Khát dầu
ThienNhien.Net – Liệu rằng thông qua các nỗ lực bằng con đường ngoại giao, đầu tư, hay sức mạnh quân sự, Trung Quốc có thỏa mãn được nhu cầu năng lượng, đặc biệt đối với cơn khát dầu mỏ đang ngày một tăng của mình?
Bùng nổ nhu cầu năng lượng
Mới đây, Chính phủ Trung Quốc đã thỏa mãn được phần nào nhu cầu năng lượng của mình bằng thỏa thuận với Nga theo hợp đồng cung cấp khí gas tự nhiên trong vòng 30 năm, trong khi hạ đặt giàn khoan trị giá hàng tỷ USD nhằm khai thác dầu khí và khẳng định tham vọng chủ quyền của nước này ở Biển Đông. Mặc dù hai sự kiện liên quan tới hai vấn đề chính trị khác nhau, nhưng nó đều chứng tỏ một điều là Trung Quốc đang mở rộng cách tiếp cận với năng lượng, một chiến lược về kinh tế và chính trị đang được áp dụng ở khắp nơi trên thế giới.
Nền kinh tế của Trung Quốc đã bùng nổ trong hơn 3 thập kỷ qua, dẫn đến việc nhu cầu về năng lượng của Trung Quốc đã thống trị thị trường toàn cầu. Nhu cầu tiêu thụ khủng khiếp của nền kinh tế mới nổi này đã có tác động không nhỏ vào giá dầu trên toàn thế giới từ giữa những năm 2000.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Quốc tế (EIA) của Mỹ cho biết trong báo cáo hàng tháng mới nhất, Trung Quốc nhập khẩu 6,81 triệu thùng một ngày trong tháng 4/2014, một con số kỷ lục, cao nhất từ trước tới nay. Điều này đang gây ngạc nhiên bởi vì nền kinh tế của Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại trong nhiều tháng gần đây, trong bối cảnh nước này khủng hoảng ngành công nghiệp thép và suy thoái mạnh trong lĩnh vực xây dựng mới.
Là một nước nhập khẩu khí tự nhiên lớn nhất thế giới, Trung Quốc phải hợp tác chặt chẽ với Nga để đa dạng nguồn cung, cũng như đầu tư vào thăm dò ở Mỹ và Australia. Hiện tại Trung Quốc đã có các hoạt động đầu tư và các dự án trên toàn cầu. Châu Phi, Trung Đông, Nam Mỹ và Bắc Mỹ, ở đâu cũng thấy sự hiện diện của Trung Quốc.
“Sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế và nhu cầu năng lượng của Trung Quốc đang định hình lại thị trường năng lượng toàn cầu, Trung Quốc đang tiến hành triển khai mạnh mẽ những chiến lược về kinh tế và năng lượng” Mark J.Finley, Tổng Giám đốc thị trường năng lượng và kinh tế toàn cầu của Mỹ cho biết.
Sự thay đổi này đang diễn ra mạnh mẽ. Năm 2000, Trung Quốc chỉ tiêu thụ bằng một nửa năng lượng so với Mỹ. 9 năm sau, năm 2009, Trung Quốc đã vượt Mỹ để trở thành nước tiêu thụ năng lượng nhiều nhất và là nước nhập khẩu năng lượng đứng đầu thế giới.
Tuy nhiên, Trung Quốc có rất ít sự lựa chọn trong vấn đề năng lượng. Theo Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), năm ngoái, một ngày nước này tiêu thụ khoảng 10,1 triệu thùng dầu trong khi chỉ tạo ra được khoảng 4,2 triệu thùng. Việc khai thác dầu ngoài khơi của Trung Quốc cho kết quả không mấy khả quan, và việc khai thác nguồn tài nguyên khí đá phiến trên đất liền vẫn đang phát triển chậm chạp mặc dù việc quản lý năng lượng cho thấy những kết quả lạc quan.
Zhang Mi, Chủ tịch tập đoàn Honghua, một chuyên gia về các giàn khoan dầu, trong một cuộc phỏng vấn tại hội nghị công nghệ năng lượng vừa qua cho biết: “Cuộc cách mạng về khí đá phiến sẽ tới ngày một ngày hai trên thị trường Trung Quốc”. Ông này còn cho biết thêm 100 giàn khoan khí đá phiến đẽ được đưa vào hoạt động vào cuối năm nay.
