ThienNhien.Net – Theo tin tức mà PV thu thập được, những doanh nghiệp hiện tại đang khai thác đá Granit trên địa bàn huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) là các công ty TNHH Xây dựng Thuận Đức, công ty TNHH Thương Mại Sơn Phát, công ty cổ phần Phú Tài… Những công ty này hiện đã đưa nhiều máy móc chuyên dùng để khai thác đá lên các quả núi và cho xây dựng các nhà máy sản xuất án ngữ ngay dưới chân núi.
Việc khai thác đá Granit đã làm ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước tại khu vực này. Nhiều người dân sống dọc Quốc lộ 1A cho biết, quá trình khai thác đá diễn ra thường xuyên với quy mô lớn khiến cuộc sống của người dân ít nhiều bị đảo lộn.
Đặc biệt là tiếng ồn và bụi bặm mà các cơ sở sản xuất đá Granite gây ra. Bên cạnh đó, nguy cơ về sạt lở đá luôn tiềm ẩn khả năng xảy ra khiến người dân xung quanh hết sức lo ngại.
Điều khiến dư luận băn khoăn là không biết các công ty đang hoạt động ở khu vực núi đá ở huyện Vạn Ninh đã được cơ quan có thẩm quyền nào cấp phép khai thác đá một cách tận thu và triệt để như vậy? Liệu nguồn thu ngân sách (nếu các doanh nghiệp trên được phép khai thác) từ các doanh nghiệp trên có thể đánh đổi bằng ảnh hưởng lâu dài từ hậu quả của việc tận thu tài nguyên thiên nhiên?
Khi chúng tôi tiếp cận điểm khai thác đá Granit của công ty TNHH Thương mại Sơn Phát tại xã Vạn Khánh, điều dễ nhận thấy là nhà xưởng của công ty này đã được xây dựng rất quy mô từ lâu. Trên con đường từ “đại bản doanh” của công ty lên núi ngổn ngang những khối đá Granite có thể tích hơn 1m3 đã được khai thác và chuyển về.
Đi trên con đường đất độc đạo lên núi, tình trạng núi bị xẻ thịt càng diễn ra nghiêm trọng. Đặc biệt, ở khi vực đất khá bằng phẳng trên núi có để máy xúc và dựng lên một cái lán trại sơ sài. Tại đó có khá nhiều thanh niên tụ tập và được nuôi rất nhiều chó dữ. Khi có người lạ tiếp cận, lập tức những con chó này xông vào chực cắn.
Sau đó, một vài thanh niên từ trong lán chạy ra với giọng điệu đe dọa, cấm người ngoài tiếp tục lên phía trên núi. Những người này cũng yêu cầu chúng tôi lập tức xuống núi. Thỉnh thoảng, lại có vài chiếc xe trọng tải lớn lại bò từ từ lên khu vực khai thác.
Khi chúng tôi hỏi những người này tại sao không được lên khu vực phía trên thì đám người này hằm hè: “Hỏi làm gì? Trên đấy chẳng có gì mà xem cả”.
Người dân ở đây cho biết, những người ở trong các lán trại trên núi không phải là người địa phương. Và vì ở trên đó tập trung những đối tượng lạ, lại nuôi nhiều chó dữ nên dân quan vùng cũng không ai lai vãng gần các mỏ đá.
Theo tìm hiểu của PV, các công ty khai tác đá ở Vạn Ninh đều đã lập hồ sơ xin khai thác thăm dò, lấy mẫu. Những hồ sơ, thủ tục liên quan đến hoạt động khai thác thăm dò trên không rõ đã được các cơ quan chức năng cấp phép hay chưa nhưng việc các công ty này xây dựng các nhà máy chế biến đá trên địa bàn và đồng loạt cho công nhân ồ ạt tiến hành khai thác tận thu từ nhiều năm nay là rất rõ ràng.
Điều kỳ lạ là ngay cả lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh Khánh Hòa cũng nắm một cách mù mờ về hoạt động khai thác đá tại huyện Vạn Ninh. Trong khi đó, chỉ cần đứng ở Quốc lội 1A, dùng mắt thường cũng dễ dàng nhận ra các mỏ đá ở đây đang bị tận thu và ảnh hưởng lớn đến môi trường.
Ông Mai Văn Thắng, Phó Giám đốc Sở TN&MT sau một hồi vòng vo thì cho biết, việc khai thác của các công ty trên, ông cũng không nắm rõ và sẽ cho kiểm tra lại. Nhưng năm nào cũng cho kiểm tra 1 lần.
Ông Thắng cũng cho biết sẽ giao lại cho Trưởng phòng khoáng sản cung cấp các thông tin liên quan cho các cơ quan báo chí. Tuy nhiên, sau nhiều lần liên lạc tìm hiểu, PV vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng.
Trước đó, Bộ Xây dựng đã có văn bản số 10/BXD-VLXD gửi UBND tỉnh Khánh Hòa về việc thực hiện Thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải. Theo đó, Bộ xây dựng sẽ chủ trì phố hợp với Bộ Công thương; Bộ TN&MT và UBND tỉnh Khánh Hòa kiểm tra, thẩm định các dự án đầu tư xây dựng nhà máy chế biến đá granite của các đơn vị trên địa bàn tỉnh có hồ sơ xin cấp phép thăm dò, khai thác để tổng hợp trình lãnh đạo Bộ Xây dựng và báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Thời gian kiểm tra dự kiện là vào sáng ngày 5/4/2014.
Dựa trên danh sách kèm theo văn bản của Bộ Xây dựng, chỉ có 3 đơn vị đề nghị cấp phép khai thác là: Công ty CP An Phước (Mỏ Granit Cây Sung 2, xã Diên Tân, huyện Diên Khánh); Công ty CP ĐT – XD Hương Trà (Mỏ Granite Cây Sung 1, xã Diên Khánh); Công ty CP ĐT – XD Hương Trà (Mỏ Granite xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh). Còn lại các doanh nghiệp đều đề nghị cấp phép thăm dò.
Vậy, các công ty còn lại đang hoạt động khai thác tận thu khoáng sản về bản chất là khai thác trái phép, trái với Luật khoáng sản và gây ảnh hưởng lớn đến môi trường cũng như cuộc sống của người dân địa phương. Không biết UBND tỉnh Khánh Hòa sẽ có biện pháp gì ngăn chặn tình trạng trên, vì với thực trạng hiện tại ảnh hưởng của hoạt động khai thác đá Granite trên địa bàn tỉnh là rất đáng quan ngại.