ThienNhien.Net – Đó là kết quả của Báo cáo “tác động về kinh tế xã hội và môi trường của cây trồng biến đổi gene (BĐG) trên toàn cầu từ năm 1996-2012” của các tác giả người Anh Graham Brookes và Pete Bafoot.
Kết quả này đã được công bố tại buổi toạ đàm chính sách lần thứ 11 về công tác phát triển nguồn lực nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh trong nông nghiệp cho các nước trong giai đoạn chuyển đổi tại khu vực Đông Nam Á được tổ chức mới đây tại Hà Nội.
Gia tăng thêm hơn 116 tỷ USD
TS Graham Brookes – Viện PG Economics cho biết: Từ năm 1996 – 2012, cây trồng BĐG “chịu trách nhiệm” cho sản lượng 122 triệu tấn đậu tương và 231 triệu tấn ngô tăng lên trên toàn cầu. Công nghệ này cũng góp phần sản xuất thêm 18,2 triệu tấn bông vải và 6,6 triệu tấn cải dầu. Cây trồng BĐG đã giúp nông dân có thể nhận thu nhập xứng đáng với công sức lao động của họ.
Cũng theo ông Brookes, lợi ích kinh tế ròng thu được nhờ việc canh tác cây trồng BĐG trong năm 2012 là 18,8 tỷ USD, tương đương với mức tăng trung bình 117 USD/ha. Trong vòng 17 năm (1996- 2012), tổng mức tăng thêm của thu nhập từ canh tác cây trồng BĐG trên toàn cầu được ghi nhận là 116,6 tỷ USD (tức mỗi năm tăng 7 tỷ USD). Tổng mức tăng thêm này được chia đều cho nông dân ở các nước phát triển và các nước đang phát triển. “Cây trồng BĐG được chứng minh là một phương án đầu tư hiệu quả cho nông dân trên toàn thế giới, góp phần làm tăng đáng kể thu nhập và cải thiện đời sống của nông dân. Ở quy mô toàn cầu, cứ mỗi 1 USD đầu tư vào hạt giống BĐG, người nông dân sẽ thu lại được trung bình 3,33 USD”- TS Graham Bookes nói.
Báo cáo này cũng cho thấy, cây trồng BĐG đã giúp cho nông dân có thể trồng được số lượng cây trồng nhiều hơn mà không phải sử dụng thêm đất. Giả thiết nếu cây trồng BĐG không được 17,3 triệu nông dân trên toàn thế giới canh tác trong năm 2012 thì để đạt được cùng sản lượng, sẽ cần phải có thêm 4,9 triệu ha diện tích trồng đậu tương, 6,9 triệu ha trồng ngô, 3,1 triệu ha trồng bông vải và 0,2 triệu ha cải dầu. Diện tích này tương đương với 9% diện tích đất trồng trọt ở Mỹ, 24% diện tích đất trồng trọt ở Brazil hay 27% diện tích đất trồng ngũ cốc ở Liên minh châu Âu (gồm 28 nước thành viên).
Đem lại nhiều lợi ích môi trường
Nghiên cứu độc lập của hai tác giả Graham Brookes và Pete Bafoot cũng cho thấy, cây trồng BĐG đã góp phần đáng kể vào việc giảm phát thải khí nhà kính do hạn chế làm đất trong canh tác, góp phần giảm lượng carbon thải vào bầu khí quyển. Chỉ riêng năm 2012, đã có 27 tỷ kg carbon dioxide được tiết kiệm khi không bị thải vào môi trường, lượng khí thải giảm được tương đương với việc giảm được 11,9 triệu xe ô tô lưu thông trên đường trong 1 năm (bằng 41% số xe đăng ký tại riêng Anh quốc).
Theo số liệu của Croplife Asia, cây trồng BĐG được trồng lần đầu tiên vào năm 1996 với tổng diện tích trên toàn cầu là 1,7 triệu ha và tăng lên hơn 100 lần, đạt mức 175,2 triệu ha vào năm 2013. |
Mặt khác, trong giai đoạn từ 1996 – 2012, cây trồng BĐG đã giúp giảm 503 triệu kg thuốc trừ sâu, giảm 18,7% tác động tới môi trường do sử dụng thuốc trừ sâu trong canh tác của nông dân nhờ việc ứng dụng các giống BĐG kháng sâu. “Sau 17 năm được ứng dụng rộng rãi, cây trồng BĐG đã giúp cách tân và tạo ra những phương pháp canh tác thân thiện hơn với môi trường, đồng thời cải thiện rõ rệt năng suất và thu nhập của người nông dân. Một nửa thu nhập từ canh tác và phần lớn lợi ích về môi trường thu được là nhờ những thay đổi trong cách sử dụng thuốc trừ sâu và nỗ lực giảm khí thải nhà kính ở các nước đang phát triển” – TS Graham Brookes cho biết.
TS Muhammad Herman – chuyên viên nghiên cứu cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu phát triển công nghệ sinh học trong nông nghiệp và nguồn gene (đến từ Indonesia) cho biết, với cây khoai tây ở Indonesia, người nông dân luôn có nguy cơ mất 100% sản lượng do loại bệnh vàng lá. Muốn bảo vệ cây khoai tây, mỗi vụ người dân phải phun khoảng 20-30 lần thuốc BVTV, nhưng nếu sử dụng giống khoai tây BĐG thì không những giảm chi phí phun thuốc BVTV mà còn góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khoẻ của người nông dân do tránh được phơi nhiễm với thuốc BVTV.
Theo TS Muhammad Herman, ngay từ năm 1999, Indonesia đã cấp chứng nhận an toàn sinh học cho 5 cây trồng BĐG và đến 2012 tiếp tục cấp phép an toàn sinh học, đảm bảo tiêu chuẩn về thức ăn chăn nuôi cho các cây trồng BĐG như cây ngô. “Cây trồng BĐG là một công nghệ tiên tiến, hiện đại, góp phần tạo ra đột phá và thành công cho nông dân nên các nước cần sớm ứng dụng để tránh thiệt thòi cho nông dân” – TS Muhammad Herman.