ThienNhien.Net – Theo thông tin từ Bộ Xây dựng, Bộ vừa có tờ trình gửi Thủ tướng chính phủ phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch xây dựng Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang đến 2030.
Theo đó, Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn gồm 4 huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ của tỉnh Hà Giang, diện tích tự nhiên khoảng 235.680ha; có địa giới phía Bắc và phía Đông giáp Trung Quốc, phía Nam giáp huyện Bắc Mê, huyện Bảo Lâm (tỉnh Cao Bằng) và phía Tây giáp huyện Vị Xuyên.
Dân số năm 2013 khoảng 265.000 người, dự kiến đến năm 2020, quy hoạch dân số khoảng 300.000 người, đến năm 2030 dân số khoảng 330.000 người. Khách du lịch năm 2013 khoảng 0,5 triệu lượt khách, dự kiến đến năm 2020 đạt khoảng 2,3 triệu lượt khách/năm, đến năm 2030 đạt khoảng 3,5 triệu lượt khách/năm.
Quy hoạch dự kiến phân vùng và định hướng phát triển không gian thành các công viên chuyên đề (Công viên địa văn hóa, Công viên khoa học địa chất, Công viên địa sinh học); các đô thị – Trung tâm du lịch (Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Tam Sơn) và các thị trấn khác; mạng lưới điểm dân cư nông thôn; cơ sở kinh tế, đặc biệt là cơ sở phục vụ phát triển dịch vụ, thương mại, du lịch; các vùng nguyên liệu nông, lâm sản, dược liệu…
Trong đó, điểm nhấn là xây dựng các đô thị – trung tâm du lịch bao gồm: Thị trấn Đồng Văn – Trung tâm du lịch văn hóa lịch sử; thị trấn Mèo Vạc – Trung tâm du lịch khoa học, mạo hiểm và thương mại cửa khẩu; thị trấn Yên Minh – Trung tâm du lịch sinh thái, đô thị xanh; thị trấn Tam Sơn – Trung tâm du lịch, vui chơi giải trí (Quản Bạ).
Định hướng phát triển không gian đô thị gồm các khu vực bảo tồn, tôn tạo, các khu chức năng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt là dịch vụ, thương mại, du lịch, các khu trung tâm hành chính, giáo dục đào tạo, y tế, khu ở, công viên, cây xanh tự nhiên, các khu chức năng khác.
Nhiệm vụ quy hoạch chỉ ra định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật về giao thông liên kết, đánh giá môi trường chiến lược, đề xuất các giải pháp giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường, đặc biệt tại các khu vực có giá trị di sản địa chất, đa dạng sinh học và cộng đồng dân cư; đề xuất các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội.