ThienNhien.net – Nhân chuyến công du của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đến châu Phi hồi đầu tháng này với mục tiêu mở rộng đầu tư vào Châu Phi, cố vấn cao cấp về biến đổi khí hậu của Tổ chức Christian Aid đã có bài bình luận về các nguồn đầu tư của Trung Quốc vào Châu Phi trong thời gian vừa qua từ góc nhìn về quyền lợi của người dân Châu Phi và môi trường toàn cầu. Xin giới thiệu với độc giả bài bình luận này.
Chuyến công du của Thủ tướng Lý Khắc Cường đến châu Phi hồi tuần trước không chỉ nhắm đến các thỏa thuận dầu mỏ như trước đây. Điều này hứa hẹn bước tiến mới trong mối quan hệ hợp tác khi mà mối quan tâm trong mấy thập kỷ gần đây của Trung Quốc đối với vùng đất này chủ yếu liên quan đến dầu mỏ và các loại khoáng sản có giá trị khác.
Trung Quốc là nhà đầu tư giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển của châu Phi. Nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ Trung Quốc từ 392 triệu đô năm 2005 đã lên đến 2,5 tỉ đô la vào năm 2012. Tuy nhiên, mối quan hệ hợp tác dựa trên nhiên liệu hóa thạch cho thấykhông thể đáp ứng tiềm năng phát triển của Châu Phi, đồng thời cũng không thể đảm bảo một nền kinh tế bền vững cho Trung Quốc.
Thực tế cho thấy Châu Phi đang bỏ lỡ các nguồn lợi chính đáng từ khai thác tài nguyên hóa thạch. Các công ty khai khoáng Trung Quốc thường rao giảng rằng họ hoạt động vì người nghèo và nhằm cải thiện tình trạng thiếu năng lượng. Tuy nhiên, hiện tại vẫn có 600 triệu người châu Phi chưa được tiếp cận với điện, trong khi 80% dân số vẫn phải nấu ăn và sưởi ấm bằng nguồn nhiên liệu sinh khối truyền thống.
Trong khi đó, bất chấp tình trạng thiếu năng lượng trầm trọng của Châu Phi, khí hậu vẫn đang tiếp tục biến đổi, chủ yếu là do khí thải của ngành năng lượng toàn cầu. Tác động của nó đối với hàng triệu người Châu Phi đang chịu cảnh đói khát, mùa màng thất bát là vô cùng thảm khốc.
Trong số khí thải từ ngành năng lượng hóa thạch toàn cầu, châu Phi chiếm khoảng 2,3% trong khi Trung Quốc chịu trách nhiệm phát thải khoảng 10%. Tuy lượng khí thải trên đầu người ở cả châu Phi và Trung Quốc đều khá thấp so với các quốc gia phát triển, nhưng có thể nói đầu tư của Trung Quốc vào nguồn năng lượng ở châu Phi đã thất bại trong việc mang lại lợi ích cho người dân châu Phi. Và đã đến lúc Trung Quốc cần có một quyết định cứng rắn để cả hai bên đều có thể hướng tới một sự phát triển bền vững.
Câu hỏi đặt ra là Trung Quốc và Châu Phi phải hợp tác theo phương cách nào khi đương đầu với thách thức lớn nhất của thời đại – biến đổi khí hậu?
Bằng cách hướng tới lợi ích chiến lược” cho cả đôi bên, cả châu Phi và Trung Quốc đều có thể góp phần vào việc chống lại biến đổi khí hậu. Ngoài mối quan tâm chính đến nguồn năng lượng hóa thạch, Trung Quốc nên đầu tư vào nguồn năng lượng tái tạo tiềm năng hầu như chưa được khai thác ở châu Phi. Với nguồn đầu tư đúng hướng, châu Phi có thể chuyển dịch sang nền kinh tế phát thải ít carbon và hướng đến một tương lai xanh.
Hợp tác theo hướng giảm phát thải giữa Trung Quốc và Châu Phi có thể giúp thực hiện những tham vọng kinh tế của Châu Phi theo hướng bền vững, mang lợi ích cho cả người dân châu Phi và môi trường thế giới.
Về phần mình, nếu thực sự coi trọng việc xây dựng quan hệ đối tác với châu Phi vượt ra ngoài lĩnh vực dầu mỏ,Trung Quốc cần thể hiện những tín hiệu sẵn sàng hỗ trợ châu Phigánh vác trách nhiệm chung với khu vực Nam bán cầu trong việcmở rộng tiếp cận năng lượng mà không gây gia tăng phát thải.
Để giải quyết vấn đề năng lượng, Trung Quốc không nên đánh bạc với cuộc sống và sinh kế của những người dân nghèo châu Phi vốn đã đang phải gánh chịu những tác động của biến đổi khí hậu mà họ không gây ra. Trung Quốc cần xây dựng một mô hình hợp tác mới để một mặt có thể thúc đẩy hành động vì khí hậu tại chính Trung Quốc, đồng thời đảm đảm bảo rằng các đối tác toàn cầu tôn trọng các trách nhiệm về khí hậu và có những hành động cần thiết để xây dựng một tương lai an toàn, công bằng hơn cho cả nhân loại.