ThienNhien.Net – Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định về việc hỗ trợ 2 triệu đồng/ha để chuyển đổi 112.000ha đất trồng lúa ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sang các cây trồng khác.
Để thực hiện mục tiêu này, cần phải giải quyết được bài toán liên kết theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.
Với mật độ trồng dày, mỗi ha đất ở ĐBSCL có thể trồng từ 80.000-100.000 cây ngô/ha, qua đó cho năng suất trung bình tới 9-11 tấn/ha, nên có thể thấy cây ngô là đối tượng tiềm năng nhất để có thể trồng thay thế cây lúa.
Dễ tiếp cận về kỹ thuật
Lần đầu tiên trong vụ xuân hè này, anh Lê Hoàng Quốc – nông dân ở ấp Cả Ngay, xã Phú Lợi, huyện Giang Thành (Kiên Giang) mới biết đến việc trồng ngô. Nhà anh Quốc vốn có 5ha ruộng, năm nào cũng vậy hết vụ đông xuân rồi đến xuân hè, hè thu, có năm là lúa vụ 3 anh đều chỉ biết đến gieo trồng mỗi cây lúa. Ruộng nhiều, nhưng do chỉ biết trồng lúa, mà giá lúa mấy năm nay lại giảm nên càng trồng càng lỗ.
Chính vì thế, được sự hỗ trợ của Phòng Nông nghiệp huyện Giang Thành, từ tháng 3 năm nay anh đã mạnh dạn chuyển 3ha đất của mình sang trồng ngô. Anh Quốc cho biết: “Ban đầu, khi cán bộ khuyến nông của huyện xuống hướng dẫn cách trồng ngô, tôi cũng lo lắm vì mình quen trồng lúa bao lâu nay rồi đã biết trồng ngô như thế nào đâu. Được cái, ngô là cây dễ trồng, chỉ cần làm đất, lên luống và tra hạt vào từng hốc là xong”.
Theo tính toán của anh Quốc, trung bình đầu tư mỗi ha lúa hết khoảng 28 triệu đồng, trong khi với ngô là 26 triệu đồng. Với năng suất ngô hạt (khô) đạt tối thiểu 9 tấn/ha nhân, giá khoảng 5.400 đồng/kg, mỗi ha có thể thu về khoảng 48 triệu đồng, tức lãi gần gấp đôi so với vốn đầu tư và tất nhiên lãi hơn trồng lúa.
Cũng giống như anh Quốc, trong vụ xuân hè này, ông Phạm Văn Hừng (70 tuổi) ở ấp Mẹt Lung, xã Vĩnh Phú, huyện Giang Thành đã mạnh dạn chuyển 5/9ha đất trồng lúa sang trồng ngô. Ông Hừng cho biết, vụ đông xuân gần đây, ông đã bị lỗ tới 200 triệu đồng vì trồng lúa nên khi huyện có chủ trương chuyển đổi, ông hưởng ứng ngay.
“So với trồng lúa, kỹ thuật trồng ngô cũng dễ, vốn đầu tư không cao, lại có nơi cam kết thu mua hết luôn sau khi thu hoạch nên chúng tôi cũng không lo” – ông Hừng nói.
Theo anh Cao Thưởng – cán bộ khuyến nông thuộc Trạm Khuyến nông huyện Giang Thành, đây mới là vụ đầu tiên huyện thí điểm mô hình chuyển đổi này. Sau gần 2 tháng trồng giống ngô lai DK 6919 cho thấy, cây ngô rất thích hợp với điều kiện đất đai, khí hậu ở đây khi phát triển tốt mà không cần phải bón quá nhiều phân đạm.
Trong khi đó, anh Chou Simai – cán bộ kỹ thuật cũng cho biết, mặc dù cây ngô mới được đưa vào trồng, song người dân đã rất nhanh nhạy tiếp nhận được kỹ thuật hướng dẫn, nên triển vọng trồng ngô trên diện rộng hoàn toàn có thể thực hiện được.
Không làm mất hẳn diện tích lúa
Mùa vụ ở ĐBSCL được chia ra thành các vụ chính là đông xuân- xuân hè- hè thu hoặc có thể thêm lúa vụ 3 (hay còn gọi là thu đông). Vì thế, một số mô hình chuyển đổi từ trồng lúa sang ngô và các cây màu khác, thực chất chỉ là giải pháp “cắt vụ”, giảm vụ (lúa) để chuyển sang trồng cây khác.
Ông Phạm Văn Hoáng- Trưởng phòng NNPTNT huyện Giang Thành (Kiên Giang) cho biết, được sự phối hợp của đơn vị cung ứng giống là Công ty Dekalb Việt Nam, vụ này phòng đã tiến hành thử nghiệm mô hình chuyển đổi từ lúa sang ngô đối với một số diện tích trên địa bàn huyện, quy mô từ 3 – 5ha/mô hình. Nhìn chung, đến thời điểm này, ngô phát triển khá tốt, ít sâu bệnh và dễ chăm sóc.
Nguyên tắc của chuyển đổi Theo Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), khi thực hiện chuyển đổi các địa phương cần tuân thủ theo 3 nguyên tắc: Không làm mất đi các điều kiện phù hợp để trồng lúa trở lại, không làm biến dạng mặt bằng, không gây ô nhiễm, thoái hóa đất trồng lúa; không làm hư hỏng công trình giao thông, công trình thủy lợi phục vụ trồng lúa; phù hợp với kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm hoặc trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản trên đất trồng lúa của cấp xã. |
Từ những mô hình này, ông Hoáng cho rằng, để hợp lý về mùa vụ, tốt nhất là quy hoạch vụ lúa đông xuân từ tháng 10 -12, sau khi thu hoạch lúa xong bố trí để trồng ngô (từ tháng 1 -4) là tốt nhất, còn từ tháng 4 – 7 bố trí vụ lúa hè thu hoặc cũng có thể bố trí trồng ngô, từ tháng 7- 9 để cho nước ngập vào ruộng.
“Việc cắt vụ xuân hè để trồng ngô có nhiều lợi ích, đó là vừa giúp giảm lượng lúa hàng hóa cần tiêu thụ, vừa giúp giảm sâu bệnh, tăng độ tơi xốp cho đất do bộ rễ của ngô rất dài và sâu” – ông Hoáng phân tích thêm.
Theo ông Hoáng, việc chuyển đổi cho bà con nông dân ở ĐBSCL hiện nay là cần thiết, nhưng cái khó nhất hiện nay là thiếu kinh phí để thực hiện. Riêng huyện Giang Thành có thể chuyển đổi từ 7.000-10.000/32.0000ha lúa sang trồng ngô. “Việc nhà nước hỗ trợ 2 triệu đồng/ha là một chủ trương kịp thời và cần hỗ trợ trực tiếp cho người nông dân” – ông Hoáng nói.
Anh Phạm Văn Beo – nông dân ấp Tân Khánh, xã Tân Khánh Hòa cũng đang đầu tư 6ha ngô lai trên diện tích đất lúa hè thu, chia sẻ: “Trước đây mỗi ha lúa hè thu, tôi chịu lỗ 7,5 triệu đồng. Nay xuống giống trồng ngô, đã có công ty về ký hợp đồng thu bao tiêu sản phẩm ngay từ đầu với giá sàn 3.250 đồng/kg nên không lo đầu ra”. Anh Beo cũng cho biết, vụ này nếu thành công, vụ sau gia đình anh sẽ trồng tới 30ha ngô.