ThienNhien.Net – Môi trường bị ô nhiễm còn kèm theo những hệ lụy khó lường: suy thoái hoặc mất dần nguồn lợi thủy sản, nhiều nơi những loại thủy sản quí hiếm bắt đầu vắng bóng dần rồi vắng bóng hẳn chưa nói đến tuyệt chủng… như trường hợp tại Cai Lậy (Tiền Giang).
Trong những năm gần đây, mỗi khi trời mưa to, nhiều tuyến đường khu vực nội ô thị xã Cai Lậy (Tiền Giang) bị ngập trầm trọng. Có những nơi nước ngập sâu trên 0,5 m khiến việc đi lại, kinh doanh, buôn bán của bà con phải tạm gián đoạn trong một thời gian chưa kể gây hư hỏng đồ đạc, nước cống rãnh tràn lên gây ô nhiễm môi trường. Đơn cử như trong cơn mưa to chiều qua 3/6, nước ngập sâu khiến cả khu chợ Cai Lậy cũ phải tạm ngưng hoạt động. Trên những cung đường ngập sâu và nặng, người dân dùng dây giăng ngang làm rào chắn hoặc để các vật dụng cảnh báo người đi đường và phương tiện qua lại tránh không đi vào đoạn nguy hiểm. Đây là điều hết sức bất thường mà thời gian trước đây ít xảy ra.
Điều đáng nói tình trạng ngập với cường độ cao và sâu chủ yếu trên các đoạn đường thuộc lưu vực của kênh Ông Hiệu cũ. Con rạch này mấy năm nay đã bị lấp để lắp đặt cống thoát nước và làm tuyến đường Ông Hiệu mới. Việc lấp kênh để làm đường từng bị nhiều người dân sở tại không đồng tình bởi xóa mất dòng kênh chảy ngang trong lòng thị xã Cai Lậy, vừa gây những hệ lụy không tốt cho môi trường mỗi khi trời mưa to bởi lưu lượng nước quá lớn không tiêu thoát kịp. Anh Ba Trí, nhà trên đường 868 thuộc khu 1, phường 4, thị xã Cai Lậy cho biết, mấy năm nay, từ khi kênh Ông Hiệu bị “khai tử” thì dân nội ô thị xã Cai Lậy dù muốn hay không cũng phải “chung sống với ngập lũ”.
Tình trạng lấp kênh, lấn kênh để thi công các công trình dân dụng, nhà ở hoặc kiến thiết hạ tầng không chỉ là trường hợp cá biệt như ở kênh Ông Hiệu. Dọc tuyến đường tỉnh 868 đoạn gần thị xã Cai Lậy, con kênh cặp theo lộ (địa phương quen gọi mương lộ) nhiều đoạn đã cơ bản bị người dân lấn chiếm xong để cất nhà cửa, mở hàng quán, lập cơ sở kinh doanh… Kênh mương bị “bức tử” kèm theo việc xả rác thải sinh hoạt bừa bãi xuống ven kênh, ven lộ làm môi trường bị ô nhiễm trầm trọng. Những dòng nước đen từ cống rãnh lại tiếp tục vô tư chảy hòa vào các dòng kênh rạch phục vụ sinh hoạt, sản xuất, gây thêm ô nhiễm trầm trọng. Hầu như các dòng kênh rạch ven thị xã Cai Lậy cũng như các thị trấn, thị tứ, khu dân cư trên địa bàn tỉnh Tiền Giang ít nhiều đều chịu đựng vấn nạn rác thải và ô nhiễm nguồn nước.
Môi trường bị ô nhiễm còn kèm theo những hệ lụy khó lường: suy thoái hoặc mất dần nguồn lợi thủy sản, nhiều nơi những loại thủy sản quí hiếm bắt đầu vắng bóng dần rồi vắng bóng hẳn chưa nói đến tuyệt chủng…như trường hợp của con ốc gạo Tân Phong (Cai Lậy).
Xã Tân Phong gồm một quần thể cù lao nằm trên sông Tiền. Nơi đây, ngoài cảnh trí sông nước hữu tình, vườn tược sum suê mùa nào thức nấy thì thiên nhiên còn hào phóng, ưu ái dành cho miệt cồn bãi cù lao một loại thủy đặc sản có một không hai: ốc gạo. Con ốc gạo sống dưới những lớp cát bồi đáy sông Tiền nhưng cũng chỉ duy nhất sinh sống miệt cồn Tân Phong và vùng phụ cận. Các nơi khác ở Đồng bằng sông Cửu Long ít thấy xuất hiện. Mùa khai thác ốc gạo trùng với dịp Tết Đoan ngọ 5/5 âm lịch hàng năm. Thời điểm này, ốc gạo mập mạp, thịt trắng và ngon ngọt nổi tiếng. Tiếc rằng khoảng hơn mười năm nay, kể từ khi “sư đoàn xáng cạp” chuyên khai thác cát trên sông Tiền (kể cả có phép lẫn khai thác trái phép) rầm rộ khai thác trên sông khu vực các cù lao, cồn bão sông Tiền trong đó có Tân Phong thì ốc gạo Tân Phong vắng bóng hẳn.
Việc khai thác cát tràn lan, vô tội vạ mang lại nhiều hệ lụy cho môi sinh, môi trường mà dễ thấy nhất là sạt lở bờ sông, khu dân cư, đang trở thành nỗi lo lớn của các ngành, các cấp và mọi tầng lớp nhân dân. Theo phản ánh của bà con xã Tân Phong, sạt lở xảy ra nhiều nơi trong đó tập trung trên một đoạn dài 2.000 m từ đầu cù lao Tân Phong kéo về phía hạ nguồn. Những khu vực sạt lở nặng nhất ngoài cù lao Tân Phong, nếu tính trên sông Tiền còn có khu vực cù lao Rồng (phường Tân Long, thành phố Mỹ Tho), cồn Bà (huyện Tân Phú Đông), cồn Cống (huyện Tân Phú Đông),…Chỉ riêng kinh phí bỏ ra xử lý những điểm sạt lở lớn, sạt lở nặng ở 4 huyện phía tây: Cai Lậy, Cái Bè, Châu Thành, Tân Phước hàng năm đã lên đến hàng chục tỉ đồng.
Việc “bức tử” kênh rạch và khai thác cát trái phép mới chỉ là hai trong rất nhiều hành động của con người do vô tình hay cố ý đang làm suy thoái môi trường, ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm môi trường, dẫn đến hậu quả làm tuyệt chủng hoặc suy thoái nhiều giống loài động thực vật quí hiếm ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Nhân Ngày Môi trường thế giới 5/6, mọi người cần tích cực hưởng ứng bằng những việc làm và hành động thiết thực như: trồng thêm một cây xanh, tích cực dọn rác thải sinh hoạt gia đình và khu dân cư, rong cỏ và dọn lục bình trên kênh rạch, tích cực khơi thông dòng chảy kênh mương để lấy nước tưới tiêu cũng như phục vụ sinh hoạt đời sống. Đồng thời cũng cần lên án những hành động gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm kênh rạch, khai thác cát trái phép, tàn phá cây xanh và tận diệt nguồn lợi thủy hải sản… Hãy cùng chung tay vì cuộc sống mỗi ngày thêm xanh – sạch – đẹp.