Thách thức và những toan tính
Hầu hết các chuyên gia về năng lượng tin rằng quá trình đó phải mất từ 5 tới 10 năm nữa, trước khi một khối lượng khí có thể được sản xuất, và thậm chí khi đó thì số lượng cũng không là gì so với nhu cầu của Trung Quốc. Hai khu vực chính có khí đá phiến nằm ở phía Tây, trong khi tiêu thụ năng lượng chủ yếu lại nằm ở phía Đông mà hệ thống đường ống thì rất hạn chế.
Quan trọng hơn, hầu hết khí đá phiến ở Trung Quốc nằm sâu dưới đất hơn so với ở Mỹ, lại có quá trình hình thành phức tạp về mặt địa lý và nghèo hơn. Nền công nghiệp dầu mỏ trong nước đang phải đối mặt với những thách thức về môi trường và sự an toàn, những khó khăn trong việc khoan những giếng dầu sâu trong lòng đất ở phía Đông trong khu vực địa hình có những túi khí bị dồn nén và chứa nhiều khí độc.
Công cuộc kiếm tìm nguồn dự trữ khí tự nhiên tại Trung Quốc đã vươn tới những khu vực nghèo nhất nước, hầu hết là ở những thung lũng ở miền núi xa xôi ở khu vực miền Tây Trung Quốc, nơi có những cánh đồng đất cao trồng cây mù tạc xanh và những triền ngô của những người nông dân lạc hậu. Trong khi một số gã khổng lồ về năng lượng của Trung Quốc như Sinopec, đang sử dụng những dàn khoan hiện đại, thì những công ty nhỏ hơn cũng đang cố gắng tham gia vào ngành công nghiệp này, mặc dù phần đông trong số đó có ít kinh nghiệm và kỹ thuật.
Vấn đề nhập khẩu của Trung Quốc cũng đặt ra những thách thức giống như chính sách đối ngoại mà Mỹ đã phải đối mặt trong những thập kỷ gần đây. Đó là, Quốc gia này dựa chủ yếu vào những khu vực không ổn định của thế giới để đáp ứng nhu cầu của mình.
Hầu hết lượng dầu mỏ nhập khẩu của Trung Quốc là từ vùng vịnh Persique và phải đi qua eo biển Hormuz, an ninh và an toàn ở đây chủ yếu dựa vào hải quân Mỹ. Những con số thống kê cho thấy 500.000 thùng dầu mỗi ngày mà Trung Quốc tiêu thụ có xuất xứ từ Iran.
Tuy nhiên, lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran đã khiến cho nguồn cung dầu của nước này trở nên thiếu ổn định. Cùng lúc đó, nguồn cung dầu thô từ các nước Libya, Sudan và nam Sudan cũng ít hơn do tình hình căng thẳng tại các quốc gia này. Bộ năng lượng gần đây cho biết Trung Quốc đã xử lý linh hoạt tình huống đó bằng cách đa dạng hóa nguồn cung từ Oman, Các tiểu vương quốc Arập thống nhất, Angola, Venezuela, Nga và Iraq.
Mối quan hệ của Trung Quốc với các quốc gia năng lượng cũng có những bất đồng sâu sắc mà Việt Nam là một ví dụ điển hình. Để bảo vệ giàn khoan phi pháp ở Biển Đông, Trung Quốc đã dùng các tàu của mình để đâm, va, phun vòi rồng vào các tàu chấp pháp, tàu cá của Việt Nam. Hành động của Trung Quốc đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các quốc gia láng giềng và từ chính quyền của Tổng thống Obama.
Nhưng tại Iraq, nơi Trung Quốc là khách hàng lớn nhất và các công ty Trung Quốc là các nhà đầu tư dầu mỏ lớn tại đây, thì nước này tỏ ra thận trọng khi đứng ngoài tình trạng căng thẳng sắc tộc. Và có vẻ như họ không quan tâm tới mức độ ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực.
Các quan chức Trung Quốc đang ngày càng lo lắng khi sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu của nước này đang tiếp tục tăng, đạt mức 60% trong năm nay. Đây được coi là dòng nguy hiểm. Các nhà lập kế hoạch của Trung Quốc đã nghiên cứu chặt chẽ những gì sẽ xảy ra trong một cuộc xung đột toàn cầu kiểu như chiến tranh toàn diện ở Trung Đông, đóng cửa vịnh Hormuz. Đông Á sẽ chịu tổn thương nhiều hơn so với Mỹ nếu nguồn cung dầu mỏ từ Trung Đông bị gián đoạn.
Kỳ cuối: Tăng dự trữ chiến lược