ThienNhien.Net – Dù đã nỗ lực sử dụng nhiều biện pháp, nhưng việc di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm trong khu dân cư ra ngoại thành tại TP Hồ Chí Minh vẫn gặp nhiều khó khăn. Một trong nhiều nguyên nhân là rất ít khu công nghiệp, cụm công nghiệp (KCN-CCN) đồng ý tiếp nhận những cơ sở sản xuất này.
Xử phạt nhiều vẫn không chuyển
Trong các buổi làm việc với Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND TP Hồ Chí Minh mới đây, lãnh đạo nhiều quận, huyện đã phải “kêu trời” về vấn đề này. Chủ tịch UBND quận 12 Nguyễn Toàn Thắng cho biết, trên địa bàn quận hiện còn hơn 20 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm xen cài trong các khu dân cư, mặc dù chính quyền các cấp đã xử phạt nhiều lần, nhưng vẫn bất lực vì không có chỗ di dời. Điển hình như các cơ sở sản xuất dệt nhuộm tại khu phố 4, phường Đông Hưng Thuận đã bị chính quyền xử phạt không dưới mười lần. Người dân cũng hết lần này đến lần khác phản đối với các cấp chính quyền nhưng rồi đâu vẫn vào đó.
Lãnh đạo quận 12 cũng cho biết thêm, chủ các cơ sở sản xuất nêu trên đều chấp nhận di dời ra khỏi khu dân cư, nhưng chính quyền chưa tìm được KCN hay CCN nào để chuyển đến, đồng thời chưa có cơ chế chính sách hỗ trợ việc di dời. Liên hệ với các KCN lân cận như Tân Phú Trung, Hòa Phú (huyện Củ Chi) thì cả hai đều chưa thể tiếp nhận. Lý do là hệ thống hạ tầng kỹ thuật được đầu tư tại các KCN này không phù hợp với các ngành nghề của các cơ sở kể trên, hoặc do hệ thống xử lý nước thải đã quá tải, không thể tiếp nhận thêm những ngành nghề xả thải nhiều và mức độ ô nhiễm cao.
Tương tự, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân Nguyễn Gia Thái Bình, cũng cho biết, hiện toàn quận có 164 cơ sở sản xuất thuộc các ngành nghề nhuộm, giặt tẩy, xi mạ… Từ đầu năm đến nay, quận đã kiểm tra 42 cơ sở và xử phạt 15 đơn vị vi phạm, cưỡng chế 41 cơ sở. Tuy nhiên, vừa cưỡng chế thì lại phát sinh, nguyên nhân chủ yếu là do quận khó khăn trong việc bố trí các cơ sở này vào các KCN hay cụm CCN.
Tại quận 9, CCN Phước Long (phường Phước Long B, quận 9) gần mười năm nay được coi là điểm đen về ô nhiễm môi trường. Phó Chủ tịch UBND phường Phước Long B, Phạm Thị Hoàn cho biết, cứ mỗi lần người dân kêu là phường và quận kiểm tra, lập biên bản xử phạt các cơ sở sản xuất, nhưng ô nhiễm vẫn hoàn ô nhiễm. Tình trạng ô nhiễm tại CCN này đã kéo dài nhiều năm nay. Để chấm dứt ô nhiễm, không có cách nào khác ngoài việc các cơ sở sản xuất phải di dời, chuyển đổi nghề hoặc ngưng hoạt động. Chuyển đổi nghề hoặc ngưng hoạt động thì các chủ sản xuất không đồng ý, còn di dời thì phường “bó tay” vì không biết đưa đi đâu và không ai tiếp nhận.
Cần phải kiên quyết hơn
Theo thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, từ năm 2010 đến nay, sở và UBND thành phố đã xử phạt gần 30 công ty, cơ sở giặt, nhuộm tại đây với số tiền hơn hai tỷ đồng và buộc phải khắc phục tình trạng ô nhiễm trong vòng 30 ngày, nhưng đến nay tình trạng ô nhiễm vẫn chưa được khắc phục. Tại khu phố 3, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, có tới hàng chục cơ sở nhuộm vải, quần áo hoạt động ngay trong khu dân cư, khiến môi trường sống của người dân ở đó cũng lâm vào cảnh bị ô nhiễm nặng. Chính quyền đã “nỗ lực, quyết liệt” nhiều năm nhưng sự việc đâu vẫn còn đó.
Chẳng hạn, theo kế hoạch, đến thời hạn cuối năm 2013, 24 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm gây ô nhiễm nghiêm trọng trong khu dân cư trên địa bàn thành phố phải được di dời vào khu tập trung. Thế nhưng, đến nay, ngoại trừ một cơ sở tại quận 12 bị buộc phải đóng cửa vì gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, 23 cơ sở còn lại vẫn chưa di dời. Lý giải tình trạng này, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố cho biết, nguyên nhân là do tiến độ đầu tư xây dựng bảy nhà máy giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố chưa hoàn thành đúng tiến độ. Vướng mắc trong thủ tục thẩm định giá thuê đất, thủ tục xây dựng và vốn đã ảnh hưởng đáng kể đến tiến độ thi công các dự án. Nhanh nhất thì phải đến cuối năm 2015, các dự án đầu tư mới có thể đi vào vận hành giai đoạn một.
Trước thực tế trên, Phó trưởng ban Kinh tế – Ngân sách HĐND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Lâm khẳng định, thành phố đã không đạt được mục tiêu đề ra trong việc cải thiện môi trường sống của người dân. Cách đây gần mười năm, UBND thành phố đã có quy định là không cấp giấy phép đầu tư hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 14 ngành nghề độc hại gây ô nhiễm nếu hoạt động trong các khu dân cư tập trung. Trong đó, các nghề chế biến thực phẩm tươi sống, tái chế phế thải, tẩy nhuộm vải sợi… là những ngành nghề được lưu tâm nhiều nhất. Tuy nhiên, bằng nhiều lý do, nhiều viện dẫn, đến nay các cơ sở hành nghề trong danh mục kể trên vẫn hoạt động trong các khu dân cư. Đó là chưa kể, từ năm 2002, thành phố cũng đã có Chương trình di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm trong các khu dân cư vào các KCN và vùng phụ cận, kết hợp với việc bố trí dân cư, chỉnh trang đô thị… và đến nay, khi bị kiểm tra, lãnh đạo địa phương lại tiếp tục kêu không nơi nào chịu tiếp nhận (?).