ThienNhien.Net – Chuyển đất lúa sang cây trồng khác ở ĐBSCL đang có nhiều hứa hẹn khi các doanh nghiệp đã cam kết sẽ sẵn sàng bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân khi làm chuyển đổi.
Nhiều kênh tiêu thụ
Theo đánh giá của các tỉnh ĐBSCL, toàn vùng có khoảng 600.000ha sản xuất lúa bấp bênh và kém hiệu quả chủ yếu tập trung trong vụ xuân hè, hè thu và vụ mùa.
Trong khi đó, năm 2013, Việt Nam đã nhập khẩu 2,3 triệu tấn ngô, tăng 27%. Là một trong những đơn vị áp dụng mô hình trồng ngô chuyển đổi sớm ở ĐBSCL, ông Trần Trương Tấn Tài – Giám đốc Kinh doanh khu vực phía Nam, Công ty TNHH Dekalb Việt Nam cho biết, qua việc áp dụng các mô hình chuyển đổi, đã giúp tiết kiệm chi phí đầu tư 8 triệu đồng/ha cho nông dân.
Với tổng diện tích đã thực hiện chuyển đổi từ 2013 đến nay đạt 4.400ha, số tiền tiết kiệm được nhờ sử dụng cơ giới hóa trong trồng bắp lên đến 32 tỷ đồng. Cũng theo ông Tài, là một trong những đơn vị tiên phong trong hỗ trợ nông dân chuyển từ trồng lúa sang trồng ngô, Dekalb còn liên kết với một số doanh nghiệp tại các địa phương, thu mua sản phẩm cho nông dân, từ ngô hạt cho đến cùi, thân ngô.
Công ty TNHH TM DV nông nghiệp Tài Lộc CNB (Cần Thơ) là một trong những đơn vị như vậy. Hiện công ty này đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp huyện Phụng Hiệp triển khai mô hình chuyển đổi mía – ngô, mô hình chuyển từ trồng lúa sang trồng ngô tại các huyện Giang Thành, Kiên Lương (Kiên Giang), huyện Châu Thành A (Hậu Giang), An Phú (An Giang), Tân Thạnh (Long An)… Theo đó, doanh nghiệp này chủ động đầu tư giống, chuyển giao quy trình kỹ thuật canh tác và thường xuyên cử cán bộ theo sát bà con trong cả mùa vụ.
“Công ty cũng đã phối hợp với UBND địa phương và tổ trưởng tổ hợp tác ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho bà con an tâm sản xuất. Bà con nông dân đang rất phấn khởi và tin tưởng vào một vụ mùa bội thu”- ông Lê Tấn Tài – Giám đốc DN Tài Lộc cho biết. Tuy vậy, theo ông Lê Tấn Tài, đặc điểm ở ĐBSCL là sông ngòi nhiều, nên nếu không có sự hợp tác sản xuất tập trung, việc thu mua sẽ rất khó khăn. Theo sự tính toán, trên mỗi vùng sản xuất ngô, diện tích phải đảm bảo từ 30-50ha trở lên mới đảm bảo đủ số lượng để doanh nghiệp tới thu mua.
Không chỉ có doanh nghiệp trong nước, một số doanh nghiệp nước ngoài cũng đã sẵn sàng tham gia vào chuỗi giá trị kinh doanh này. Ông Wai Cheng Chan – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Bunge Việt Nam cho biết, để phát triển thị trường tại VN, doanh nghiệp này đã xây dựng nhà máy ép dầu đậu nành công suất 3.500 tấn/ngày, mỗi năm ép khoảng 1 triệu tấn đỗ tương. Trong khi đó, sản lượng đỗ tương trong nước hiện không đáng kể nên nguồn nguyên liệu cho Bunge chủ yếu vẫn từ nhập khẩu.
Đối với ngô, ông Cheng Chan cũng khẳng định, nhu cầu tiêu thụ ngô ở Việt Nam hiện rất lớn. Dự báo, năm 2014, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu ít nhất khoảng 3,5 triệu tấn ngô các loại, phục vụ nhu cầu trong nước. Do đó, đây sẽ là thị trường béo bở để các doanh nghiệp đầu tư, phát triển.
Cần thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi
Ông Phạm Văn Dư – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, mục tiêu của ngành trồng trọt, đến năm 2015, vùng ĐBSCL sẽ chuyển đổi 112.000ha trồng lúa sang trồng màu. Đến năm 2020, tổng diện tích gieo trồng lúa chuyển sang trồng các cây trồng khác là 204.000ha, trong đó, ngô chiếm 53.000ha, đậu tương 13.000ha, rau dưa 60.000ha…
Thực hiện Quyết định 580/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ giống cho nông dân để chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng màu tại các tỉnh ĐBSCL, trong 3 vụ tới, mỗi ha chuyển đổi sẽ được hỗ trợ khoảng 2 triệu đồng. |
Đến thời điểm hiện tại, dù đã có sự tham gia của các doanh nghiệp thu mua sản phẩm, đảm bảo có đầu ra cho nông dân, song theo đánh giá của nhiều chuyên gia nông nghiệp, vẫn chưa có sự đảm bảo về thu nhập cho nông dân khi chuyển từ trồng lúa sang trồng màu. Cụ thể, với giá thu mua tại vùng ĐBSCL hiện nay, ở mức 4.700 – 4.800 đồng/kg ngô tươi, tương đương khoảng 5.600 – 5.700 đồng/kg ngô khô, nông dân vẫn chưa có lời. Nếu bán được cả thân ngô, cùi ngô nông dân mới có lãi. Về vấn đề này, ông Lê Tấn Tài cho biết, nếu trồng ngô bà con sẽ bán được tất cả sản phẩm, từ hạt ngô đến lõi (cùi), cũng như thân cây ngô, trong đó riêng tiền bán thân cây có thể thu được thêm 4-5 triệu đồng/ha.
Ông Tài cũng cho biết, hiện doanh nghiệp của ông đang ký kết giá sàn thu mua ngô hạt khô với nông dân là 3.250 đồng/kg, luôn đảm bảo cho nông dân có lợi trên 30%. Theo tính toán, năng suất ngô trung bình ở ĐBSCL có thể đạt từ 12-14 tấn ngô (tươi), tương đương 9-11 tấn ngô (khô), với giá bán và thị trường như hiện nay, giá trị thu về trên 1ha của ngô lớn hơn lúa gấp nhiều lần.
Có một vấn đề khó khăn nhất trong chuyển đổi hiện nay là việc áp dụng cơ giới hóa từ khâu sản xuất đến thu hoạch, sơ chế của ngô ở ĐBSCL. Đối với máy móc phục vụ sản xuất lúa hiện cơ bản đủ và ổn định, riêng máy móc phục vụ ngô như tra hạt, tẽ hạt, chặt cây, bón phân… hiện còn rất thiếu.
Ông Trần Trương Tấn Tài đề nghị, Bộ NNPTNT nên thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi tại ĐBSCL và nên hình thành tổ chức ngành hàng ngô, đậu tương nhằm ổn định, tạo ra và nâng cao giá trị của chuỗi giá trị bao gồm từ giống, kỹ thuật canh tác, sản xuất chế biến, tiêu thụ hàng hóa ngô, đậu tương tại Việt Nam, góp phần ổn định nguồn nguyên liệu và giá thành thức ăn chăn nuôi nước ta.