ThienNhien.Net – Cuối tháng 5-2014, Nam bộ bước vào giai đoạn giao mùa. Thời điểm này, thời tiết diễn biến phức tạp, đang nắng gay gắt chuyển sang mưa lớn kèm theo dông lốc, sấm sét… Thậm chí, khu vực ĐBSCL đã xuất hiện mưa đá. Đây là những dấu hiệu thời tiết cực đoan, đánh dấu biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng…
Chung thiệt hại
Chỉ tính riêng 4 tỉnh ven biển ở ĐBSCL là Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh đã có hơn 10.000ha tôm sú bị thiệt hại. “Năm ngoái, 50% diện tích tôm nuôi ở Vĩnh Châu (Sóc Trăng) chết thành dịch, thiệt hại ước trên 110 tỷ đồng. Năm nay người nuôi làm ao đàng hoàng, chăm sóc kỹ hơn nhưng tôm cũng đã chết trong 1.600ha nuôi”, ông Hai Nhiệm nông dân ở Sóc Trăng than thở!
Chuyện tôm chết có nhiều nguyên nhân như con giống, môi trường ô nhiễm… Tuy nhiên, nguyên nhân chính hiện tại là do nắng nóng. Trong khi đó, sự gia tăng của “lũ mặn” ở các vùng ven biển là một cảnh báo nhãn tiền về sự dâng cao của nước biển.
Ghi nhận tại các tỉnh ven biển như Bến Tre, Trà Vinh, Cà Mau, Bạc Liêu… độ mặn năm nay đều cao hơn cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tại Cà Mau độ mặn lên đến khoảng 30‰. Theo đó, “lũ mặn” ngày càng gay gắt, tình trạng thiếu nước ngọt trong sinh hoạt diễn ra trên diện rộng. Nhiều nơi người dân phải mua nước ngọt xài với giá gần 200.000 đồng/m³. Theo Bộ NN-PTNT, hiện nay ĐBSCL có trên 100.000ha đất sản xuất nông nghiệp bị “lũ mặn” đe dọa, gây thiệt hại.
Người nuôi tôm dù giàu hay nghèo, ở nông thôn hay thành thị đều chung một nỗi buồn… tôm chết và tìm nguồn nước ngọt trong sinh hoạt gia đình. Đây là tình cảnh mà các nhà khoa học đã khuyến cáo về hậu quả của biến đổi khí hậu: “Sớm mai thức dậy, người nghèo, người giàu, người khôn, người dại… suy nghĩ và số phận của họ rất khác nhau… Nhưng hiểm họa có thể làm cho số phận họ như nhau”!
Các tỉnh, thành ĐBSCL gần như đã “thuộc lòng” các kịch bản biến đổi khí hậu khi hàng năm diện tích nhiễm mặn lên tới 1,7 triệu ha. Đến cuối thế kỷ này, nhiệt độ trung bình ở ĐBSCL có thể tăng thêm 1,3 – 2,8°C, mưa có thể tăng 4-8%, nước biển dâng theo kịch bản thấp là 66cm, cao 99cm. Nước biển dâng cao 1m có thể làm 39% diện tích ở ĐBSCL bị ngập, 35% dân số bị ảnh hưởng. ĐBSCL là vựa lúa, vựa thủy sản, trái cây…
Hiện tại và tương lai, sự phát triển của ĐBSCL đang bị đe dọa. Đây là một trong những khu vực bị tổn thương nặng nề nhất của Việt Nam do tác động của biến đổi khí hậu.
Lãng quên rừng phòng hộ ven biển
Nhiều dự án đã được triển khai để ĐBSCL ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, một vấn đề đang đặt ra là tính thống nhất, liên thông của các dự án thích ứng với biến đổi khí hậu hiện nay. Gần như các tỉnh đều có dự án để ứng phó với biến đổi khí hậu. Song, các dự án này chưa thể hiện rõ tính liên thông cấp vùng, vì biến đổi khí hậu không chỉ xảy ra trên cấp độ địa giới hành chính. Nên việc ứng phó với biến đổi khí hậu phải có tính liên kết, liên thông theo các vùng sinh thái.
Trong khi đó, cách thức ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng cao đối với các tỉnh ven biển vẫn chưa có khuyến cáo khoa học rõ ràng. Các dự án đề xuất vẫn còn nặng tính địa phương, dễ thấy nhất là các dự án xin cấp vốn xây kè chống sạt lở, thiếu đánh giá vai trò hệ thống rừng ngập mặn ven biển. Trong khi đó, các nhà khoa học chưa đánh giá hết hiệu quả cũng như tác động của việc xây đê ven biển!
Vừa qua, tại Trà Vinh hàng ngàn cây bần tại rừng phòng hộ Cồn Nạng (xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang) bị đốn hạ làm củi khiến người dân và chính quyền địa phương bức xúc. Theo người dân ở đây, rừng bần giúp chắn sóng, không gây sạt lở và làm không khí trong lành, bảo vệ sức khỏe người dân và thu lợi rất lớn trong việc đánh bắt hải sản. Việc rừng bần bị đốn không thương tiếc là lời cảnh báo về sự thiếu hiểu biết cũng như trách nhiệm của các địa phương vì đã thờ ơ với việc bảo vệ hệ thống sinh thái ven biển.
Đây cũng là lời cảnh báo để sớm hoàn thành các nghiên cứu ảnh hưởng biến đổi khí hậu đến các vùng ngập nông, rìa vùng ngập lũ, ven biển…