ThienNhien.Net – Hai tháng nay, tại bản Cô thuộc xã Châu Thành, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An), Công ty CP Đá và Khoáng sản Phủ Quỳ ngang nhiên tổ chức khai thác trái phép đá sắt.
Bản Cô ầm ĩ tiếng máy khoan
Huyện Quỳ Hợp là nơi có nhiều loại khoáng sản đa dạng và phong phú nhất tỉnh Nghệ An, như thiếc, đá trắng, kim loại. Riêng với loại đá sắt ở xã Châu Thành được đánh giá đã tích tụ hàng triệu năm, đá sau khi khai thác được mài, đánh bóng trơn nhẵn theo hình, thế với nhiều màu sắc. Đây là loại khoáng sản đặc biệt, vì vậy số đơn vị được cấp phép để khai thác loại đá này không nhiều.
Riêng tại bản Cô, xã Châu Thành, từ 2 tháng nay, mặc dù không có khảo sát, thăm dò nhưng Công ty CP Đá và Khoáng sản Phủ Quỳ (trụ sở đóng tại thị trấn Quỳ Hợp) vẫn đưa máy móc vào khai thác rầm rộ. Kể từ đó, những diện tích đất mà người dân khai khoang, trồng cây canh tác bấy lâu nay bị xới tung.
Chúng tôi chứng kiến cảnh khai thác với rất nhiều máy móc hoạt động ầm ĩ tại núi bản Cô, âm thanh hỗn loạn, xé toang cả không gian núi đồi. Một công nhân (xin được giấu tên) cho biết: “Tôi là người trong huyện Quỳ Hợp, làm cho Công ty CP Đá và Khoáng sản Phủ Quỳ. Chúng tôi khai thác đá ở bản Cô này được gần 2 tháng, mỗi ngày khai thác khoảng 5 – 6 xe”.
Không chỉ tiếng máy khoan ầm ĩ, còn bụi bặm mù mịt khắp bản. Qua trò chuyện với bà mế người Thái được biết, họ đang khai thác đá trên phần đất của anh Lang Văn Lợi.
Theo ông Lô Minh Dương – Chủ tịch UBND xã Châu Thành: “Người ta vào đền bù thỏa thuận với dân, còn thế nào tôi không rõ. Họ vào gặp xã xin làm từ ngày 26.3, diện tích ở đó khoảng 1ha. Họ đề nghị ủng hộ xã một ít kinh phí xây dựng công trình vệ sinh, trị giá khoảng 40 triệu đồng”.
Khai thác đá không phép
Ông Lê Sỹ Hào – Trưởng phòng TNMT huyện Quỳ Hợp cho biết: “Về việc Công ty CP Đá và Khoáng sản Phủ Quỳ khai thác đá sắt ở bản Cô, chúng tôi cần xác minh. Còn nếu đơn vị nào chưa có phép mà khai thác thì đều phải xử lý, không lấy danh nghĩa làm từ thiện để khai thác chui được”. |
Ông Lô Minh Dương phân trần: “Thú thực là một số cơ quan Nhà nước cần đá này để đặt làm phong thủy. Chính quyền địa phương cũng rất khó xử. Người ta điện, người ta xin một ít hòn làm phong thủy cho cơ quan, mà không cho không được”.
Khi được hỏi về giấy phép thăm dò và khai thác đá sắt ở bản Cô, ông Dương cho biết: “Nếu làm thủ tục cấp phép thì không đủ chi phí vì số lượng không nhiều, mà chúng tôi thì rất khó xử với cơ quan cấp trên”.
Cũng theo ông Dương, mỗi ngày 5 – 6 chuyến xe chở đá sắt ra hướng thị trấn Quỳ Hợp, từ đó đến nay đã có số lượng lớn đá được múc lên khỏi ngọn đồi bản Cô. Khối to thì vài tấn, nhỏ vài tạ, rồi họ đưa xe chở về mài, đánh bóng. Khi họ vào không có giấy phép gì cả, không trình hồ sơ gì cả. Ông Dương thừa nhận: “Chúng tôi biết đó là sai rồi”.
Bà Nguyễn Thị Việt Hà – Kế toán trưởng Công ty CP Đá và Khoáng sản Phủ Quỳ cho rằng: “Cơ quan cấp trên nhờ bên chị vào khai thác, nên làm giúp thôi. Đá đó chỉ đi làm từ thiện, chứ công ty không được cái gì cả”.
Theo như thừa nhận của bà Hà thì công ty được cấp phép khai thác, chỉ lấy một số viên về lựa chọn và đưa về xưởng cho thợ làm do họ nhờ. Nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi, trên website giới thiệu và bán hàng của công ty này có tồn tại loại sản phẩm “Đá phong thủy” nằm trong danh mục sản phẩm kinh doanh. Nghi vấn của người dân về việc công ty này lợi dụng công văn đề nghị cung cấp đá phong thủy cho các điểm di tích lịch sử để khai thác chui và bán ra thị trường là có cơ sở.