ThienNhien.Net – Ban quản lý Khu chế xuất, khu công nghiệp TPHCM (Hepza) vừa cho biết đã xác định các nguồn thải gây ô nhiễm môi trường tại Khu công nghiệp Lê Minh Xuân. Theo đó, các nguồn phát sinh nước thải, khí thải chủ yếu của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xi mạ, thuộc da, nhuộm, cao su, xử lý chất thải nguy hại và gia công, đóng gói thuốc bảo vệ thực vật.
Theo Hepza, đây là khu công nghiệp được hình thành để tiếp nhận những ngành nghề phát sinh ô nhiễm, những cơ sở sản xuất nhỏ và vừa di dời từ nội thành ra. Do đó, tình hình ô nhiễm tại Khu công nghiệp Lê Minh Xuân diễn biến khá phức tạp trong nhiều năm qua. Hiện tại, với những doanh nghiệp lớn đang hoạt động trong khu công nghiệp, Ban quản lý kiểm soát được cơ bản chất lượng xử lý môi trường khi 100% doanh nghiệp đã kết nối hệ thống xử lý nước thải cục bộ về hệ thống xử lý nước thải tập trung.
Vấn đề đáng lo ngại là những cơ sở nhỏ thuộc cụm công nghiệp Lê Minh Xuân nằm sát bên cạnh khu công nghiệp. Trong số 34 cơ sở đang hoạt động tại đây, phần lớn đều có công nghệ sản xuất lạc hậu. Những cơ sở này đang thực hiện kết nối hệ thống xử lý nước thải cục bộ về hệ thống xử lý nước thải tập trung của khu công nghiệp. Tuy nhiên, theo bà Trương Mỹ Linh, Phó Tổng Giám đốc Khu công nghiệp Lê Minh Xuân, có rất ít cơ sở chuyển giao nước thải về. Phần lớn cơ sở chỉ kết nối để làm hình thức nhằm đối phó với cơ quan chức năng.
Để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm tại Khu công nghiệp Lê Minh Xuân, từ năm 2013, Hepza đã kiểm tra và xử phạt 12 doanh nghiệp vi phạm. Trong đó, hành vi vi phạm môi trường phổ biến của các doanh nghiệp này là xả khí thải vượt tiêu chuẩn cho phép; không thực hiện báo cáo quản lý chất thải nguy hại; không có biện pháp phòng ngừa ứng phó sự cố hóa chất; chuyển giao chất thải không đúng quy định.
Trong thời gian tới, Hepza đã kiến nghị Sở Công thương, Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn và Công ty cổ phần Đầu tư Bình Chánh hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng biện pháp ứng phó sự cố hóa chất; thực hiện nạo vét kênh số 6, 8 để phòng ngừa tình trạng tắc nghẽn kênh, gây ảnh hưởng chất lượng môi trường sống của người dân dọc hai tuyến kênh trên. Ngoài ra, với Công ty cổ phần Đầu tư Bình Chánh thì cần cải tạo lại hệ thống đấu nối nước thải với các doanh nghiệp. Đồng thời, kiểm soát chặt chất lượng cũng như số lượng nước thải chuyển giao từ các doanh nghiệp, hạn chế tối đa việc doanh nghiệp lén xả nước thải ra môi trường.
Quan trọng hơn, công ty cần phải triển khai lắp đặt hệ thống quan trắc tự động nước thải sau xử lý để nâng cao chất lượng xử lý nước thải chung cho toàn khu trước khi thải ra môi trường.