Gỡ khó cho xử lý môi trường

ThienNhien.Net – Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM vừa có cuộc họp với các đơn vị chức năng liên quan đến vấn đề gỡ khó cho hoạt động xử lý hành vi vi phạm môi trường. Tại cuộc họp này, nhiều cơ quan chức năng cho rằng nghị định về xử phạt môi trường còn nhiều bất cập. Điều này gây hạn chế đáng kể đến hiệu quả thanh, kiểm tra và xử lý những trường hợp vi phạm.

Cơ quan chức năng cũng… rối

Nhiều đại diện các quận, huyện trên địa bàn TPHCM bức xúc, hiện nay trong nghị định xử phạt hành vi vi phạm môi trường mới có quy định trách nhiệm của cá nhân và doanh nghiệp vi phạm. Thế nhưng trên thực tế, có những trường hợp vi phạm là cơ sở sản xuất nhỏ, thậm chí rất nhỏ. Họ vừa là cá nhân, nhưng cũng vừa là doanh nghiệp, vậy áp dụng điều khoản phạt họ là doanh nghiệp hay cá nhân?

Đại diện UBND quận 1 cho rằng, nếu thực hiện kiểm tra xử phạt những doanh nghiệp không có cam kết bảo vệ môi trường hoặc đánh giá tác động môi trường thì chắc phần lớn doanh nghiệp trên địa bàn quận đều đóng cửa. Bởi hầu hết các doanh nghiệp tại đây hoạt động trong lĩnh vực thương mại dịch vụ, kinh doanh ngành nghề nhà hàng khách sạn. Họ không có cam kết bảo vệ môi trường cũng như đánh giá tác động môi trường. Mặt khác, quy định ngưng cấp phép cam kết môi trường, đánh giá tác động môi trường trong thời gian qua đã hạn chế đáng kể điều kiện được kinh doanh, sản xuất theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường của doanh nghiệp.

Không chỉ vậy, quy định những doanh nghiệp nào chưa có cam kết bảo vệ môi trường cũng như đánh giá tác động môi trường, nếu muốn đăng ký cấp phép phải bị phạt thật nặng, mới được làm thủ tục cấp phép là chưa hợp lý.

Đại diện quận Bình Tân, Tân Bình, Tân Phú và huyện Bình Chánh cho rằng, hiện có rất nhiều doanh nghiệp sản xuất gây ô nhiễm trong khu dân cư nhưng việc thanh kiểm tra, xử lý gặp vô vàn khó khăn, nhất là các cơ sở hộ gia đình. Các cơ quan chức năng xử phạt rồi nhưng họ vẫn tái vi phạm vì không có biện pháp khắc phục. Nhiều hộ gia đình còn đổi tên cơ sở, thậm chí bỏ luôn tên cơ sở hoặc bảng hiệu kinh doanh. Có những trường hợp ra quyết định xử phạt nhưng hơn một năm họ vẫn không nộp phạt. Với những trường hợp đó, thường là quận… phải làm ngơ vì không biết xử lý tiếp như thế nào.

Không dừng lại đó, tình trạng chồng chéo trong công tác thanh kiểm tra đang là mối quan ngại sâu sắc của doanh nghiệp. Tình trạng này đã được phản ánh nhiều trong những lần góp ý dự thảo quy định xử phạt hành vi vi phạm môi trường. Và gần đây nhất là góp ý cho dự thảo sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường.

 Đoàn thanh, kiểm tra liên ngành TPHCM kiểm tra tình hình chấp hành Luật Bảo vệ môi trường tại quận 8 (Ảnh: Minh Xuân/Sài Gòn Giải Phóng)

Đoàn thanh, kiểm tra liên ngành TPHCM kiểm tra tình hình chấp hành Luật Bảo vệ môi trường tại quận 8 (Ảnh: Minh Xuân/Sài Gòn Giải Phóng)

Chủ động, linh hoạt trong xử lý vi phạm

Liên quan đến những bất cập trên, với những doanh nghiệp sản xuất gây ô nhiễm nằm trong khu dân cư thì cần phải xử lý có tình, có lý. Một phần phải xem xét đến yếu tố lịch sử để lại. Hiện UBND TPHCM đã có chủ trương tiếp tục di dời các doanh nghiệp này. UBND các quận đang thực hiện rà soát, lập danh sách để trình UBND TP có chính sách hỗ trợ. Nói như thế không có nghĩa là doanh nghiệp đang chờ di dời được quyền gây ô nhiễm mà họ phải có giải pháp khắc phục tạm thời.

Nếu không bảo đảm được an toàn môi trường thì chắc chắn sẽ bị điều chỉnh theo luật định. Bà Lê Thị Kim Oanh, Phó Chánh thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết thêm, với nghị định xử phạt mới hiện nay, có thể linh hoạt xử lý những hành vi vi phạm môi trường. Cụ thể, với trường hợp cơ sở kinh doanh hộ cá thể, có thể áp dụng những quy định xử phạt dành cho đối tượng là cá nhân. Còn với việc đăng ký cam kết bảo vệ môi trường hoặc đánh giá tác động môi trường thì thực sự là cần thiết, nhất là với những doanh nghiệp chuẩn bị đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Theo UBND quận 8, TPHCM, hiện toàn quận có 62/64 doanh nghiệp sản xuất gây ô nhiễm đã được di dời. Số còn lại chưa tìm được địa điểm di dời hoặc đang trong giai đoạn chờ hoàn thiện đầu tư nhà máy tại những địa điểm mới. Riêng một số cơ sở giết mổ gia súc đang chờ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn thiện quy hoạch và xây dựng hệ thống trung tâm giết mổ để di dời đến.Ái Vân/SGGP

Từ trước tới nay, chúng ta vốn quen với hoạt động kinh doanh tự do nên khi thắt chặt quy định, người dân cảm thấy khó. Tuy nhiên, nếu không kiểm soát ô nhiễm ngay từ gốc thì với cách xử lý như hiện nay cũng chỉ giải quyết sự vụ, giải quyết được cái ngọn của thực trạng vi phạm môi trường.

Liên quan đến vấn đề xử phạt, hiện nay mức xử phạt tăng lên rất cao. Tối đa có thể phạt tiền tới 2 tỷ đồng/hành vi vi phạm. Đây được xem là mức đủ sức răn đe doanh nghiệp nào cố tình vi phạm môi trường. Không chỉ thế, mức phạt tiền này còn kèm theo những hình thức phạt bổ sung rất khắc nghiệt. Đơn cử như buộc nộp lại toàn bộ lợi nhuận thu được do hành vi vi phạm môi trường mà có; buộc tái lập hiện trạng môi trường trước khi bị gây ô nhiễm. Đặc biệt, doanh nghiệp ngoài đóng tiền phạt còn bị truy thu phí bảo vệ môi trường đối với những trường hợp vi phạm xả nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép. Cuối cùng là buộc truy thu phí trưng cầu giám định và phân tích mẫu vi phạm.

Ngoài ra, với những doanh nghiệp vi phạm môi trường cố tình không nộp phạt đúng quy định sẽ bị thu thêm lãi suất nộp chậm là 0,05%/ngày nộp chậm…

Có thể nói, quy định xử lý hành vi vi phạm môi trường cho đến nay đã khá hoàn thiện và chặt chẽ. Mức xử phạt đủ để doanh nghiệp phải cân nhắc nếu cố tình vi phạm. Vấn đề còn lại là các cơ quan chức năng sẽ tăng cường thanh kiểm tra, kiên quyết xử lý những trường hợp cố tình vi phạm môi trường như thế nào để trả lại môi trường sống an toàn cho người dân.