ThienNhien.Net – Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh sẽ báo cáo trước Quốc hội về tình hình biển Đông, việc Trung Quốc đặt trái phép giàn khoan, đồng thời đề cập chủ trương, giải pháp của Việt Nam.
Chiều 19-5, Văn phòng Quốc hội (QH) đã tổ chức họp báo về chương trình kỳ họp thứ 7, QH khóa XIII, khai mạc vào sáng nay, 20/5.
Sẽ quyết định biện pháp cụ thể
Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết chiều 20-5, QH sẽ dành thời gian nghe Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh trình bày báo cáo của Chính phủ về tình hình biển Đông, việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 ở khu vực thuộc thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Phó Thủ tướng cũng đề cập chủ trương và giải pháp của Việt Nam.
Ngoài ra, QH cũng sẽ nghe Chính phủ báo cáo tình hình và biện pháp giải quyết về việc ở một số địa phương xảy ra tình trạng manh động, đập phá nhà xưởng. Phần thảo luận về 2 nội dung này, QH họp riêng, sau đó có thể họp báo công bố thông tin với báo chí.
Trước câu hỏi QH sẽ có phản ứng gì đối với việc Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép, ông Nguyễn Hạnh Phúc nói: “Trên tinh thần thượng tôn pháp luật, QH Việt Nam luôn chủ trương giải quyết tranh chấp bằng hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế”.
Báo chí đặt vấn đề QH có ra một nghị quyết hay tuyên bố riêng về hành vi vi phạm luật pháp quốc tế và luật pháp Việt Nam của Trung Quốc hay không, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết tại kỳ họp, QH sẽ nghe báo cáo và dành thời gian trao đổi về vấn đề này.
Báo Người Lao Động đặt câu hỏi: “Nghị quyết về kinh tế – xã hội có đề cập vấn đề phát triển kinh tế biển, cơ chế chính sách hỗ trợ ngư dân, lực lượng chấp pháp trên biển hay không?”. Chủ nhiệm Văn phòng QH khẳng định: “Khi thảo luận về tình hình kinh tế – xã hội những tháng đầu năm, QH sẽ trao đổi kỹ vấn đề này. Nhiều giải pháp tổng thể sẽ được bàn”.
Ông Phúc cho rằng khi xem xét cụ thể báo cáo của Chính phủ, QH sẽ quyết định các giải pháp đề xuất mà Chính phủ trình ra, trong đó có những giải pháp mang tính chất tổng quát.
Không điều chỉnh chỉ tiêu kinh tế – xã hội
Theo Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, QH ghi nhận và trân trọng cảm ơn các nghị sĩ, nghị viện nhiều nước đã lên tiếng phản đối hành động vi phạm của Trung Quốc cũng như đồng lòng ủng hộ Việt Nam. Những đoàn nghị viện các nước đến Việt Nam hay các đoàn Việt Nam ra nước ngoài đều thảo luận về vấn đề này, đặc biệt là đoàn Thượng viện Mỹ.
Trên các diễn đàn quốc tế, QH sẽ có những cuộc trao đổi về vấn đề này bởi đây không chỉ là vấn đề chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam mà còn ảnh hưởng đến an ninh hàng hải trong khu vực.
Tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Hạnh Phúc phủ nhận khả năng QH phải điều chỉnh các chỉ tiêu kinh tế – xã hội năm 2014 do ảnh hưởng từ vụ giàn khoan. “Các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 4 tháng đầu năm rất tốt, chưa thấy dấu hiệu nào cần phải điều chỉnh” – ông Phúc quả quyết.
Trước câu hỏi về việc xây dựng Luật Biểu tình không nằm trong chương trình nghị sự, ông Nguyễn Hạnh Phúc giải thích: Hiến pháp mới được thông qua năm 2013. Sau khi Hiến pháp được thông qua, có rất nhiều luật cần bổ sung, sửa đổi cho phù hợp. QH đang tập trung vào nhóm luật tổ chức các cơ quan nhà nước nên Luật Biểu tình phải gác lại đến cuối năm.
Tham gia trả lời báo chí về thông tin nhiều lao động Trung Quốc muốn về nước sau sự cố tại KCN Vũng Áng (tỉnh Hà Tĩnh), Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết các cơ quan chức năng đã nỗ lực giúp đỡ các doanh nghiệp nước ngoài cũng như Việt Nam xử lý thiệt hại.
Theo ông Tuấn, các công nhân, kỹ sư, lãnh đạo doanh nghiệp Trung Quốc đã trở lại làm việc. Tổng Giám đốc Công ty Formosa vẫn cam kết tiếp tục duy trì đầu tư tại Việt Nam. Chủ dự án, các nhà thầu, kỹ sư Trung Quốc, Đài Loan cũng ngỏ lời cảm ơn vì các cơ quan chức năng đã nhanh chóng vào cuộc.
“Theo đề nghị của Đại sứ quán Trung Quốc, Việt Nam đã tạo điều kiện cho các công nhân bị thương về nước một cách thuận lợi” – ông Tuấn cho biết.
Lấy phiếu tín nhiệm sau 3 năm
Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn lần đầu tiên được triển khai đã phản ánh chủ trương đúng đắn, cần thiết. Việc này đã giúp đội ngũ cán bộ tự soi mình, thấy được những ưu, khuyết điểm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; từ đó đổi mới, nâng cao chất lượng, phương pháp lãnh đạo, phòng ngừa sai phạm. Đây cũng là một kênh để các cơ quan quản lý cán bộ tham khảo. Qua lần đầu lấy phiếu, Ủy ban Thường vụ QH nhận thấy một số điểm cần rút kinh nghiệm để thực hiện tốt hơn. Tại kỳ họp này, Ủy ban Thường vụ QH sẽ báo cáo với QH nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung để QH xem xét, quyết định. Cụ thể, sẽ đề nghị QH giữ nguyên quy định hiện hành về việc lấy phiếu những người do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Riêng những người mà HĐND không phê chuẩn nhưng giữ các chức danh giám đốc sở cấp tỉnh, trưởng phòng ở cấp huyện, Ủy ban Thường vụ QH kiến nghị QH quy định lấy phiếu ở các hội nghị khác. Việc lấy phiếu như hiện nay có ưu điểm là cơ sở để đánh giá cán bộ hằng năm nhưng thời gian quá ngắn, chưa đủ để cán bộ tự sửa chữa và khắc phục. Vì vậy, sẽ sửa đổi để chỉ lấy phiếu tín nhiệm vào cuối năm thứ 3, tức là năm giữa nhiệm kỳ QH, HĐND. Về hình thức, vẫn giữ nguyên 3 mức: tín nhiệm, tín nhiệm cao, tín nhiệm thấp để phân biệt rõ giữa việc lấy phiếu và bỏ phiếu. |
Xem xét thông qua 11 dự án luật
Kỳ họp thứ 7, QH khóa XIII khai mạc ngày 20-5, bế mạc ngày 24-6. Trong đó, QH sẽ dành 21/28 ngày để xem xét thông qua 11 dự án luật, 3 nghị quyết và cho ý kiến lần đầu với 16 dự án luật. Như thường lệ, kỳ họp dành 2 ngày rưỡi cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn (từ ngày 10 đến 12-6). Hôm nay, sau phần khai mạc, QH sẽ nghe báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước năm 2013; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2014; báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri… |