ThienNhien.Net – Bên lề Quốc hội, đại biểu Lê Bộ Lĩnh (An Giang – ảnh), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ, môi trường của Quốc hội đã trao đổi về nghiên cứu khoa học phục vụ cho phát triển kinh tế biển Việt Nam.
Ông đánh giá như thế nào về việc đầu tư nghiên cứu khoa học phục vụ cho phát triển kinh tế biển nước ta hiện nay, thưa ông?
Biển có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của Việt Nam. Chúng ta cũng đã quan tâm tới việc phát huy nguồn lợi từ biển và có chiến lược kinh tế biển. Riêng về khoa học công nghệ biển, từ năm 1980, Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc đó là Phủ Thủ tướng phụ trách lĩnh vực khoa học kỹ thuật đã chủ trì một loạt hội thảo, chương trình nhằm tăng cường nghiên cứu khoa học về biển để phục vụ cho khai thác và phát triển kinh tế biển. Từ đó đến nay chúng ta đã đầu tư với các chương trình khoa học trọng điểm nghiên cứu về biển nhưng cho đến nay chúng ta chưa đánh giá hết tiềm năng về biển. Việc điều tra, khảo sát nguồn tài nguyên biển còn hạn chế và việc nghiên cứu khoa học và ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ trong khai thác biển phục vụ cho kinh tế biển chưa được nhiều.
Trong bối cảnh hiện nay và tương lai phục vụ cho kinh tế biển việc tăng cường đầu tư nghiên cứu tổng hợp về biển gồm khía cạnh khoa học tự nhiên, công nghệ, xã hội và kể cả mặt pháp lý, lịch sử, văn hóa để chúng ta đưa ra các giải pháp phát triển kinh tế biển phù hợp.
Để phát triển kinh tế biển và ứng dụng khoa học vào thực tế, theo ông, Nhà nước cần những chính sách cụ thể nào?
Chúng ta có nhiều tổ chức khoa học nghiên cứu về biển như các viện về hải dương, thủy sản, địa chất, thủy văn. Tuy nhiên, cần tập hợp lực lượng nghiên cứu hiện nay để tổ chức đội ngũ nghiên cứu về biển cơ bản hơn. Thực tế cho thấy, lực lượng nghiên cứu về biển còn phân tán và việc đầu tư nghiên cứu chưa xứng tầm, do vậy cần tăng nguồn lực đầu tư của Nhà nước về biển. Bên cạnh đó, cần phải đẩy mạnh tiếp thu chuyển giao công nghệ nước ngoài trong một số lĩnh vực về biển.
Từ thực tế vụ tàu cá Việt Nam bị tàu cá vỏ sắt của Trung Quốc đâm chìm và để nâng cao hiệu quả kinh tế, chúng ta phải làm gì để chuyển giao cộng nghệ đóng mới tàu vỏ sắt cho ngư dân?
Phần lớn tàu cá hiện nay đều do người dân tự đóng. Nhà nước có chính sách hỗ trợ về tín dụng để người dân đóng tàu, bảo hiểm vỏ tàu. Tuy nhiên, qua thực tế vừa rồi, để người dân tự làm chưa đủ mà cần phải có chính sách của Nhà nước đóng tàu cho người dân thuê, lúc đó chúng ta mới có thể tạo ra được những tàu tiêu chuẩn đảm bảo đánh bắt xa bờ và phương tiện đánh bắt xa bờ hiện đại. Ở các nước hiện đại, đội tàu đánh bắt xa bờ dài ngày 2 – 3 tháng trên biển vừa đánh bắt vừa chế biến ngay trên biển. Chúng ta cũng rất cần đến loại tàu lớn như vậy đảm bảo đánh bắt xa bờ gắn với việc khai thác kinh tế biển, bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Vụ tàu cá Việt Nam bị tàu cá Trung Quốc đâm chìm mới đây, quan điểm của ông về việc này như thế nào?
Việc tàu cá Việt Nam bị tàu cá Trung Quốc đâm chìm trong chính vùng biển của chúng ta, đó chính là sự vi phạm rất đáng lên án đối với tàu của phía Trung Quốc gây ra thiệt hại cho ngư dân Việt Nam. Bộ Ngoại giao đã triệu hồi đại sứ của Trung Quốc tại Việt Nam để phản đối việc này.
Chúng ta yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt hành động gây cản trở hoạt động hợp pháp của ngư dân trên vùng biển của Việt Nam. Khi gây ra thiệt hại thì phải chịu trách nhiệm bồi thường tài sản và tính mạng của người dân.
Xin cảm ơn ông!