ThienNhien.Net – Thời tiết miền Trung đang nắng nóng gay gắt, khô hanh kéo dài, các tỉnh miền Trung đang tập trung tăng cường các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR).
Liên tiếp trong 2 ngày 13-14/5 đã xảy ra 2 vụ cháy lớn tại tỉnh Thừa Thiên-Huế và Bình Định. Ngày 13/5, 1 đám cháy đã xảy ra tại sườn phía Nam núi Ngự Bình thuộc địa phận phường An Cựu (TP. Huế) thiêu rụi hàng nghìn m2 rừng. Đám cháy bắt nguồn từ 1 vụ đốt vàng mã nhân ngày Phật đản, cách bìa rừng chỉ đúng 5 mét.
Ngày 14/5, 1 vụ cháy đã xảy ra trên núi Trường Úc, huyện Tuy Phước (Bình Định). Khoảng 2 ha rừng tự nhiên, đồi núi và rừng trồng cây bạch đàn theo dự án WB3 của một số hộ dân trong vùng đã bị thiêu rụi.
Theo Cục Kiểm lâm, tính đến ngày 14/5, tại khu vực miền Trung, các khu vực Ninh Sơn, Ninh Phước, Bác Ái (tỉnh Ninh Thuận) và khu vực Tư Nghĩa, Sơn Tịnh, Mộ Đức, Đức Phổ, Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) đang ở cấp báo động 5, nếu cháy rừng xảy ra thì hầu hết các kiểu rừng đều dễ bắt lửa với tốc độ lan tràn rất nhanh.
Một trong những nguyên nhân chính gây ra cháy rừng do người dân đốt thực bì, đốt giấy sau đó cháy lan rộng ra. Chính vì thế, việc tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân được các địa phương chú trọng hàng đầu.
Tại Quảng Nam, ngay từ đầu năm 2014, tỉnh đã chú trọng đến công tác diễn tập, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, các chủ rừng về PCCCR. Mới đây nhất là cuộc diễn tập tại xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, một điểm nóng về cháy rừng, trong điều kiện cháy rừng cấp 4-5. Huyện Nông Sơn đã thành lập được 30 tổ đội quần chúng bảo vệ rừng với 180 người tham gia. Các huyện vùng cao như: Đông Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Bắc Trà My, Nam Trà My, Tây Giang, Hiệp Đức tăng cường kiểm tra, rà soát việc thực hiện chính sách giao đất giao rừng cho các tập thể, cá nhân quản lý và bảo vệ.
Ngày 19/5 tới, quy định về PCCCR do UBND tỉnh Quảng Nam ban hành sẽ có hiệu lực. Theo đó, nghiêm cấm các hành vi đốt lửa, sử dụng lửa trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt rừng đặc dụng, phân khu phòng hộ rất xung yếu; đốt giấy vàng mã; đốt nương rẫy, đốt xử lý thực bì sau khai thác rừng và các hành vi đốt lửa, sử dụng lửa trái phép khác trong rừng và ven rừng…
Huyện Hương Trà (Thừa Thiên-Huế) là địa phương đang trong tình trạng báo động cháy rừng ở mức cao nhất. Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm, Phó Ban trực Ban Chỉ huy PCCCR thị xã Hương Trà, cho biết, Hương Trà đã triển khai các biện pháp cấp bách như thành lập, củng cố và kiện toàn lại 72 tổ, đội bảo vệ rừng và PCCCR ở các thôn, tổ phố với trên 1.140 người; bố trí lực lượng bảo vệ chuyên trách; hợp đồng định suất bảo vệ rừng-PCCCR tại 11 xã, phường trọng điểm có rừng. Có 27 đơn vị (gồm 11 xã, phường và 16 đơn vị chủ rừng lớn) đã xây dựng phương án huy động lực lượng cứu chữa khi xảy ra cháy rừng.
Quảng Ngãi hiện có hơn 250.000 ha rừng, trong đó gần 120.000 ha rừng trồng. Để chuẩn bị cho công tác phòng chống cháy rừng năm nay, các địa phương đã củng cố hơn 170 Ban chỉ huy và gần 700 tổ, đội phòng chống cháy rừng; đồng thời hợp đồng hơn 100 người bổ sung cho các địa phương có nguy cơ cháy rừng cao.
Ông Nguyễn Đại, Chi cục Phó Chi cục kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi, cho biết bên cạnh chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về phòng chống cháy rừng, Chi cục sẽ tiến hành kiểm tra, phúc tra lại công tác kiểm tra ở các hạt, sau đó chấn chỉnh kịp thời những sai sót trong quá trình thực hiện phòng cháy, chữa cháy rừng ở địa phương.
Ông Nguyễn Hữu Hoán, Chi cục Phó Chi cục kiểm lâm Ninh Thuận, cho biết toàn tỉnh có khoảng 199.000 ha rừng, trong đó các khu vực Ninh Sơn, Ninh Phước, Bác Ái có khoảng hơn 100.000 ha rừng đang có nguy cơ cháy rừng ở cấp độ 5. Ngay từ đầu năm, Chi cục đã tổ chức 3 đợt diễn tập chữa cháy rừng theo từng tình huống giả định nhằm giúp lực lượng các đơn vị nắm bắt và xử lý tốt việc phòng cháy chữa cháy rừng. Ngoài ra, tỉnh còn tổ chức tuyên truyền công tác PCCCR tại hơn 100 điểm họp dân, đồng thời thường xuyên tổ chức tuyên truyền trên loa phát thanh, tổ chức ký cam kết cho trên gần 700 hộ đồng bào khi đốt dọn rẫy không để cháy lan vào rừng.