư Prông cũng phấn khởi khi thấy thanh niên Gia Rai giờ đây đã là công nhân cao su, người dân đã có thu nhập tốt hơn, tập quán canh tác của đồng bào đã khác xưa rất nhiều. Họ đã biết đi làm theo giờ giấc, biết bón phân, làm cỏ, cuối tháng được nhận lương…”. Thế nhưng trong lòng người đàn ông Gia Rai luống tuổi này vẫn thấy như thiêu thiếu điều gì. Ông không còn cái thú vào rừng kiếm con chim, con thú, kiếm cái cây măng rừng. “Hình như đang mất đi một không gian gì đó ở quanh mình…” – ông Jơ Ma Thuần thẫn thờ.
“Cho đến bây giờ, tôi chưa nhận được một bản báo cáo đầy đủ nào đánh giá về giá trị của rừng khộp nghèo kiệt Tây Nguyên. Ở tiêu chí nghèo kiệt, tôi thấy rằng, nếu mục trắc thì có lẽ rừng khộp không thể hơn cây cao su về mặt độ che phủ, phòng hộ, giữ nước. Tôi cũng khẳng định rằng, tiêu chí rừng nghèo kiệt do Bộ NN&PTNT đưa ra là đúng. Báo cáo của Đoàn kiểm tra của Bộ NN&PTNT tại khu vực Tây Nguyên mới đây cũng kết luận rằng, một số nơi làm không đúng quy trình từ điều tra, khảo sát, thiết kế trạng thái rừng, ngay từ đầu đã sai… Chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ mới có quyết định tạm dừng…” (Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn) |
Tạm dừng các dự án cao su vì…sai phạm
Tháng 12/2010, Thủ tướng chính phủ đã có quyết định 1685 rút cấp phép 94 dự án, tạm dừng 38 dự án khác chưa phê duyệt. Trung đoàn 710 và Công ty TNHH MTV Bình Dương thuộc Binh đoàn 15 là hai trong số những đơn vị sai phạm về chuyển đổi rừng sang trồng cao su. Thiếu tướng Đặng Anh Dũng, Tư lệnh Binh đoàn 15 thừa nhận: “Đây là sai phạm không đáng có ở một đơn vị nhiều năm liền làm tốt công tác trồng cao su, góp phần tạo công ăn việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số, đảm bảo ổn định an ninh khu vực, gây dựng những “cột mốc sống” ở vùng biên. Việc này gây mất uy tín của đơn vị và làm xấu đi hình ảnh bộ đội. Bình đoàn 15 đã nghiêm túc xử lý và kỷ luật những đối tượng vi phạm, trồng lại rừng ở những nơi làm sai theo đúng quy định”.
Là người trồng cao su, nhưng chính Thiếu tướng Đặng Anh Dũng cũng không đồng tình với với quan điểm của Bộ NN&PTNT khi coi cây cao su là cây đa mục đích. Bởi theo ông Dũng, trồng cao su là phải làm cỏ, bón phân “đã làm cỏ thì tăng độ xói mòn của đất, mà bón phần hóa học vào thì đương nhiên ảnh hưởng môi trường. Tôi nghĩ cây cao su không thể thay thế cây rừng về giữ đất và nước được. Thực tế ở những vùng trồng cao su lâu có thể thấy các con suối quanh đó đều cạn nước”
Về lý thuyết, phát triển cao su ở những vùng đất trống, đồi núi trọc, đất nông nghiệp kém hiệu quả và rừng nghèo kiệt là hoàn toàn phù hợp để tận dụng đất đai, nâng cao hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, đã không ít nơi “lợi dụng”, “biến tướng” chủ trương này làm ẩu, làm sai khiến nhiều diện tích rừng mất đi một cách oan uổng. Thêm vào đó, nhiều hệ lụy đặt ra khi quy hoạch cao su bị mất kiểm soát, dự báo thị trường mơ hồ. Thực tế hiện nay cho thấy, không ít nơi đã buộc phải ngừng cạo mủ vì giá cao su quá thấp.
Cao su là cây công nghiệp, được coi là loại cây “công chúa” khi đòi hỏi những điều kiện về tầng đất dày 60-70cm, độ dốc không quá 30%, độ cao không quá 600 mét, vậy ở những nơi cây rừng hay những loại cây khác không sống nổi, thì liệu cao su có trụ được không? Được biết, đầu tư cho cao su không phải ít, tiền giống, phân bón, công chăm sóc, 1 hec-ta cả trăm triệu đồng mỗi năm. Câu hỏi đặt ra là, thay vì trồng cao su, số tiền đó có thể đầu tư để nâng cao chất lượng, cải thiện một số vùng rừng nghèo thành những khu giàu hơn không? Câu trả lời có lẽ chỉ những người trong cuộc mới biết rõ