ThienNhien.Net – 15 tổ chức phi chính phủ và các luật sư của Campuchia cùng các quốc gia khác trong khu vực Mê Kông đã gửi thư đến chính phủ Trung Quốc và các bên liên quan đến hoạt động xây dựng đập thủy điện Hạ Sesan II (Stung Treng, Campuchia) bày tỏ quan ngại về tác động của dự án này và đề nghị các bên tăng cường trách nhiệm giải trình.
Bức thư được gửi cuối tháng 5 vừa qua, một tuần sau cuộc gặp của Thủ tướng Campuchia Hun Sen với nhà phát triển dự án Hạ Sesan II, Chủ tịch Tập đoàn Huaneng tại Trung Quốc, với đề nghị công ty này giảm thiểu các tác động tới môi trường và xã hội của dự án.
Bức thư được gửi đến Bộ Thương mại, Bộ Bảo vệ Môi trường và Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cùng hai doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc là Tập đoàn Huaneng và Hydrolancang, hai công ty Campuchia là Tập đoàn Hoàng gia, Công ty Thủy điện Hạ Sesan II và Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (EVN).
Bức thư đã khẳng định những rủi ro khi tiến hành xây dựng đập Hạ Sesan II bởi theo nhận định thì bản đánh giá tác động môi trường năm 2008 của dự án chưa tính đến kết quả của các nghiên cứu gần đây về tác động nghiêm trọng, xuyên biên giới của dự án.
Trong thư, các nhà hoạt động đề nghị nhà đầu tư và chính phủ Trung Quốc dừng việc xây dựng đập Hạ Sesan II tới khi có một nghiên cứu toàn diện về tác động tới môi trường và xã hội của con đập, bao gồm cả những tác động tới các quốc gia láng giềng.
Bức thư cũng yêu cầu các nhà đầu tư công khai thông tin về dự án, cho phép cộng đồng người dân bị ảnh hưởng tham gia vào quá trình ra quyết định cũng như tuân thủ đầy đủ các quy định của quốc gia cũng như quốc tế bao gồm cả Hướng dẫn Bảo vệ Môi trường trong hợp tác và đầu tư nước ngoài do Chính phủ Trung Quốc mới ban hành.
Hiện nay, công việc chuẩn bị cho xây dựng đập hạ Sesan II đang được triển khai. Theo Điều phối viên Meach Mean của Mạng lưới Bảo vệ Sông 3S: “Những vấn đề đang nảy sinh trong khu vực không khỏi khiến người ta đặt câu hỏi về tính hợp pháp của công trình, như việc khai thác gỗ bên ngoài khu vực hồ chứa, hoạt động đánh bắt thủy sản bất hợp pháp, sử dụng lao động trẻ em và những hoạt động làm suy giảm chất lượng nước hạ nguồn”.
Theo bức thư, việc triển khai dự án mà không xác định được các tác động và hướng giải quyết các thiệt hại đối Campuchia cũng như Việt Nam, Lào và Thái Lan sẽ dẫn tới nhiều rủi ro, đe dọa danh tiếng của các công ty đầu tư cũng như gây ra những hậu quả thảm khốc cho hệ sinh thái và cộng đồng, thậm chí có thể đe dọa đến an ninh khu vực.
Bức thư khẳng định, hai con sông Sesan và Srepok đóng vai trò quyết định đối với hoạt động sinh sản và di cư của các loài cá, xây dựng con đập này đồng nghĩa với việc làm giảm 9,3% tổng sản lượng cá trên lưu vực sông Mê Kông. Đối với những người dân Campuchia và những cộng đồng sống dọc bờ sông của các quốc gia láng giềng, cá như một nguồn thực phẩm và sinh kế thiết yếu, do vậy dự án có thể dẫn đến tình trạng nghèo đói và thiếu ăn trong khu vực.
Cùng với các con đập khác trên chi lưu dòng 3S, dự án thủy điện Hạ Sesan II sẽ góp phần gây ra những thay đổi đáng kể về dòng chảy và làm suy giảm dòng phù sa của sông Mê Kông, ảnh hưởng đến các hệ sinh thái và năng xuất nông nghiệp của vùng hạ lưu.
Bà Ame Trandem, Giám đốc Khu vực Đông Nam Á của Tổ chức Sông ngòi Quốc tế nhận định: “Là một trong những dự án chi lưu đáng lo ngại nhất ở lưu vực sông Mê Kông, tác động của dự án đập thủy điện hạ Sesan II tới đa dạng sinh học, an ninh lương thực, sinh kế và nông nghiệp sẽ không chỉ dừng ở Campuchia mà còn trên toàn bộ khu vực hạ lưu sông Mê Kông”.
Bất chấp những tác động nghiêm trọng đã được dự đoán, chỉ rất ít người dân sống tại các khu vực bị ảnh hưởng được tham vấn về dự án và họ cũng không có đủ thông tin hoặc cơ hội nói lên mối quan ngại của mình. Theo bà Maureen Harris, Điều phối viên khu vực Mê Kông của Tổ chức Earth Rights International: “Hạ Sesan II được tiến hành xây dựng theo một cách vô cùng thiếu trách nhiệm. Ở đây có sự thiếu minh bạch nghiêm trọng về tác động của con đập và kế hoạch tái định cư. Nhà đầu tư không hề có một nỗ lực ý nghĩa nào trong quá trình tham vấn cộng đồng hay cho phép cộng đồng tham gia vào việc ra quyết định xây dựng con đập.”
Trước đó, tháng 12/2013, một bản kiến nghị với ý kiến của hơn 75.000 người dân sống dọc các dòng sông Sesan, Srepok và Sekong đã được gửi tới Đại sứ quán Trung Quốc tại Campuchia bày tỏ quan ngại về tác động nghiêm trọng của dự án nhưng đến nay vẫn chưa được phản hồi.