ThienNhien.Net – Tại Kon Tum, sắn (mỳ) là cây xóa đói giảm nghèo trong cuộc sống của nhiều người dân trên địa bàn. Tuy nhiên, dưới tác động xấu khi ảnh hưởng đến môi trường, chất lượng đất, nhiều quốc gia trên thế giới cấm hoặc hạn chế trồng loại cây trồng này. Trong khi đó, tại Kon Tum, diện tích trồng cây sắn đang có chiều ngày càng tăng, nhiều người dân sẵn sàng phá rừng để trồng sắn bất chấp những nỗ lực của chính quyền địa phương.
Cây xóa đói giảm nghèo
Đi khắp các buôn làng ở Kon Tom, khó có thể tìm được một hộ dân nào không trồng loại cây này. Với đặc tính dễ trồng, ít công chăm sóc và dễ chế biến, cây sắn luôn được người đồng bào ở Tây Nguyên nói chung và Kon Tum nói riêng xem trọng. Trung bình, mỗi héc ta sắn có năng suất từ 7 – 10 tấn sẽ cho thu nhập vài chục triệu đồng. Chính vì vậy, hiện nay cây sắn đã trở thành cây hàng hóa, được bà con nông dân Tây Nguyên xếp loại nông sản chủ lực.
Ông A Nhí ở làng BarGook, xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy cho biết: nhà ông có 1 ha sắn cho năng xuất từ 6 – 8 tấn, mỗi năm đã đem lại thu nhập hàng chục triệu đồng. Ngoài ông A Nhí, hơn 150 hộ người dân tộc Gia Rai của làng BarGook đều trồng sắn. Tuy nhiên, cây sắn thường được dân làng trồng từ 2 – 3 vụ và nếu muốn tiếp tục trồng sắn phải bỏ nương rẫy để tìm đất ở nơi khác. Khoảng 3 – 4 năm sau khi đất nơi đây phục hồi lại họ mới quay lại trồng tiếp.
Khác với ông A Nhí và người dân làng Ba Rơ Gốc, anh Trần Văn Lành ở thôn 1, xã Sa Nhơn, huyện Sa Thầy đã canh tác trồng sắn trên 4 ha nhiều năm nay với phương thức thâm canh. Gia đình anh Lành thường trồng sắn chỉ 2 vụ đầu, mùa vụ thứ 3 gia đình anh phải sử dụng phân bón thì sắn mới có củ. Theo anh Lành, trồng sắn rất dễ gây thoái hóa đất bởi sắn là cây phá đất, chỉ sau vài năm trồng sắn, đất sẽ bị bạc màu nhanh chóng, các cây trồng khác khó có thể phát triển trên đất này được.
Số liệu thống kê của Phòng Nông nghiệp và Ptriển nông thôn huyện Sa Thầy cho thấy, huyện có khoảng trên 7.100 ha sắn, chiếm phần lớn trong tổng diện tích đất canh tác của huyện. Theo anh Mai Nhật Văn, Phó Giám đốc Trung tâm Cứu hộ bảo tồn và phát triển sinh vật (Vườn Quốc gia Chư Mom Ray), những năm gần đây, khi cây sắn được giá, nhiều người dân trên địa bàn huyện Sa Thầy vì lợi ích kinh tế vẫn lén lút xâm chiếm rừng để làm nương rẫy. Với đặc tính khá dễ trồng, cùng với diện tích canh tác ngày càng hạn hẹp, người dân xâm canh đến một số cánh rừng, đất lâm nghiệp. Theo thống kê, trong nhiều năm trở lại đây, người dân đã lấn chiếm trên 32.000 ha đất của các lâm trường để làm nương rẫy, trong đó phần lớn họ sử dụng đất lấn chiếm này để trồng sắn.
Ông Nguyễn Hữu Nho, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum cho biết: Hiện tỉnh Kon Tum có gần 40.000 ha cây sắn, đứng thứ 2 về diện tích cây sắn trên địa bàn cả nước. Tuy nhiên, dưới tác hại của cây sắn đối với đất, tỉnh Kon Tum hoàn toàn không có chủ trương phát triển cây sắn và đã giao cho ngành nông nghiệp thực hiện nhiều giải pháp để hạn chế sự phát triển của loại cây này. Trước mắt, từng bước tăng cường công tác tuyên truyền, giúp người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng bằng các loại cây công nghiệp khác như: cao su, bời lời… Cây sắn có tính bền vững không cao và thị trường gần đây không mấy ổn định, rất bấp bênh, ảnh hưởng rất lớn đến người dân.
Đảm bảo hài hòa giữa bảo vệ môi trường và lợi ích kinh tế
Để việc canh tác trồng sắn đảm bảo hài hòa giữa lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường tự nhiên, địa phương và các chủ rừng cũng đã thực hiện một số giải pháp chính như vận động người dân thay đổi nhận thức, thực hiện tốt các giải pháp giảm nghèo; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ người dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thu hút các doanh nghiệp đầu tư trồng cây công nghiệp mà chủ lực là phát triển cây cao su để tạo công ăn việc làm cho người dân, khai thác hiệu quả lợi thế về đất đai.
Cũng để đảm bảo thu nhập cho nông dân và có vốn đầu tư cho cây cao su, một số huyện đã hướng dẫn người dân trồng xen canh cây sắn trong vườn cao su trong thời gian 3 năm đầu. Với những diện tích đất hẹp, độ dốc lớn, không phù hợp để phát triển cây cao su, huyện cũng đã hỗ trợ, vận động nhân dân phát triển cây bời lời, vừa góp phần thực hiện mục tiêu giảm diện tích cây sắn, vừa mở rộng diện tích đất rừng mà vẫn đảm bảo thu nhập cho người dân.
Hiện nay, các địa phương trong tỉnh Kon Tum cũng đã xây dựng quy hoạch và phát triển vùng nguyên liệu sắn ổn định chủ yếu ở vùng núi có độ dốc lớn, vùng bán ngập ở những địa phương như Rờ Kơi, Mô Rai, Ya Xiêr, Hơ Moong, Sa Bình (huyện Sa Thầy) Đăk Choong, Đăk Man, Mường Hoong, Ngọc Linh (huyện Đăk Glei)… Trên địa bàn tỉnh cũng có 5 nhà máy sản xuất, chế biến tinh bột sắn cần trung bình mỗi nhà máy từ 7.000 – 10.000 ha vùng nguyên liệu. Để đảm bảo tính ổn định của vùng nguyên liệu cây sắn cho riêng mình, các nhà máy cũng đã phối hợp với chính quyền địa phương tính toán xây dựng các phương án để phát triển cây sắn bền vững. Từ đó, nhiều quyết sách đặc thù về hỗ trợ vốn, hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ đầu ra, cước vận chuyển… của mỗi nhà máy cũng đã giúp người dân ổn định cuộc sống.
Ngoài ra, tỉnh Kon Tum cũng đang nỗ lực tìm các giải pháp thiết thực giúp người dân từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thực hiện công tác quy hoạch, phát triển cây sắn sao cho hài hòa giữa đảm bảo môi trường, chất lượng đất và ổn định cuộc sống của người dân.